“Hiệu ứng đám đông Xã hội nào cũng có, và không thể triệt tiêu được, nó chỉ được hỗ trợ để tránh khỏi hiệu ứng tiêu cực bằng nhận thức của mỗi cá nhân và luật.” Nhà báo/ MC Nguyễn Mỹ Linh chia sẻ.
PV: Chị có thường ấn nút “chia sẻ” trên mạng xã hội không? Vì sao ạ?
Nhà báo /MC Nguyễn Mỹ Linh: Tôi rất ít khi ấn nút chia sẻ điều gì trên mạng xã hội. Nhiều khi định chia sẻ, rồi lại dừng. Tôi nghĩ, việc mình có cảm xúc bất chợt, vui buồn với một tin tức nào đó được truyền tải trên mạng xã hội là điều bình thường, nhưng để tiếp tục chia sẻ nó cho người khác thì phải rất thận trọng. Tôi thường nghĩ đến hai điều trước khi chia sẻ: một là tính xác thực của thông tin. Hai là chia sẻ để hy vọng điều gì. Nếu tôi không chắc chắn về tính xác thực của thông tin thì không chia sẻ, nếu tôi không hy vọng điều tôi chia sẻ sẽ làm xã hội hoặc động não hoặc có động thái nào tích cực thì thôi, không cần nhấn nút này.
Những vấn đề nào mà chị thường muốn “chia sẻ” với cộng đồng mạng?
- Tôi thích chia sẻ những điều khiến người ta suy nghĩ, và những điều khiến người ta muốn làm việc gì đó cho mọi sự trở nên tử tế hơn. Nói như thế không có nghĩa tôi chỉ chia sẻ toàn điều êm ái, (cười), đôi khi cảm giác phẫn nộ cũng cần thiết, nó giúp người ta muốn chống lại điều xấu, làm điều hay hơn. Tuy thế, phải cẩn thận để kiểm tra xem mình có “tồ tẹt” mà chia sẻ chuyện không đúng sự thật không. Điều này rất quan trọng. Ngay cả điều tốt mà sai sự thật, đôi khi cũng phản cảm. Tôi cũng làm báo, việc đưa thông tin xác thực là quan trọng, xấu tốt gì cũng thế. Nhiều khi cũng phải tự kiểm soát mình kỹ lắm, và tất nhiên cũng có lúc nhầm, rồi lại phải đính chính.
Khi đưa ra một thông tin trên mạng, dù là trên trang cá nhân, chị có suy xét thấu đáo không?
- Cũng còn tùy, nếu là thông tin nhí nhố vui vẻ kiểu bạn bè tán chuyện trên facebook và để ở chế độ bạn bè thì tôi cũng xuề xòa, tất nhiên vẫn có nguyên tắc là không nói sai sự thật, không đưa thông tin ba lăng nhăng thất thiệt, không hại người. Thông tin nào đưa lên mạng xã hội và để ở chế độ “public” (công khai) thì tôi rất cẩn trọng. Tôi cũng làm báo, việc đưa những thông tin, thậm chí là ý kiến không thấu đáo không thuộc thói quen của tôi. Tôi nghĩ mạng xã hội hay trang cá nhân nói ảo nhưng thật ra không ảo, nhìn vào đó ta vẫn thấy được chân dung của người sử dụng nó. Thấy được họ “là ai “ hoặc “muốn là ai”. Thấy được phần nào nhãn quan và cách ứng xử xã hội. Tôi hay bị bạn bè mắng là ngơ ngác nhưng không bị mắng là hồ đồ.
Chị từng chia sẻ “chúng ta có khát khao được sống trong một xã hội luật pháp nghiêm minh, nhưng thật ra lại rất hay để cảm tính dẫn dắt” trong status gần đây (về việc cậu bé chơi đàn 15 tuổi ở phố đi bộ), và cảm tính ấy thực sự vẫn điều khiển khi chúng ta ấn nút “chia sẻ” trên mạng xã hội?
