Người trồng vải đã cởi bỏ nỗi lo

Minh Phương - Hải Nhi 19/05/2021 09:00

Không còn lo cảnh “được mùa mất giá”, bà con nông dân trồng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã có thể yên tâm khi sản phẩm do chính tay mình trồng đã được rao bán trên sàn thương mại điện tử, từ đó có thể vươn ra thị trường thế giới. Khi các sản phẩm nông sản lên các kênh bán hàng trực tuyến, cũng đồng nghĩa bài toán đầu ra cho nông sản đang dần được gỡ khó.

Vảithiều Thanh Hà (Hải Dương).

Vải thiều lên sàn online

Sáng ngày 18/5, tại thành phố Hải Dương, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiểu Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021. Đây là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được một số doanh nghiệp (DN) đưa lên sàn thương mại điện tử như: Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo.

Theo đó, chính quyền huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và DN để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin về trái vải trước khi được rao bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các kênh bán hàng truyền thống gặp phải rào cản lớn, giao dịch thương mại bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử đã trở thành cứu cánh cho việc giao thương hàng hóa. Theo các chuyên gia, việc sản phẩm vải thiều được đưa lên các kênh bán hàng trực tuyến sẽ mở ra thị trường mới cho quả vải thiều Thanh Hà. Từ đây, không chỉ người tiêu dùng trong nước biết đến đặc sản vải thiều Thanh Hà của Hải Dương mà thế giới cũng sẽ biết đến sản phẩm này một cách đầy đủ nhất và có thể đặt mua tại nhà.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng theo chia sẻ của bà con nông dân huyện Thanh Hà, ngay từ đầu mùa thương lái đã tấp nập đến thu mua vải. Hiện tại, vải đang được tiêu thụ khá thuận lợi ở thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã thu mua vải để đưa vào chuỗi siêu thị như VinMart, Intimex, BigC... và các chợ đầu mối lớn. Người dân thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó.

Theo chia sẻ của bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, năm ngoái DN này bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay DN này dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản.

Nét mới của vụ vải này là tỉnh Hải Dương đã có sự quan tâm, đầu tư bao bì sản phẩm. Thay vì đóng vào thùng xốp, thùng carton thì năm nay vải đã được đựng vào hộp quà nhìn rất bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng quả vải thiều Thanh Hà như khoác thêm một chiếc áo mới lộng lẫy, giá trị quả vải nhờ đó cũng được nâng cao hơn.

Nâng chất - nâng sức cạnh tranh

Nhiều năm nay, nhờ áp dụng quy trình VietGAP nên vải không bị sâu, mã quả dần được cải thiện, sáng đẹp hơn trước. Với hơn 3.300 ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, vải thiều Thanh Hà được biết đến là trái cây đặc sản sạch, một món quà quý, chất lượng cao có thể ăn, làm quà biếu, tặng. Ở đây đã có 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế. Thực tế nhiều năm nay, vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với UBND và các đơn vị của Tỉnh triển khai nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến như Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia đưa nông sản và quả vải thiều Hải Dương lên các kênh thương mại điện tử uy tín gắn với việc truy xuất nguồn gốc… Và sau nhiều nỗ lực, ngày 18/5 đã chính thức diễn ra Lễ khởi động chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, tại Hội nghị lần này, Bộ Công thương cũng hỗ trợ kết nối cho các DN, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan…

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA, thì việc nỗ lực “xây dựng chữ tín” cho các sản phẩm nông sản Việt bằng việc áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc, làm tốt các khâu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo quy trình quốc tế... sẽ góp phần nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt, đưa nông sản Việt ngày một vươn xa. Và với việc trái vải cũng như nhiều sản phẩm nông sản được thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, đưa lên sàn thương mại điện tử, bà con nông dân sẽ dần thoát khỏi nỗi lo “được mùa rớt giá”, ùn tắc nông sản vẫn phải đối hàng năm.

Năm 2021, diện tích vải toàn tỉnh Hải Dương là 9.186 ha, trong đó vải sớm khoảng 30% diện tích, vải chính vụ 70% diện tích. Dự kiến sản lượng vải quả 55.000 tấn, tăng khoảng 15 nghìn tấn so với niên vụ năm 2020. Riêng huyện Thanh Hà, thủ phủ vải thiều của tỉnh Hải Dương, năm 2021 có 3.328 ha vải, trong đó có khoảng 1.600 ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ.

Tổng sản lượng vải quả toàn tỉnh ước đạt 50-55.000 tấn (trong đó, vải sớm khoảng 30-35.000 tấn; 20-25.000 tấn vải chính vụ), tăng khoảng 10.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Huyện đang duy trì 17 vùng, diện tích 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đến các nước: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Singapore. Dự kiến tổng sản lượng vải thiều của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn. Dự kiến tỷ lệ xuất khẩu vải năm 2021 tăng khoảng 5% so với năm trước...

Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ở ở huyện Thanh Hà đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm. Hiện, giá vải tại vườn được doanh nghiệp thu mua với giá 60.000 – 80.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trồng vải đã cởi bỏ nỗi lo