Nguồn nước dưới đất đang ngày một suy giảm. Quan ngại hơn, chất lượng nước tại nhiều địa phương còn bị ô nhiễm nặng, do thời tiết cực đoan và do cả con người. Khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất một cách hợp lý, là một phần tồn tại của tương lai.
Nguồn nước ngầm ở Tây Nguyên đang dần cạn kiệt.
Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT), trữ lượng nước dưới đất ở Việt Nam ước khoảng 172 triệu m3/ngày. Tổng lượng khai thác nước dưới đất khoảng 10,53 triệu m3/ ngày, trong đó đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ là hai khu bực khai thác nhiều nhất với tổng lượng khai thác của hai vùng khoảng 5,87 triệu m3/ngay. Lượng nước khai thác tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM với lượng nước khai thác khoảng 2,63 triệu m3/ngày chiếm 25% tổng lưu lượng khai thác toàn quốc.
Ông Hoàng Văn Bẩy- Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hiện nay, nguồn nước dưới đất được khai thác chủ yếu cấp cho sinh hoạt và công nghiệp. Khoảng 40% lượng nước cấp cho đô thị và gần 80% lượng nước khai thác sử dụng tại khu vực nông thôn. Tuy lượng nước khai thác chiếm tỷ trọng ít hơn nhiều so với tổng lượng hiện có, song trong vài thập kỷ qua, dưới tác động của các yếu tố tự nhiên và con người, tài nguyên nước dưới đất đang có chiều hướng giảm về trữ lượng với mực nước xuống thấp.
Điển hình là 2 vùng đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, mực nước tầng chứa nước, theo quan trắc đã giảm dần tại các vùng có hoạt động khai thác nước mạnh. “Về lâu dài, nguồn trữ nước thụt giảm kể cả khi chưa khai thác hết công suất cũng là nguy cơ lớn rất lớn. Ở Bắc Bộ, suy giảm mực nước dưới đất đã được cảnh báo tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình và Nam Định. Vùng Nam Bộ là TP HCM, Sóc Trăng, Cà Mau. Sự thiếu nước sẽ diễn ra cục bộ địa phương, vùng, nếu như không có sự điều tiết và khai thác hợp lý”, ông Bẩy nhấn mạnh.
Theo kết quả quan trắc mực nước dưới đất tại Hà Nội từ năm 1992 đến nay cho thấy, thủ đô hình thành phễu hạ thấp mực nước lớn có tâm trung với trung tâm cả thành phố. Tốc độ hạ thấp mực nước trung bình năm trong tầng chứa nước khai thác chính trong khoảng từ 0,08 đến 0,91m/năm, trung bình 0,3m/năm. Tương tự TP HCM cũng sụt giảm từ 0,03 đến 0,04/năm. Bên cạnh sự sụt giảm, chất lượng nước dưới đất bị ô nhiễm cũng là sự báo động đỏ.
Ông Hoàng Văn Bẩy cho biết thêm, hiện tượng ô nhiễm nước dưới đất cục bộ đã và đang diễn ra ở một số địa phương trên cả nước. Ở mỗi vùng mức độ ô nhiễm cũng khác nhau, trong đó vùng đồng bằng Bắc Bộ có mức ô nhiễm nước đưới đất cao hơn các vùng khác.
“Kết quả điều tra từ gần 323 nghìn mẫu phân tích tại 6.938 xã trên địa bàn 660 huyện thuộc 63 tỉnh thành phố trên cả nước có 12,5% số mẫu có hàm hượng Asen từ 0,005ml trở lên, vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ cao nhất 18,7%. Tương tự, Hà Nội, nguồn nước có hàm lượng TDS cao hay Nam Định có hàm lượng Amoni cũng vượt quá ngưỡng cho phép… Những nguồn nước này đều là nguy cơ gây bệnh cho con người nếu sử dụng”, ông Bẩy cho biết.
Tình hình cực đoan thời tiết trong những năm qua, đặc biệt là xâm nhập mặn, cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước dưới đất ô nhiễm nặng. Tại tỉnh Trà Vinh, kết quả kiểm cho cho thấy, thông số Cl được nghi nhận cao hơn giới hạn quy chuẩn Việt Nam và có xu hướng tăng lên qua các năm từ mức 251mg/L đến 287mg/L. Tại tỉnh Kiên Giang, hàm lượng Cl đo được dao động từ 58,49 đến 5956mg/ L, trong đó 8/10 nơi có điểm vượt ngưỡng QCVN.
“Nguồn nước dưới đất không phải là vô tận”, đó cũng là thông điệp mà các ngành quản lý đang muốn truyền tải tới người dân, trong quá trình sử dụng và khai thác nguồn nước hiện có. Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển, xã hội đã ghi lại nhiều trường hợp chỉ cần một hoạt động khai thác khoáng sản không kiểm soát đã khiến nguồn nước dưới đất của một vùng bị ô nhiễm. Một lượng thuốc trừ sâu bất cẩn thẩm thấu đã khiến một xã không sử dụng được nước giếng khoan. Một nguồn xả thải khiến mạch nước ngầm đầy hiểm họa… Cực đoan thời tiết khó kiểm soát, song ý thức con người có thể kiềm chế.