Chuyện tôi nhớ nhất khi đó là hình ảnh ông nguyên Phó Thủ tướng vui vẻ tự mắc màn, mắc một cách rất thành thục. Mắc xong, ông chui vào, nhẹ nhàng lôi ra trong cái túi vải một quyển sách rồi nằm ngửa, bắc chân chữ ngũ và… đọc.
Ông Nguyễn Ngọc Trìu (phải) cùng nguyên
Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng thăm trang trại mít Thái Changgai ở Tiên Dược (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: I.T.
Hay tin ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Chính phủ ngày nay) vừa qua đời, tôi bồi hồi nhớ đến một kỷ niệm về ông…
Năm 2002, tôi vừa ra trường, làm phóng viên cho một tờ báo có tôn chỉ cổ xúy nông dân cả nước xóa nghèo, làm giàu bằng mô hình kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng)…
Một hôm, tôi được báo cử đi theo ông Nguyễn Ngọc Trìu-khi đó là Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cơ quan chủ quản của báo-lên công tác ở huyện Định Hóa ( Thái Nguyên)- nơi trong kháng chiến chống Pháp được biết đến với cái tên ATK Định Hóa (An toàn khu). Nhiệm vụ của tôi là viết tin bài cho báo phản ánh hoạt động của ông trong chuyến đi này…
Nguyễn Ngọc Trìu-cái tên nghe có thể hơi lạ với thế hệ trẻ bây giờ nhưng với thế hệ trước ít người không biết đến tên ông, nhất là với bà con nông dân.
Ngắn gọn thế này: ông nguyên là Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1984, khi còn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ông đã đứng ra vận động thành lập Hội Làm vườn Việt Nam. Đến khi về hưu ông làm Chủ tịch Hội trong nhiều năm liền…
Thời ông làm Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Bình đạt 5 rồi 7 tấn thóc/ha, khi đó được xem là một kỳ tích, được cả nước gọi thân mật là “Quê lúa” hoặc “Quê hương 5 tấn”.
Công lao, đóng góp của ông cho quê hương Thái Bình, đặc biệt là cho ngành nông nghiệp nước nhà sách báo đã nói đến nhiều.
Trong đó, Giáo sư Vũ Khiêu từng ví ông là “Tân Công Trứ” vì những tư duy, những tìm tòi mới mẻ của ông cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Kể qua về ông như vậy là tôi muốn nói được đi theo ông trong mấy ngày, với một phóng viên khi đó vừa ra trường như tôi là một điều may mắn…
Còn nhớ, đầu giờ chiều hôm ấy, đúng giờ hẹn tôi có mặt ở nhà ông để đi theo. Đến giờ vẫn nhớ nhà ông có cái sân khá rộng, nằm ở khu tập thể Trung Tự, đường Đặng Văn Ngữ (Hà Nội).
Tôi không dám vào nhà mà ý tứ ngồi đợi ông ở cái ghế đá ngoài sân-nơi anh lái xe cũng đang tranh thủ trong lúc đợi ông kiểm tra lại xe lần cuối trước lúc khởi hành.
Ngồi một lát, thấy ông nguyên Phó Thủ tướng từ trong nhà bước ra, người cao lớn, đầu đội mũ phới, tay chống ba-tong, vai đeo túi vải, ung dung, tự tại như một ông tiên.
Tôi lễ phép đứng dậy chào ông, ông vui vẻ hỏi “Cậu ở báo đúng không?”. Tôi “Dạ!”. Ông lại vui vẻ: “Vậy ta đi thôi!”. Cứ tưởng đi theo ông sẽ có nhiều người, ai dè đến lúc ấy mới biết ngoài anh lái xe có mỗi mình tôi…
Lúc đi trong nội thành, xe luôn phải rẽ trái, rẽ phải, dừng đèn đỏ, vượt đèn xanh nên trong xe chẳng ai nói chuyện gì. Ra đến ngoại thành, chuyện mới bắt đầu rôm rả. Nhớ khi xe bắt đầu chạy đến cầu Thăng Long tôi hỏi ông:
-Ông ơi, hồi bằng tuổi chúng cháu bây giờ chắc ông khác nhiều lắm nhỉ?
-Hơ hơ. Khác nhiều! Vì bằng tuổi cậu tớ đã làm lãnh đạo rồi?
-Dạ, khi đó ông làm gì ạ?
-Hơhơ. Tớ làm chủ tịch huyện Tiền Hải…
Chuyện trò cứ vui vẻ như vậy suốt dọc đường.
Lại nhớ, tối đó lên đến nơi, ăn cơm xong, huyện Định Hóa bố trí cho 3 ông cháu ngủ chung một phòng trong dãy nhà công vụ nằm trong khuôn viên trụ sở huyện.
