Trong làng quan thời phong kiến Việt Nam, Nguyễn Công Trứ (1778-1858) nổi lên với chân dung độc đáo, giàu cá tính. Là người đỗ đạt, làm quan to hết quan văn lại quan võ. Đang trên đỉnh công danh ông lại bị cách chức làm lính thú, thậm chí phải chịu án trảm giam hậu (giam chờ chém) cách chức thành một người lính. Rồi lại được phục chức…
Cuộc đời nếm trải vinh nhục, thăng trầm càng khiến con người ông thêm ngạo nghễ. Khi được chấp thuận về hưu, khác với các vị quan lên xe ngựa chất đầy của báu, ông lại thủng thẳng cưỡi con bò vàng về quê.
Làm trai đứng ở trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông”.
Nguyễn Công Trứ
Mộng công danh
Năm 2018 là chẵn 240 năm sinh và 160 năm mất Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858). Theo kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, lễ kỷ niệm sẽ diễn ra vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 cuối năm.
Nguyễn Công Trứ có tên tục là Củng, là con của Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn. Ông tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hi Văn. Ông quê ở làng Uy Viễn, nay thuộc xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Quê mẹ ông ở xứ Sơn Nam, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Nguyễn Công Trứ sinh ra ở Quỳnh Côi, Thái Bình, trong tư dinh của khi thân phụ đang làm Tri huyện ở Quỳnh Côi.
Từ nhỏ, cậu bé Củng đã tỏ rõ là một thiếu niên giỏi ứng đối. Có một chuyện kể rằng: Khoảng 10 tuổi, Củng về Hà Tĩnh theo học một thầy đồ tại nhà ông Trung tốt bụng trong làng. Một hôm, khi cả lớp đang ngồi học, ông Trung chợt nổi hứng đi vào lớp và nói: “Ta có câu đối này, trò nào đối hay và nhanh sẽ được thưởng một quan tiền”. Rồi ông chỉ về phía cây đại ngoài vườn, đọc: “Ngoài vườn cây đại nở hoa đại”.
Cả lớp im lặng. Còn Củng cứ nhấp nhổm. Thầy đồ liền hỏi: “Trò Củng, sao không đối đi?”. Củng khép nép thưa: “Thưa, con sợ bị quở phạt ạ”. Ông chủ nhà khuyến khích ra vẻ rộng lượng: “Trò cứ đối, nếu hay thì ta sẽ thưởng cho, còn nếu có điều gì sơ suất thì ta và thầy cũng không bắt lỗi trò đâu”. Được lời, Củng nghiêm chỉnh đứng dậy đọc: “Trong buồng ông Trung ấp bà Trung” ạ.
Vế đối rất chuẩn, “trong” đối với “ngoài”, “đại” đối với “trung”, và “nở” thì đối với “ấp”. Ông đồ Trung đỏ mặt im lặng. Nhưng tất nhiên vẫn trả cho Củng một quan tiền.
Giống như nhiều nhà nho cùng thời, lại sinh ra trong gia đình quan lại nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã nuôi mộng làm quan. Làm quan nhưng để cống hiến chứ không phải để vơ vét. Thủa còn nhỏ, ông đã viết: “Làm trai đứng ở trong trời đất; Phải có danh gì với núi sông”. Với mộng công danh, Nguyễn Công Trứ dám nói thẳng ra khát vọng mà không cần che đậy: “Chữ danh liền với chữ thân; thân đã có ắt danh âu phải có; Cái công danh là cái nợ nần; Dã thị giang sơn chung tú khí; Quả nhiên đài các xuất danh công!”. Nhưng rồi, việc thi cử lại lận đận. Cho đến năm 1819, khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải Nguyên ở trường thi Hương trấn Nghệ An.
Sau khi đỗ Giải Nguyên, Nguyễn Công Trứ bắt đầu bước vào con đường làm quan. Ông làm quan trải qua các đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Kinh bang tế thế
Trong 28 năm làm quan, ông giữ đến 26 chức vụ khác nhau. Từ Hành tẩu, thấp nhất trong hàng thuộc quan đến Binh bộ Thượng thư lĩnh Tổng đốc Hải An, hàm Chánh nhị phẩm; ba lần chấm thi Hương, có lần làm Chánh chủ khảo trường thi; bốn lần làm tướng, một lần làm lính thú, lại có lúc làm công tác ngoại giao; lại cũng ba lần bị vu cáo, bốn lần bị giáng chức…
Chỉ bằng vài dòng ngắn ngủi, nhưng Đại Nam chính biên liệt truyện đã khắc tạc một chân dung rất sống động về Nguyễn Công Trứ: “Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật, đến nay hãy còn truyền tụng, Trứ làm quan thường bị bãi cách rồi lại được cất nhắc lên ngay: tỏ sức ở chiến trường, nhiều lần lập công được chiến trận. Buổi đầu Trứ lãnh chức Doanh điền, sửa sang mới có trong một năm mà các việc đều có đầu mối, mở mang ruộng đất, tụ họp lưu dân, thành ra mối lợi vĩnh viễn. Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thủy, trải hơn mười năm có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật...”.
Và cũng rất hiếm một nhân vật lịch sử nào lại xuất hiện nhiều trong các mộc bản của triều Nguyễn như Nguyễn Công Trứ. Xin dẫn một vài ví dụ để thấy con đường công danh gập ghềnh thăng giáng của ông được châu bản biên chép rất chi tiết. Chuyện thứ nhất: Tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 8 (1827) trấn Nam Định cấp báo có bọn thổ phỉ. Hữu quân là Phan Đình Bảo và Tham tán Nguyễn Công Trứ đem biền binh của các dinh, vệ, cơ từ huyện Thư Trì thẳng đến phủ Kiến Xương hội nhau truy tiễu.
