Người Việt Nam tạo ra giá trị Việt Nam: Chìa khóa mở ra kho báu

Nguyễn Văn Tưởng 06/08/2020 18:00

Hai tiếng Việt Nam được nhân dân Việt Nam và thế giới xướng tên để tôn vinh chiến thắng giai đoạn đầu của nước ta trước đại dịch toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Tưởng (Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa) bên bờ biển Nha Trang.

Đất nước đang bước vào trạng thái cân bằng mới hậu khủng hoảng Covid-19 với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đây được xem là thành công của Việt Nam khi bước qua cuộc “lửa thử vàng” ở quy mô toàn thế giới. Hai tiếng Việt Nam được nhân dân Việt Nam và thế giới xướng tên để tôn vinh chiến thắng giai đoạn đầu của nước ta trước đại dịch toàn cầu, điều mà nhiều cường quốc chưa làm được.

Việt Nam hôm nay đã đủ lực, đủ thế trở thành hình mẫu trung tâm cho các quốc gia trên thế giới, trở thành biểu trưng sức mạnh của tình đoàn kết, của trí tuệ và lòng can đảm trước thử thách mang tính toàn cầu. Vì thế, Việt Nam sẵn sàng để được thế giới biết đến với một danh xưng mới, xứng đáng với giá trị mà chúng ta mang đến cho sân chơi toàn cầu. Giá trị Việt Nam được tạo ra bởi người Việt Nam - sẽ là chìa khoá mở ra sự thịnh vượng bền vững cho nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”(1). Lời Người cho đến ngày nay vẫn như thức tỉnh tâm can trái tim triệu triệu người Việt Nam. Chúng ta ngày ngày sống với rừng với biển, nhưng chưa thực sự hiểu hết về giá trị của rừng của biển. Người Việt Nam có quyết tâm ngày càng to lớn trong việc giữ rừng, giữ biển, nhưng đa phần mới chỉ dừng ở ngôn từ mà chưa biết phải làm thế nào, sử dụng sức mạnh gì để cùng Đảng, cùng Chính phủ giữ rừng, giữ biển.

Bao nhiêu người trong số chúng ta đã từng sống với rừng, đua với sóng để hiểu rừng của ta, biển của ta bao la biết nhường nào. Để giữ gìn, trước hết, ta phải hiện diện. Ông cha ta đã bao đời vươn khơi bám biển. Ngày nay, chúng ta không thể chỉ bằng lòng với tầm nhìn vươn khơi, mà phải sẵn sàng hiện diện và làm chủ biển trời của mình, rừng núi của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đồng sức, chung tay làm cho trọn vẹn, cho xác đáng nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn của mình với di sản của cha ông. Hơn thế nữa, chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự tạo ra giá trị từ những di sản đó, mở ra kho báu vô giá cho sự phát triển bền vững của nước nhà.

Việt Nam sở hữu ba khối tài nguyên quan trọng: rừng, biển và con người. Trong các chia sẻ trước đây về tiềm năng từ tài nguyên rừng(2) và tài nguyên biển(3), tôi đã chia sẻ góc nhìn của một doanh nhân về những nguồn lực này. Tuy nhiên, để biến tiềm năng từ rừng và biển trở thành giá trị thật, rất cần sự tham gia của nhân tố con người. 100 triệu dân Việt Nam cần có bước nhảy vọt trong nhận thức và nỗ lực đoàn kết, hiện thực hoá các tiềm năng thì nước nhà mới sở hữu được chìa khoá mở ra kho báu.

