Bằng quãng này năm ngoái, 2024, Nguyễn Thị Minh Thái từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm giám khảo Liên hoan Sân khấu Hà Nội. Tranh thủ một ngày rảnh, chị nhờ sinh viên đưa đến studio Phố Hoài của tôi chơi, sở hữu tranh Hoa của tôi và tặng tôi mấy cuốn sách. Sách dầy, lượng kiến thức nhiều, những vấn đề bình luận, khen chê của chị cũng nhiều, buộc tôi phải có thời gian đọc và ngẫm ngợi.
Người ta nói nhiều về Nguyễn Thị Minh Thái, một người mạnh miệng, thẳng thắn, sòng phẳng hành nghề bình luận văn nghệ, có sức ảnh hưởng trong giới văn học nghệ thuật và đặc biệt là sức làm việc rất kinh khủng. Tuổi 75 vẫn dọc ngang như thoi đưa, thoắt cái Hà Nội, đã lại Hải Phòng, Thái Nguyên, rồi Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Rồi du lịch, hội thảo đây đó: nước Nga, SNG, nước Trung Hoa, các nước Ả rập… trước và sau đại dịch Covid 19. Chưa kịp gọi thăm hỏi, chuyện trò, đã thấy chụp hình trên “phây búc”: đang ở Hội An với nhóm G39 của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, triển lãm “Niêm Hoa”… Rồi ra Hà Nội, vào TPHCM giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn, phản biện luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, cho các trường đại học.
Hồi làm khách mời chương trình Giai điệu tự hào, hầu như lần nào chị cũng có mặt, trong suốt hai năm chương trình diễn tiến, được “vua biết mặt, dân nhớ hình, nhớ tiếng”. Mà mỗi lần phải lỳ 8 tiếng liền ở trường quay Đài THVN. Tôi chỉ tham gia vài lần đã chóng mặt…Người nào ra sách, sân khấu nào có buổi diễn, phim nào chiếu, triển lãm nào bày tranh tượng… mời chị đến dự, bình luận… là chị có mặt. Không chỉ nói, còn viết bài phân tích, đăng báo. Rồi viết tiểu luận phê bình, in sách…Chị còn đùa đùa bảo tôi: Trường ạ, mình chính cống nông dân châu thổ Bắc Bộ, tham công tiếc việc, cả đời chỉ suy nghĩ trên luống cày của chính mình…
Tôi và Minh Thái có nhiều điểm chung: cùng là tuổi Hổ- Canh Dần, bộc trực, mạnh mẽ, cùng bị bệnh hiểm nghèo… nhưng khác nhau ở “tước vị” (dĩ nhiên rồi), chị là Phó Giáo sư Văn học, TS Nghệ thuật học. Bệnh K thì giống nhau, nhưng tôi nằm liệt nửa năm không dậy được, còn chị trải qua giai đoạn dài điều trị ung thư, hai lần lên bàn mổ cấp cứu, rồi cũng hoá xạ hàng chục lần, nhưng tôi không hiểu Thái lấy sức lực ở đâu ra mà đeo chai hoá chất bên hông, suốt 48 tiếng thuốc mới chảy hết vào người, mà buổi tối vẫn “ tung tăng” đến lớp cao học giảng dạy, rồi nghiêm chỉnh làm giám khảo chấm giải Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế… Là giảng viên văn hóa học, văn học, nghệ thuật, làm nghề bình luận văn nghệ trên báo in, báo nói, báo hình, báo mạng, rồi viết truyện ngắn, làm thơ, kể cả bình luận về văn hoá ẩm thực, văn hoá thời trang lẫn sưu tập tranh… Với tôi, chị là một nữ trí thức thời thượng và hiện đại đúng nghĩa. Cho nên nói đến Minh Thái ai cũng biết và dường như đã làm nghệ thuật thì ai cũng thấy Minh Thái có tình, có nghĩa với mình. Chị từng viết bài bênh vực nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư khi Tư gặp nạn, trên báo Pháp Luật TPHCM, lấy câu thơ của Dương Tường đặt tên bài viết: Tôi đứng về phe nước mắt. Chị đã vẽ bằng chữ, của riêng mình, những chân dung văn học rất đẹp về các nhà văn nữ, nhà thơ nữ, các nữ nghệ sĩ biểu diễn, như NSND Thương Huyền, NSND Song Kim, ba chị em Lê Văn, Lê Khanh, Lê Vi, nữ sĩ Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Phạm Thị Ngọc Liên, NSND Lệ Thi, NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSND Lê Dung, NSND Quách Thị Hồ, nghệ sĩ ca trù Phó Thị Kim Đức…: Những chân dung rực rỡ - bằng chữ văn chương, với mắt nhìn tinh tế, thấu đáo, đồng cảm và …thật xanh! Nick name của chị là Mắt Xanh, phải chăng là vậy? Có lần nghe chị nói, chị thích câu thơ Xuân Diệu: Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non…
Nguyễn Thị Minh Thái tốt nghiệp xuất sắc khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khoá 13 (1968 – 1972), được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, nhưng chị lại muốn dấn thân mạnh mẽ vào đời sống văn nghệ tươi ròn, li ti xanh và chuyển động không ngừng. Năm 23 tuổi chị đã có bài phê bình đầu tay, in trên tờ tạp chí Tác phẩm Mới của Hội Nhà văn Việt Nam, bài “Đối thoại mới với Chế Lan Viên”, chỉ sau 3 lần đọc bản bông tập thơ “Đối thoại mới” của nhà thơ lẫy lừng ấy. Với sự chơi chữ đáo để và dân chủ hồn nhiên: “Đối thoại mới với Chế Lan Viên”, dài dăm sáu ngàn chữ, được in nguyên dạng, trên tạp chí Tác phẩm Mới số 35, năm 1973, đã lập tức gây ấn tượng, định danh Nguyễn Thị Minh Thái như một nhà phê bình văn chương trẻ, có giọng điệu riêng.
Rồi chị cứ thế dấn thân vào nghề viết bình luận văn chương, cho đến một bước ngoặt mới trong đời viết của chị. Tạp chí Sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, mới ra đời được dăm số đã phát hiện khả năng viết của chị, mời về làm biên tập viên Lý luận phê bình, cùng thi sĩ Lưu Quang Vũ, năm 1977. Chị tự hài hước khẳng định: Tôi và anh Vũ ngẫu nhiên cùng trở thành “kí giả kịch trường”, cùng “đứng gác dưới… ánh đèn sân khấu”…
Từ ấy, tên tuổi chị nổi lên với những bài phê bình sắc sảo, chí tâm và chí thành về nghề sân khấu. Sau này được chị tập hợp trong sách “Sân khấu và tôi” (NXB Sân khấu 1995) và được nhận ngay Giải thưởng đầu tiên cho đời viết bình luận sân khấu của chị: Giải thưởng Tác phẩm Lý luận phê bình sân khấu xuất sắc năm 1995 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Tôi dự nhiều buổi họp báo chung với Minh Thái, hễ chị đã phát ngôn (luôn đan cài cả lý luận lẫn thực tiễn, khá đáo để đành hanh), song ít ai có thể bắt bẻ. Chúng tôi cứ đùa đùa với nhau, bọn mình ngồi đây đều bị mụ ấy coi là sinh viên của nó cả. Trong vị thế một nhà phê bình nghệ thuật, phải nhận rằng, Minh Thái đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn hoá văn nghệ đương đại, cùng một cá tính mạnh mẽ, cộng với “bệnh nghề nghiệp” (giảng viên đại học), tôi nghĩ câu đùa ấy chứa một phần sự thật về chị...
Nhưng dẫu vây, mọi người vẫn có thiện cảm với Nguyễn Thị Minh Thái, yêu cái lặn lội “đánh đường tìm hoa”, yêu cái vất vả gạn đục khơi trong, yêu sự nâng niu, mến mộ và kỹ lưỡng của chị với những tác phẩm và tác giả của giới văn nghệ. Những nhận xét, đánh giá của chị giúp cho tác giả thêm vững tin vào bản thân, bớt được sự hoang mang trước những gì mới mẻ mà bản thân vừa chạm tới…
Chơi với nhau từ hồi chị còn ở Hà Nội, không thật thân thiết, nhưng có thể nói chuyện và đối thoại cùng nhau. Minh Thái là người cởi mở, mặn chuyện và lợi khẩu, từ tiếng nói đến miệng cười, lúc nào cũng tươi tắn, rổn rảng, cho thấy là người đại lượng. Nếu tôi không nhầm thì những từ như: “dã man”, “man rợ”, “ất ơ”, “con này”, “con kia”, “mụ ơi”, “lão ơi” … là bắt đầu từ Thái. Đẹp “dã man”, xấu “man rợ”. Nhiều khi không đẹp, không xấu, cũng “man rợ”. Thái đi đến đâu là “man rợ” đến đấy. Xử lý mọi thứ của giao tiếp, nhất là với sinh viên, chỉ trong chốc nhát. Không ngẫu nhiên mà rất nhiều sinh viên yêu quý chị và chịu ảnh hưởng nghề nghiệp từ phong cách báo chí và văn chương của chị. Một lần tôi nghe thầy Hà Minh Đức khen Nguyễn Thị Minh Thái là một người quá thông minh, có nền tảng học thuật vững chắc.
***
Một trong những tác phẩm nổi bật của chị là sách “Sân khấu và tôi”, thể hiện những suy ngẫm và phân tích sâu sắc của Minh Thái về nghệ thuật sân khấu Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Qua đó, chị chia sẻ những trải nghiệm cá nhân, những quan sát tinh tế và những nhận định chuyên môn sâu sắc, về sự phát triển, thách thức và tương lai của sân khấu nước nhà. Trong “Sân khấu và tôi”, Minh Thái không chỉ nhìn nhận sân khấu như một nghệ thuật biểu diễn, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, từ hôm qua đến hôm nay và đến mai sau. Minh Thái nhấn mạnh vai trò đối thoại của sân khấu Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại, trong việc phản ánh xã hội, giáo dục cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cuốn sách xứng đáng là nguồn cảm hứng và tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật.
Trong vị thế một nhà phê bình nghệ thuật, phải nhận rằng, Minh Thái đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn hoá văn nghệ đương đại, cùng một cá tính mạnh mẽ, cộng với “bệnh nghề nghiệp” (giảng viên đại học), tôi nghĩ câu đùa ấy chứa một phần sự thật về chị...