Tháng 2 năm đó (1827) vùng Nam Định có Phan Bá Vành chia phái đồ đảng ngăn chặn các đường thủy bộ ở huyện Thư Trì, vua sai Nguyễn Công Trứ cùng với quan Thống quản Phạm Văn Lý đi tiễu trừ. Ông đánh mấy trận, Phan Bá Vành thua rút về Trà Lũ, quân ông thẳng đến vây đánh, bắt được Phan Bá Vành và đồ đảng.
Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), ở mạn Thượng du có Nông Văn Vân nổi lên đánh phá kịch liệt. Ông phụng chỉ làm Tham tán quân vụ, hiệp với Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang Lê Văn Đức chia đường đánh dẹp. Quan quân phải nhiều phen trèo non lội suối, dãi nắng dầm mưa, đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) mới phá và giết được Nông Văn Vân. Vì công đó, ông được bổ Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hải Yên.
Chuyện thứ 2, ngoài tiễu trừ các cuộc khởi nghĩa nông dân, Nguyễn Công Trứ còn có công khai khẩn, lấn biển tạo nên những vùng đất mới trù phú. Châu bản của Đại Nam thực lục có ghi: Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ khi đang là Thị lang bộ Hình. Từ đó, ông chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang tại các nơi duyên hải Nam Định, Ninh Bình. Công việc kinh lý chỉ hơn một năm mà lập được hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn. Đây là di sản quý giá và cũng là công lao lớn nhất của ông trong sự nghiệp kinh bang tế thế của mình. Và người dân hai huyện này đã lập đền thờ ông ngay khi ông còn sống.
Chuyện thứ 3, liên quan đến việc bị giáng chức và thăng chức liên tiếp. Đó là năm Minh Mạng thứ 11 (1830), ông được triệu về Kinh, bổ làm hữu Tham tri bộ Hình. Sang năm sau, vì việc cử Phí Quý Trại làm Huyện thừa huyện Tiền Hải mà ông bị giáng bổ Tri huyện ở Kinh. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ông được thăng làm Lang trung Nội vụ, sau đó được bổ Bố chánh Hải Dương. Rồi cũng trong năm đó, ông được thăng Thự tổng đốc Hải An (Hải Dương, Quảng Yên) và Binh bộ Tham tri.
Chuyện thứ 4, vời thời vua Thiệu Trị năm 1843, vì bị vu cáo, ông lại bị cách chức và phát đi làm lính ở biên thùy tỉnh Quảng Ngãi. Lúc ông đến tỉnh Quảng Ngãi, vào chào các quan tỉnh để đợi lệnh phát đi đồn nào, ông mặc cái áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, vai mang một ruột tượng gạo, bên hông đeo một cái dao tu trong một cái vỏ bằng gỗ. Quan tỉnh thấy vậy, ra dáng bất yên, muốn cho phép ông cởi đồ lính ra, nhưng ông nói: “Cứ xin để vậy, lúc làm đại tướng tôi không thấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được”.
Thế nhưng, chỉ hai năm sau, sự việc được làm sáng tỏ, ông được khởi phục làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang, rồi lại đổi quyền Viên ngoại lang Đại lí tự; và sau đó một năm (1846), có chỉ cho ông tạm quyền Án sát Quảng Ngãi, được vài tháng bổ thụ Phủ thừa phủ Thừa Thiên, đến năm Thiệu trị thứ 7 thì được thăng Thự Phủ doãn Thừa Thiên. Khi ấy ông vừa 70 tuổi, lấy niên lệ xin về quê hưu trí, nhưng vua Thiệu Trị không cho. Sang năm đầu niên hiệu Tự Đức (1848), ông lại dâng sớ xin lần nữa. Vua nghĩ thương tình bậc lão thần, công trạng đã nhiều, tuổi tác lại cao, bèn chuẩn cho về hưu trí và cho thực thụ hàm Thừa Thiên Phủ doãn.
Bài ca ngất ngưởng
Là nhà Nho, nhưng Nguyễn Công Trứ ít làm thơ chữ Hán mà lại nổi tiếng với thơ quốc âm, và đặt lời cho các bài hát ả đào. Văn ca trù có từ thời Lê, nổi danh với Lê Đức Mao, qua ba thế kỉ, ít thấy xuất hiện. Đến thời Nguyễn, nổi lên Nguyễn Công Trứ rồi sau đó là Cao Bá Quát.
Vậy là, bên cạnh vị quan văn, tướng võ, ông còn là nhà văn hóa. Đa tài, lại cũng đa tình (ông lấy thêm vợ năm 73 tuổi), và cuộc đời quan lộ thăng trầm càng tạo nên nhiều câu chuyện kỳ lạ và lắm giai thoại về ông. Ở đây, chỉ xin nêu một chuyện “ngông” của ông. Đó là việc sau khi được vua cho về hưu, ông đã quyết định đeo đạc ngựa cho bò và cưỡi bò vàng về quê. Thời đó, quan lại về quê thường đi xe ngựa, thể hiện sự quyền quý chứ không ai cưỡi bò như một nông dân. Và ông đã sáng tác nên áng thơ tuyệt tác “Bài ca ngất ngưởng” mà sau này được đưa vào giảng dạy trong nhà trường.