Cụ thể, với tài nguyên rừng. Từ hàng chục năm nay, chúng ta chật vật giải quyết bài toán cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên. Thậm chí, đã có những phát ngôn đáng buồn về sự đánh đổi tuyệt đối như: “chấp nhận đánh đổi tài nguyên tự nhiên lấy lợi ích kinh tế” hay “phải bảo tồn tự nhiên khỏi bàn tay con người”. Những phát biểu đó nghĩa là: có điều này là chẳng thể có điều kia - muốn giữ tự nhiên phải loại bỏ sự hiện diện của con người; muốn có lợi ích kinh tế cho con người phải hy sinh tài nguyên thiên nhiên. Điều này hoàn toàn sai lầm. Sự đánh đổi ta đã và đang trải qua có thể tồn tại trong một khoảng thời gian khi con người chúng ta chưa tìm được giải pháp điều hoà, chứ không phải vĩnh viễn. Con người sinh ra là một phần của tự nhiên và chúng ta hoàn toàn có phương pháp để đồng điệu cuộc sống của mình với sự trường tồn của tự nhiên. Phương pháp đó có thể khác xa với thực tại chúng ta đang trải nghiệm, nhưng là hoàn toàn có thể.

Toàn cảnh thành phố Qatar (Đô-ha) từ trên cao. Đây được coi là khu vực sở hữu các bất động sản và dịch vụ đẳng cấp nhất trên thế giới, thu hút giới tinh hoa trên toàn thế giới đến để định cư, làm việc và cống hiến.

Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện về mô hình nông lâm kết hợp theo thuyết thuận tự nhiên của nhà khoa học người Thụy Sĩ Earnst Gotsch để thấy giấc mơ là hoàn toàn có thật. Mô hình này đang được thử nghiệm thành công ở các quy mô nông nghiệp từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn, ở các điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam chắc chắn không phải là một ngoại lệ. Nền tảng cơ bản của mô hình nông lâm kết hợp thuận tự nhiên là: nếu những khu rừng có thể tồn tại và phát triển qua hàng triệu năm mà không cần có sự tác động của con người thì các cây nông nghiệp và thực phẩm cũng vậy. Quá trình canh tác của con người hoàn toàn có thể đồng bộ hoá với chu trình sinh trưởng của tự nhiên, không sử dụng các chất vô cơ tổng hợp. Nhờ vậy, con người có thực phẩm và nguồn lực tự nhiên vẫn được bảo tồn.

Nông nghiệp truyền thống đã phá huỷ độ phì nhiêu và chất lượng đất trong suốt hàng trăm năm qua. Nông nghiệp truyền thống lạm dụng phân bón và các chất hoá học để loại bỏ sâu bọ trong một vài vụ mùa, nhưng rút kiệt độ màu mỡ của đất trong dài hạn. Trên những mảnh đất ngày càng bạc màu, người nông dân mất đi tài sản trân quý nhất của họ - là những mảnh đất màu mỡ. Chi phí đầu vào để bù đắp cho sự bạc màu của đất sẽ ngày càng cao, làm lợi nhuận của nông nghiệp truyền thống ngày càng bị thu hẹp. Với mô hình nông – lâm kết hợp thuận tự nhiên, người nông dân có thể trồng cây nông nghiệp cùng lúc với trồng rừng.

Thông qua việc cắt tỉa có chọn lọc các cây thân cao và xử lý cỏ bằng phương pháp phân huỷ hữu cơ, người nông dân tạo điều kiện để lá cây cùng cỏ phân huỷ, đem lại nguồn dinh dưỡng cho đất và các cây lương thực. Việc cắt tỉa của người nông dân cũng kích thích thân cành của cây phát triển, kích thích các vi sinh vật có lợi và nấm cộng sinh trong rễ cây sinh sôi - những thứ đang bị tận diệt bởi thuốc trừ sâu. Nhờ hoạt động của những vi sinh vật và nấm cộng sinh trong rễ cây này, đất đai khi thu hoạch sẽ màu mỡ hơn cả khi bắt đầu vụ mùa. Trong không gian nông - lâm kết hợp, các cây lớn tạo ra nhiều bóng mát và hấp thu nhiều khí các-bon hơn, làm không khí mát hơn, giữ gìn các dòng chảy ngầm. Nhờ đó, mưa sẽ nhiều hơn và các dòng nước ngầm sẽ hồi sinh trở lại. Một nền nông nghiệp bền vững có thể tự tồn tại nhờ trao đổi chất cho nhau và thậm chí, trong dài hạn, sẽ không cần tới hệ thống tưới tiêu. Đó là sự thật, chứ không phải một giấc mơ.

