Nguy cơ ngộ độc từ thịt cóc

Minh Tuệ 11/11/2018 09:00

Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều đạm và kẽm, nhưng chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng), có thể gây chết người trong thời gian cực ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4-5 người khỏe mạnh.

Nguy cơ ngộ độc từ thịt cóc

Một ca cấp cứu bệnh nhi ngộ độc thịt cóc tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Nhiều vụ ngộ độc gây chết người

Ông Nguyễn Văn Đang- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc khiến một trẻ tử vong. Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 3/11, hai em Đinh Chang và Đinh Đang (cùng sinh năm 2010, trú làng Tpôn 1, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) đã bắt cóc, làm thịt nướng ăn tại rẫy của bà Đinh Thị Kuéch (là mẹ của em Đinh Đang). Trong quá trình làm thịt cóc, hai em đã cắt đầu, lột da và bỏ nội tạng nhưng vẫn giữ lại trứng cóc để nướng và chia nhau ăn.

Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, cả hai em bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn liên tục, đau bụng, chóng mặt và được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế Kông Chro điều trị. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sỹ đã tiến hành súc ruột, cho uống than hoạt tính, lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Tuy nhiên, 3 giờ sau, em Đinh Chang đã tử vong. Còn em Đinh Đang tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai điều trị. Đến ngày 4/11, bệnh nhi này đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục.

Bác sỹ Từ Thị Mai Linh- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho biết, may mắn là em Đinh Đang đã không ăn phải mật cóc nên không bị ảnh hưởng đến não. Hiện nay, bệnh nhi này đang tiếp tục được điều trị. Trước đó, giữa tháng 10/2018, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cũng đã cấp cứu thành công hai bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương hồi tháng 6 vừa qua, đã tiếp nhận 2 ca ngộ độc thịt cóc là 2 chị em song sinh ở Hòa Bình. Theo lời kể của gia đình 2 bé, do điều kiện bố mẹ phải đi làm ăn xa, hai cô bé sinh đôi phải để ở nhà cùng bà ngoại. Khoảng 8g tối ngày 30/5, hai chị em bé rủ nhau đi bắt cua và đã bắt được một con cóc, nên mang về tự nấu cho nhau ăn.

Sau khi ăn khoảng 2 tiếng cả hai chị em cùng bị nôn liên tục, li bì và được gia đình chuyển ngay vào bệnh viện huyện rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mặc dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu, nhưng do ăn nhiều hơn em nên chị gái trong cặp song sinh đã không qua khỏi, còn bé nhỏ hơn được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Khi vào Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), bệnh nhân trong tình trạng buồn nôn, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ. Các bác sỹ xác định bé bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim và đã tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm cần thiết. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện và hồi phục.

Còn nhớ vào năm 2016, một vụ ngộ độc do ăn thịt cóc xảy ra tại ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khiến 3 mẹ con tử vong. Nguyên nhân là 3 mẹ con đã mua cóc về rồi tự làm và nấu cháo cóc cho nhau ăn, được khoảng 1 giờ thì cả 3 mẹ con ói mửa. Mặc dù đã được cấp cứu nhưng do độc tố đã ngấm nên cả 3 nạn nhân đều tử vong.

Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cao

Lâu nay, nhiều thầy thuốc đông y thường khuyên dùng thịt cóc như một món ăn bổ dưỡng giúp trẻ em ăn mau lớn, thông minh. Tuy nhiên, các bộ phận như da, dưới da, trứng, gan, ruột của cóc lại rất độc, vì có chứa nọc độc (bufotoxin) và một số hợp chất hữu cơ khác. Khi ăn thịt cóc mà những chất này chưa được loại bỏ hoàn toàn có thể gây ngộ độc cấp khiến ngừng tim và ức chế hô hấp dẫn đến tử vong nhanh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng thịt cóc là thực phẩm giàu dinh dưỡng chứa nhiều đạm và kẽm, nhưng chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng, có thể gây chết người trong thời gian cực ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong 1 con cóc có thể gây chết cho 4-5 người khỏe mạnh. Nọc cóc còn có tetrodotoxin, giống như chất độc ở cá nóc và nhiều chất độc khác làm co mạch máu, tăng huyết áp, tim đập nhanh hoặc chậm...

Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cóc rất cao. Có người qua được cơn nguy kịch thì bị suy thận, vô niệu... Bên cạnh đó, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng. Người bị ngộ độc có thể thấy tê môi, buồn nôn, nôn, rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh, hồi hộp, tụt huyết áp, hoảng hốt, co giật.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp hôn mê, tử vong vì nghe lời đồn thổi, nuốt mật cóc chữa ung thư. Mật động vật nào cũng nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nếu hàm lượng chất độc nhỏ thì sẽ gây kích thích tim mạch, làm các vết thương nội hoại tử dẫn đến nhiễm trùng. Nếu hàm lượng chất độc lớn có thể gây tử vong. Đó là chưa kể các loại vi khuẩn gây hại khác như tụ cầu khuẩn vàng, các loại virus, giun sán gây bệnh có trong máu động vật thông qua mật cũng rất dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường ruột.

Theo GS TS Nguyễn Bá Đức- Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gan và mật cóc rất độc, có thể gây tử vong. Ngay cả thịt cóc, người ta quan niệm bổ nên vẫn ăn nhưng cũng phải rất thận trọng vì trong quá trình chế biến, độc tố từ gan, mật, da cóc có thể dính vào thịt gây ngộ độc.

Về thông tin chữa bệnh của thịt cóc, bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng- Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong Đông y chưa từng đề cập tới việc dùng gan, mật cóc sống để chữa bệnh viêm gan B, chỉ có vài bài thuốc có sử dụng một lượng rất nhỏ chất độc từ mật, gan cóc (liều lượng được tính toán để không gây ngộ độc) phối hợp với các vị khác để chữa một số bệnh.

Theo các chuyên gia, tốt nhất không nên uống hay nuốt sống mật bất kỳ con vật nào. Nếu vô tình uống phải thì cần lưu ý những triệu chứng ngộ độc thường gặp là rối loạn tiêu hoá, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy; đi tiểu ít, có khi vô niệu. Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị phù não, phù phổi cấp, chậm nhịp tim, co giật toàn thân, thậm chí có thể tiến đến hôn mê rồi tử vong.

Về việc dùng thịt cóc như một món ăn bổ dưỡng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên mạo hiểm cho con ăn với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn… vitamin D và canxi trong thịt cóc rất ít, không thể chống còi xương ở trẻ. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Thịt, mỡ cóc không có độc nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể dính độc.

* Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, trong Đông y chưa từng đề cập tới việc dùng gan, mật cóc sống để chữa bệnh viêm gan B, chỉ có vài bài thuốc có sử dụng một lượng rất nhỏ chất độc từ mật, gan cóc (liều lượng được tính toán để không gây ngộ độc) phối hợp với các vị khác để chữa một số bệnh. Tốt nhất không nên uống hay nuốt sống mật bất kỳ con vật nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ ngộ độc từ thịt cóc