Dự án ETEP ký ngày 6/2/2017 với tổng kinh phí 100 triệu USD (khoảng 2.250 tỷ đồng); trong đó vốn vay là 95 triệu USD, vốn đối ứng là 5 triệu USD.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - giai đoạn 2015-2020 gửi Quốc hội.
Trong báo cáo có đề cập đến kinh phí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết Hiệp định vay vốn số 5691-VN thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) ký ngày 8/4/2016 với tổng kinh phí 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng); trong đó vốn vay là 77 triệu USD, vốn đối ứng là 3 triệu USD. Phần kinh phí biên soạn sách giáo khoa là 16.068.150 USD (khoảng 361 tỷ đồng); trong đó vốn vay là 15.068.150 USD, vốn đối ứng là 1 triệu USD.
Hiệp định số 5878-VN thực hiện Dự án Chương trình phát triển giáo dục các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên (ETEP) ký ngày 06/02/2017 với tổng kinh phí 100 triệu USD (khoảng 2.250 tỷ đồng); trong đó vốn vay là 95 triệu USD, vốn đối ứng là 5 triệu USD.
Được biết, tính đến năm học 2018-2019, cả nước có 30.699 cơ sở giáo dục phổ thông, 519.705 lớp với tổng số 15.999.732 học sinh. Tỉ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc đạt 66%, trong đó số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là 1.946 trường (13,9%).
Số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia là 7.573 trường (56,7%). Số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia là 1.243 trường (37,04%).
Tổng số giáo viên phổ thông cả nước hiện là 873.386 giáo viên gồm: 384.382 giáo viên tiểu học, 336.416 giáo viên trung học cơ sở, 152.588 giáo viên trung học phổ thông.