Tại các mô hình nông - lâm kết hợp ở Brazil(4), vụ mùa mới diễn ra cùng với việc gieo hạt và trồng các cây giống dài ngày. Hạt giống và cây giống phát triển, tạo bóng râm và giúp khôi phục độ phì nhiêu của đất. Tối đa hai tháng sau khi gieo mùa, nông dân có thể bắt đầu thu hoạch rau và các sản phẩm khác, như dứa, ngô và sắn, tạo thu nhập để đầu tư vào việc phục hồi đất và phát triển các loại cây trồng mới.

Các nghiên cứu cho thấy, trong nông nghiệp truyền thống, để đạt được cùng một năng suất nông nghiệp như năm trước, người nông dân phải đưa vào gấp 2 đến 3 lần lượng đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Các biến động tự nhiên cũng như biến thể kháng thuốc của sâu bệnh cũng biến đổi ngày một khó lường. Cách vận hành này của nông nghiệp truyền thống (dù là hữu cơ hay vô cơ) sẽ ngày càng bất lợi cho cả tự nhiên cũng như con người. Đồng bộ sản xuất nông nghiệp với sự vận hành của rừng tự nhiên là lời phủ định thuyết phục cho bất cứ giả thuyết nào về sự đánh đổi giữa kinh tế và tự nhiên. Khi đó, sự hiện diện của con người là một yếu tố có lợi cho tự nhiên. Bạn nghĩ điều này khó khăn? Tôi lại cho rằng: điều này rõ ràng khả thi hơn hẳn so với “giấc mộng” bảo tồn tự nhiên bằng cách cố gắng loại bỏ hoàn toàn tác động của con người lên tự nhiên.

Là người phụng sự Trầm Hương, tôi hiểu hơn ai hết sự kỳ diệu của Trầm Hương khi thành hình từ những tổn thương trên cây dó bầu. Từ những tổn thương đó dưới nắng gió tự nhiên, Trầm Hương được tạo thành. Đứng dưới bóng mát của những tán rừng dó bầu ở dải đất miền Trung, tôi thấy Trầm Hương thành hình trên những thân cây bị thương, thấy sự sống của vô vàn sinh vật nảy nở sinh sôi trên từng tấc đất, từng thân cây, từng tán lá. Bởi lẽ đó, tôi có lòng tin lớn lao vào mô hình nông – lâm kết hợp, vào cơ chế mà mô hình này sẽ bảo tồn và tái tạo tài nguyên đất. Cuộc sống của nhiều nông dân trồng rừng đã khởi sắc từ cây dó bầu.

Sẽ tuyệt vời biết bao khi dưới những tán rừng Trầm này ta lại được chung vui với sự khởi sắc của những người nông dân, của một ngành nông nghiệp thân thiện với môi trường. Đó là giấc mơ tôi đang dần hiện thực hoá. Và tôi tin các doanh nhân và nông dân chân chính khác, họ cũng sẽ tìm được lối đi đến giấc mơ của mình với giải pháp tuyệt vời này. Và chỉ cần chúng ta dám nghĩ khác, nhiều giải pháp khác, nhiều con đường khác sẽ ra đời. Ở đó, con người và tự nhiên sẽ cùng chung sống, sự hiện diện của con người là món quà cho tự nhiên và ngược lại.

Khu vực canh tác nông nghiệp theo mô hình nông – lâm kết hợp tại một trang trại 500 hec- ta ở Piraí do Norte (Brazil).

Phong trào nông - lâm kết hợp không xa vời mà đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Ngay tại Đông Nam Á, các hội thảo chuyên đề về triển khai Nông Lâm kết hợp đã được tổ chức tại Malayxia, Indonesia và Philippin. Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á có các điều kiện thổ nhưỡng khí hậu khá gần với Brazil, cái nôi của mô hình Nông - Lâm kết hợp. Khoảng cách từ chúng ta đến giấc mơ biến rừng, biến đất, biến ngành nông nghiệp của chúng ta thành giá trị, thành kho báu không xa vời. Quyền quyết định nằm trong tay những người Việt Nam.