Chả biết bây giờ cái nhà công vụ ấy có còn không, đã được xây mới chưa, chứ khi đó thì… thảm lắm.
Ngoài trời, mưa xối xả trút xuống cái thị trấn heo hút miền thượng. Trong phòng mùi ẩm thấp bốc lên, rất nhiều cái con gì nhìn giống con bướm con bu đầy phòng-nơi có 3 cái giường cá nhân, mà đáng ra phải có thêm cái chiếu nữa mới được gọi là giường dành cho 3 ông cháu.
Nhưng đó không phải là chuyện tôi nhớ nhất! Chuyện tôi nhớ nhất khi đó là hình ảnh ông nguyên Phó Thủ tướng vui vẻ tự mắc màn, mắc một cách rất thành thục. Mắc xong, ông chui vào, nhẹ nhàng lôi ra trong cái túi vải một quyển sách rồi nằm ngửa, bắc chân chữ ngũ và… đọc.
Trong khi ông đọc sách thì tôi cũng không ngủ được, nằm ngắm ông; đầu óc vẩn vơ suy nghĩ, đại thể: ờ, thế là mình đã được đến đây- An toàn khu Định Hóa-địa danh ngày bé chỉ biết đến qua thơ Tố Hữu. Nghề báo thế mà hay, không có nó sao mình lại có thể được ở đây, lại được nằm cạnh một ông từng làm tới Phó Thủ tướng nữa chứ! Đại loại thế, rồi thiếp đi…
Sáng hôm sau, lên hội trường mới biết hôm đó huyện Định Hóa tổ chức hội nghị tổng kết phong trào phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng. Hội nghị không có đầy đủ người tham dự như dự kiến.
Cơn mưa đêm trước khiến nước dâng tràn mấy con suối vắt ngang những con đường mòn, nhiều cán bộ hội ở những xã nằm xa trung tâm huyện vì vậy đã không thể về dự như kế hoạch.
Ông cán bộ Hội làm vườn huyện khó khăn lắm mới đọc xong được bản báo cáo, mấy cán bộ cơ sở cũng vậy, ê a, ngúc ngắc mãi mới hết được bản tham luận.
Hội nghị chỉ thực sự “choàng tỉnh” khi nguyên Phó Thủ tướng lên phát biểu.
ến đoạn ông hài hước: “Nhiều người bảo tôi giờ về vườn rồi! Nhưng mà về vườn ở đây là về vườn để trồng cấy, chăn nuôi, phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng đấy nhá, không phải vì sai phạm, bị kỷ luật cho về vườn đâu nhá”, cả hội trường cười ồ.
Rồi ông say sưa nói về cái hay, cái lợi ích của mô hình kinh tế vườn ao chuồng. Nghe ông nói mà chỉ muốn về quê cuốc đất, trồng cây, nuôi lợn gà, thả cá luôn…
Có chuyện này tôi cũng nhớ mãi. Chiều hôm trước, trong lúc xe chạy lên Định Hóa, thấy ông rất vui vẻ, tôi có nhờ ông đến nơi thì nói hộ với ông Bí thư huyện ủy cho tôi xin gặp ít phút để hỏi chuyện về tình hình địa phương.
Lúc ở hội nghị, thấy ông say sưa nói chuyện lợn, gà, cá, tôm, ngồi dưới tôi nghĩ bụng khéo ông quên mất việc mình nhờ.
Ai dè, gần cuối thấy ông oang oang giữa hội nghị: “Hôm nay, đi cùng tôi có một đồng chí phóng viên, đồng chí ấy có nhờ tôi nói với đồng chí Bí thư huyện ủy là cho đồng chí ấy xin gặp ít phút để hỏi chuyện về tình hình địa phương. Mong đồng chí Bí thư huyện ủy giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng chí ấy”.
Nhờ câu nói ấy của ông mà cuối buổi thay bằng việc tôi đi tìm ông Bí thư huyện ủy Vũ Đình Thiệu thì ông ấy lại ngoái ngoác đi tìm tôi…
Năm 2012, khi ra công tác ngoài quần đảo Trường Sa, cơ duyên thế nào mà tôi lại có dịp lênh đênh cùng tàu với ông Vũ Đình Thiệu-khi đó là Thường vụ Tỉnh ủy,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Nhắc lại lần đã được gặp ông, được ông tiếp, trò chuyện năm xưa ở Định Hóa, giữa biển trời Trường Sa, ông Thiệu vỗ vai tôi cười giòn: “Nhớ rồi, ngày ấy đồng chí đi cùng bác Trìu”…