- Tôi nghĩ thế. Đa số chúng ta trong cuộc sống hàng ngày bị cảm xúc chi phối, và phần lớn - tôi nghĩ - đều muốn chia sẻ điều gì đó trong mục đích không xấu xa tồi tệ (trừ những người bệnh hoạn). Chỉ có điều, cái bẫy của việc chia sẻ đến khi ta quên mất rằng người viết ra thông tin ấy có thể không kiểm chứng tốt, hoặc đang trong tâm trạng không tốt để nói ra những điều thấu đáo, còn ta do cảm tính nên trở thành nạn nhân và dẫn đến những nạn nhân tiếp theo. Hiệu ứng đám đông Xã hội nào cũng có, và không thể triệt tiêu được, nó chỉ được hỗ trợ để tránh khỏi hiệu ứng tiêu cực bằng nhận thức của mỗi cá nhân và luật. Nhưng suy cho cùng, nếu xã hội tốt đẹp, những chuyện như xảy ra là điều không thể có, thì đã chẳng ai tin nếu có thông tin, và chẳng ai chia sẻ. Đấy là mặt trái mà chúng ta phải thành thực nhận thấy.
Trên thực tế, chúng ta vẫn đang cùng nhau chia sẻ các thông tin trên mạng mà không ý thức về việc kiểm tra lại sự chính xác thông tin, hay dừng lại để nghĩ xem rốt cuộc việc chia sẻ này sẽ mang lại điều gì?
- Đòi hỏi mỗi công dân là một nhà báo rất khó, và cũng không nên phủ nhận những việc tích cực có được từ sự chia sẻ trên mạng xã hội. Tôi nghĩ, gốc của vấn đề nằm ở một từ rất cũ mà chúng ta nói nhiều rồi đó là dân trí và một điều nữa là luật pháp. Khi dân trí tốt thì việc chia sẻ nhảm nhí sẽ bớt, mỗi người sẽ tự biết kiểm soát để không làm điều vô bổ. Ngoài ra nếu chia sẻ điều gì làm tổn hại đến cá nhân hay xã hội, thì đã có luật. Tôi nghĩ chỉ có thế mới giải quyết được vấn đề.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin, hình ảnh về bắt cóc trẻ em, về kêu gọi từ thiện… đều thiếu chính xác, nhưng dân mạng lại chia sẻ rất nhiều và thậm chí còn gửi tiền ủng hộ, về sau mới biết mình bị… lừa. Chị có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Tôi nghĩ, chúng ta rồi sẽ phải trưởng thành lên thôi, cũng như xã hội chúng ta rồi sẽ phải bắt buộc phải “trưởng thành” . Đừng quên rằng mạng xã hội mang lại bầu không khí “được quyền chia sẻ chính kiến” được có cảm giác mình “là ai đó”. Qua cơn bừng tỉnh này, chúng ta sẽ hiểu những hệ lụy đến từ nó nếu không kiểm soát tốt. Tôi nghĩ chẳng nên quá lo sợ, Lệ Rơi rồi lại về đúng với công việc phù hợp với anh ấy, Kenny Sang rồi cũng sống cuộc đời thật của cậu ta.
Một người đưa tin thất thiệt thì đã gây hại, mà hàng ngàn, chục ngàn người cùng chia sẻ thông tin thất thiệt ấy, theo chị, sẽ là gì?
Tôi nghĩ cách tốt nhất, thấu đáo đến tận cùng là phấn đấu để có một xã hội tốt đẹp, để khi những thông tin thất thiệt xuất hiện trên mạng, công dân nào cũng đã có sẵn kỹ năng kiểm chứng và chẳng ai tin một cách nhẹ dạ mà chia sẻ cả. Khi xã hội còn nhiều điều tiêu cực, cảm xúc thất vọng hoặc bức xúc hiện hữu sẵn trong lòng người, thì bất cứ thông tin xấu nào cũng có thể giúp người ta xã nỗi bức xúc bằng cách chia sẻ để tìm đến một đám đông có cảm xúc như mình.
Chẳng có cách nào triệt tiêu việc ấy hiệu quả hơn đâu.
Để chia sẻ một cách có ý thức, theo chị, người sử dụng mạng xã hội cần có những hiểu biết, kỹ năng ra sao?
- Cá nhân thôi, tôi dùng biện pháp delay trong não, nghĩ một chút rồi kiểm chứng thông tin. Nghĩ xem điều mình chia sẻ mang lại điều gì tốt hay không thì mới làm. Suy cho cùng, chúng ta đều mong muốn điều tốt đẹp cả, vậy thì nghĩ xem điều tốt đẹp có đến không nếu ta chia sẻ thôi.
Trân trọng cảm ơn chị.