Đối với tài nguyên biển, những người Việt Nam hôm nay không thể mãi hài lòng với tầm nhìn về phía biển. Hành động và giải pháp của chính chúng ta là điều cần thiết hơn cả. Tương tự như mô hình phát triển nông – lâm kết hợp, chúng ta hoàn toàn có giải pháp đồng điệu sự phát triển của con người với bảo tồn tài nguyên biển. Chúng ta không thể phủ nhận tài nguyên dồi dào từ biển cả biến nơi đây thành giấc mơ của mọi quốc gia. Để bảo vệ được chủ quyền, xa hơn là quyền lợi kinh tế của nước nhà trên biển, chúng ta phải khẳng định được sự hiện diện của mình, biến sự hiện diện của chúng ta thành một yếu tố có lợi cho tài nguyên biển.

Những ánh mắt trên bờ không thể nào thấu hiểu được đại dương. Chỉ có hiện diện, chúng ta mới có thể nghiên cứu, quy hoạch được các hoạt động đánh bắt ở một quy mô và thời điểm phù hợp, để vừa bảo đảm nguồn lợi thuỷ - hải sản, vừa góp tạo điều kiện để nguồn thuỷ - hải sản trong tự nhiên được tái tạo thay vì tận diệt. Chỉ có hiện diện, chúng ta mới có cái nhìn chân thực, có phương án hiệu quả nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Chừng nào công cuộc vươn khơi, bám biển chỉ nằm trên vai những người ngư dân và người lính hải quân thì chúng ta chưa thực sự góp sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn thế nữa, chúng ta còn đang lãng phí một nguồn tài nguyên vô giá – kho báu mà nhiều quốc gia trên thế giới mơ ước.

Gần gũi hơn, cách chúng ta đang làm với du lịch biển cũng cần được thay đổi. Nguồn lực từ biển khơi không thể bị giới hạn ở những không gian du lịch gần bờ. Những thành phố trên biển, nhưng du thuyền hạng sang xứng tầm với không gian biển kỳ vĩ đã sớm trở thành hiện thực ở nhiều quốc gia trên thế giới. Họ có cách thức quản lý và vận hành nghiêm ngặt để đảm bảo sinh hoạt của con người không gây tác động tiêu cực đến môi trường biển. Để được quyền sống và hưởng thụ dịch vụ thượng hạng tại các thành phố và du thuyền này, công dân và du khách không chỉ phải trả một khoản phí xứng đáng mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nhận thức, cách ứng xử với môi trường tự nhiên. Hướng đi này không chỉ đem lại giá trị lớn hơn hẳn mà trên thực tế còn dễ quản lý hơn nhiều so với phát triển du lịch nhỏ lẻ, tràn lan, tự phát ở gần bờ.

Ai trong chúng ta cũng muốn giữ gìn căn nhà của mình thật sạch đẹp, bởi đó là nơi ta ăn, nơi ta ngủ, nơi con cái chúng ta lớn lên, nơi ta mời về những người khách quý. Chúng ta có thể vì vô tâm mà xả rác ra đường, ra sông, ra biển nhưng không ai tự làm bẩn ngôi nhà của chính mình. Biến biển khơi thành mảnh đất sống của người Việt Nam, nơi chúng ta hằng ngày sống và làm việc; nơi con cái chúng ta hít thở, học tập và lớn lên, nơi ta đón những vị khách trân quý – khi đó, người Việt sẽ tự giác gìn giữ biển khơi đẹp đẽ như chính căn nhà của mình. Người Việt Nam mãi đứng trên bờ sẽ thiếu đi động lực để gìn giữ biển khơi. Mở rộng không gian sống và du lịch về phía biển một cách có quy hoạch là câu chuyện thành công của Qatar (Đô-ha) cũng như một số quốc gia Ả Rập khác. Ở đây, họ cung cấp môi trường sống, điều kiện làm việc và các loại hình dịch vụ đẳng cấp thế giới, thu hút đông đảo giới tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới đến sống, làm việc và cống hiến(5). Vì vậy, chẳng có lý do nào để người Việt Nam tự giới hạn giấc mơ trên vùng biển vô giá của mình.

