Dù đã gần tuổi 80 nhưng Nghệ nhân nhân dân (NNND) Hoàng Thị Bích Hồng, người dân tộc Tày (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) vẫn dành tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ và những người dân địa phương về giá trị của loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính.
Nghệ nhân Hoàng Thị Bích Hồng từng có thời gian dài tham gia sinh hoạt tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Bước sang tuổi 76, nhưng tiếng Tính, câu Then của bà vẫn là nguồn cảm hứng thu hút nhiều người đến với loại hình nghệ thuật văn hóa này. Thành thạo kỹ năng về hát Then, đàn Tính, hát Bụt cổ, Then cổ, khả năng độc tấu đàn Tính thành thạo, chuyển thể các làn điệu then để viết lời, bà còn nắm vững các giai điệu then của các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên.
NNND Hoàng Thị Bích Hồng nhớ lại, ngày còn nhỏ, mỗi dịp sau Tết các nhà trong xóm thường mời thầy cúng đến làm lễ và trẻ con cũng được đi theo. “Tại các buổi lễ đó, tôi thấy âm nhạc của hát Then và đàn Tính rất hay, lời ca và giai điệu thấm dần trong tôi lúc nào không biết. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng câu ca, tiếng đàn” - bà Hồng chia sẻ.
Theo bà, hát Then có nhiều làn điệu, mỗi làn điệu có đặc trưng riêng. Đó là những lời ca, tiếng nhạc được chắt lọc từ chính những nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Nếu liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh sử dụng tiếng hát để giao duyên với nhau thì người Tày, Nùng cũng dùng những lời ca để đối đáp và nên duyên vợ chồng…
Khi được tuyển vào Đoàn Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, bà Hồng đã mang tiếng đàn Tính, câu hát Then phục vụ đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Ngày nghỉ hưu, bà lại tìm đến với những người mê lời then, tiếng tính để truyền dạy. Năm 2007, bà Hồng đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) đàn Tính, hát Then tỉnh Thái Nguyên.
“Sau khi về hưu, tôi đã đi đến nhiều nơi để truyền dạy cho người dân về hát Then, đàn Tính. Tôi cứ đi như thế, đi bằng niềm đam mê. Chỗ nào có hội viên là tôi đến. Cứ thấy người ta say mê tiếng đàn, lời hát, say mê gìn giữ nét văn hóa đẹp của dân tộc là tôi hạnh phúc” - bà Hồng chia sẻ.
Tiếng lành đồn xa, không ít người ở các huyện như Định Hóa, Phú Lương… đã tới đăng ký tham gia CLB. Ngày mới thành lập chỉ có 18 thành viên thì đến nay CLB đã có hơn 100 thành viên.
“Vất vả có nhưng niềm vui cũng nhiều. Có những nơi vùng sâu, vùng xa, đời sống đồng bào rất khó khăn, sau những buổi biểu diễn hay truyền dạy hát Then, đàn Tính tôi được bà con mời ở lại ăn cơm, bữa ăn nhiều hôm chỉ toàn ngô, sắn nhưng là tất cả tấm chân tình của bà con, vui lắm” - bà Hồng tâm sự.
Tính đến nay, CLB Đàn Tính, hát Then do NNND Hoàng Thị Bích Hồng làm Chủ nhiệm đã truyền dạy cho hơn 700 học viên, người lớn tuổi nhất cũng gần 90, còn em nhỏ nhất mới học lớp 3. Là thành viên mới của CLB, bà Hà Thị A Na (SN 1960, dân tộc Tày, ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) chia sẻ: “Tôi học hát Then, đàn Tính mới được hơn 1 tháng. Càng học càng thấy ham. Do nhà xa cùng với công việc bận rộn nhưng chỉ cần có thời gian rảnh là tôi đến học. Tiếng đàn, lời hát càng khiến mình yêu quê hương hơn” - bà A Na chia sẻ.
Sức lan tỏa từ lời hát Then, tiếng đàn Tính là sự ghi nhận hết sức đáng quý đối với người nghệ nhân. Điều đó tiếp thêm động lực để những nghệ nhân như bà Hồng không ngừng cống hiến, gìn giữ, trao truyền những nét đẹp di sản văn hóa quý giá cho các thế hệ sau.
Năm 2022, NNND Hoàng Thị Bích Hồng vinh dự là một trong 64 nghệ nhân trên cả nước được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Năm 2023, với những đóng góp đặc biệt của mình, NNND Hoàng Thị Bích Hồng là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc.