Việc thay đổi cách đọc tên các nguyên tố Hóa học trong SGK môn Khoa học tự nhiên của lớp 7 và môn Hóa học lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang nhận ý kiến trái chiều.
Tiết học Hóa như tiết học tiếng Anh
Theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2020-2021, chương trình được thực hiện đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, từ năm 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện toàn bộ ở các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo lộ trình này, năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 7 học môn Khoa học tự nhiên, học sinh lớp 10 học môn Hóa học theo chương trình SGK mới. Một trong những điểm mới đáng chú ý là tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất… được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.
So sánh bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học giữa chương trình cũ và chương trình mới, một số nguyên tố như Nitơ (N) sẽ đọc là Nitrogen; Đồng (Cu) đọc là Copper; Canxi (Ca) đọc là Calxium; Oxy (O) là Oxygen; Flo (F) là Fluorine; Nhôm (Al) là Aluminlum… Thay đổi này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Con trai chị Vũ Kim Chi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay lên lớp 7. Lần đầu tiếp cận với môn Khoa học tự nhiên trong đó có phân môn Hóa học, con trai chị tỏ ra khá thích thú với môn học. Ủng hộ việc thay cách đọc các nguyên tố hóa học, chị Chi cho hay, hiện nay học sinh được học và sử dụng tiếng Anh rộng rãi hơn trước nên việc thay đổi cách đọc tên này sẽ không làm khó học sinh.
Tuy nhiên, vốn thuộc thế hệ học theo SGK cũ, nên khi kèm con học ở nhà chị Chi cho biết: “Tôi mất thêm nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp cận kiến thức mới để hướng dẫn cho con”.
Với học sinh lần đầu tiếp cận với chương trình mới, thì cách đọc nguyên tố hóa học này sẽ không có gì đáng bàn. Song với học sinh năm nay học lớp 10, vốn quen với cách đọc cũ ở lớp 8, lớp 9 thì việc thay đổi này khiến các em lúng túng.
Em Trịnh Minh Châu, học sinh lớp 10 của Hà Nội cho hay, có khá nhiều nguyên tố có cách đọc khác quá nhiều so với các tên nguyên tố em đã được học ở bậc THCS. Chẳng hạn như: Natri (Na) thì đọc thành Sodium; Kali (K) thành Potassium; Photpho (P) giờ thành Phosphorus…
Theo Châu, em đang quen với cách đọc cũ giờ đột ngột thay đổi sang cách đọc mới khiến em nhầm liên tục và rất khó nhớ. Các bạn trong lớp Châu cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Tiết học môn Hóa học của chúng em cứ giờ như tiết học môn Tiếng Anh. Nhiều bạn đọc nhầm, phát âm không đúng khiến cả lớp náo loạn, cười đùa”, Châu nói.
Khó khăn cho giáo viên nhưng thuận lợi cho học sinh
Không chỉ có học sinh, nhiều giáo viên cũng bối rối khi không phát âm chuẩn tên các nguyên tố hóa học theo chương trình sách giáo khoa mới hiện nay.
Tại Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội), môn Khoa học tự nhiên lớp 7 đã được dạy và học tới tuần thứ 5 và học sinh bắt đầu tiếp cận với các nguyên tố hóa học theo các đọc mới.
Vốn là giáo viên nhiều tuổi lại không giỏi ngoại ngữ nên cô Lê Thị Hương, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THCS Ba Đình cho hay, cách gọi mới gây khó khăn cho bản thân cô. “Tầm tuổi này để phát âm tiếng Anh với tôi là rất khó”.
Để bắt kịp chương trình mới, cô Hương tự mày mò, học cách đọc mới qua mạng, qua đồng nghiệp, thậm chí qua học sinh giỏi tiếng Anh trong lớp.
Cô Hương cho biết: “Ở lớp tôi dạy, tôi sẽ mời học sinh giỏi tiếng Anh, phát âm chuẩn đọc tên các nguyên tố hóa học giữa lớp cho các bạn khác đọc theo, rồi cô và trò cùng nhau chỉnh sửa”.
Với các lớp 8, lớp 9, cô Hương cũng chủ động dạy song song cả 2 cách đọc để các em được tiếp cận và dần thay đổi cách đọc, dễ dàng bắt kịp khi lên lớp 10. Dù chủ động nghiên cứu, thay đổi cách dạy học theo chương trình mới, song cô Hương bày tỏ mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng hơn nữa.
Cô Hoàng Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Tổ Bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nhật Tân cũng cho rằng, cách đọc mới sẽ gây khó khăn cho những giáo viên nhiều tuổi, không giỏi ngoại ngữ.
Hiện tại, giáo viên của Tổ bộ môn Khoa học tự nhiên đều ít tuổi nên cô Nga cho biết, giáo viên tiếp cận với cách đọc mới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các thầy cô cũng mất khá nhiều thời gian để tự học. Hằng tuần, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học mới.
Trong kế hoạch dạy học môn học của năm nay, giáo viên bộ môn đã chủ động đưa cách gọi nguyên tố hóa học theo chương trình mới vào các giờ học phân môn Hóa học cho học sinh lớp 8, lớp 9.
“Cách đọc trong SGK mới là cách để học sinh hội nhập với thế giới. Hiện nay nhiều học sinh học hết bậc THPT có dự định du học, các đọc mới sẽ tạo thuận lợi cho các em. Bước đầu sẽ khó khăn cho giáo viên nhưng sẽ là thuận lợi cho học sinh”, cô Nga cho hay.
Tuy nhiên, cũng như cô Hương và hầu hết giáo viên, cô Nga bày tỏ mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn kỹ càng hơn bởi hiện nay dù giáo viên cơ bản đã được tập huấn triển khai chương trình mới nhưng thực tế khi đi vào giảng dạy, bản thân giáo viên vẫn chủ yếu là tự học, tự hướng dẫn và tự tập huấn cho nhau.