Đại dịch Covid-19 vừa qua là thử thách hiện hữu nhất để chúng ta khẳng định: khi đồng sức đồng lòng, không hoài nghi lẫn nhau, người Việt Nam có thể tạo ra sức mạnh không tưởng, chiến thắng cả những kẻ thù đáng gờm nhất. Nếu người Việt Nam chỉ coi chống dịch là việc của ngành y tế, việc của Chính phủ, chúng ta không thể có thành công ngày hôm nay. Mỗi cá nhân trong xã hội đều chịu những ảnh hưởng nhất định từ dịch bệnh và cách ly xã hội, nhưng chúng ta đồng lòng, tin vào hướng đi của Đảng và Nhà nước. Chúng ta che chở lẫn nhau, giúp đỡ những người yếu thế và cùng nhau đi qua dịch bệnh. Con đường nào cũng có chông gai, giải pháp nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Chỉ cần chúng ta đồng lòng và cùng đi về một hướng, nhất định sẽ đến đích.

Sức mạnh đoàn kết đã tiếp năng lượng cho Trầm Hương Khánh Hoà cùng nhiều doanh nghiệp và người Việt Nam ở khắp nơi đã chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, đặc biệt là nỗ lực cùng các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hoà và Hải quân Vùng 4 đẩy mạnh phong trào “Tiếp sức cho ngư dân giữ biển”.

Trong tháng 5 vừa qua, với tư cách là đại diện doanh nghiệp Việt Nam duy nhất tham dự Hội nghị quốc tế trực tuyến về Xã hội Trí tuệ Nhân tạo, Trầm Hương Khánh Hoà đã cùng hàng chục diễn giả và nhà khoa học hàng đầu từ Diễn đàn Toàn cầu Boston, Diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid) đóng góp những sáng kiến đảm bảo an ninh không gian mạng trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tại đây, đại diện từ các quốc gia trên thế giới bày tỏ niềm trân trọng và ngưỡng mộ chiến thắng của Chính phủ và người dân Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Cách thức chống dịch, đối phó với dịch của Việt Nam trên mọi mặt trận từ y tế, đến kinh tế, xã hội trở thành mô hình được các quốc gia ghi nhận và học hỏi.

Không chỉ dừng lại ở câu chuyện chiến thắng đại dịch, hơn bao giờ hết, tôi cũng như Trầm Hương Khánh Hoà mong mỏi những chặng đồng hành dài hơn nữa cùng các doanh nghiệp và người dân Việt Nam trên toàn thế giới để vươn tới những mơ ước cao cả hơn. Đó là mơ ước về một Việt Nam thực sự làm chủ “rừng vàng, biển bạc”, nơi người Việt Nam chung tay kiến tạo nên những điều tốt đẹp, như cách chúng ta đã làm trong thời gian vừa qua và như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng có cơ hội đi trước, các bạn hãy tận dụng cơ hội đó”.

_____________________________

(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, t.8, 1961-1963, Sđd, tr.46.
(2) Bài viết về Người Việt và giấc mơ gây rừng dựng núi
(3) Bài viết về Việt Nam hôm nay - Vươn tầm nhìn về phía biển
(4) Bài nghiên cứu về Mô hình Nông – Lâm kết hợp thuận tự nhiên
(5) Tại sao Qatar trở thành điểm đến đẳng cấp nhất thế giới của các nhà đầu tư bất động sản Why Qatar is the Best Place To Buy Luxury Property in the World.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Việt Nam tạo ra giá trị Việt Nam: Chìa khóa mở ra kho báu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO