Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh: Vaccine đã làm thay đổi cục diện

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/06/2021 17:00

Khi dịch bùng mạnh tại Pháp, cũng là lúc xã hội cần giãn cách để phòng chống dịch, điều ấy đã tác động lên công việc và cuộc sống của nhà báo Nguyễn Mỹ Linh (Đài Truyền hình Việt Nam). Vừa đảm bảo sự bình ổn sinh hoạt, sức khỏe của mỗi thành viên trong gia đình trong khi chị vẫn phải xuyên qua dịch bệnh đến hiện trường để lấy tin, ghi hình vì “càng dịch giã thảm họa thì càng cần đưa tin”.

- Không thể nói là tôi không bị tác động gì, nhưng tôi thấy mình không bị hai trạng thái tiêu cực nhất mà người trong hoàn cảnh này dễ mắc phải là buồn chán và oán trách. Buồn chán vì không biết làm gì và oán trách vì nghĩ chính phủ thế nọ, người dân thế kia. Tôi nghĩ một phần do công việc làm báo luôn phải thích ứng với những tình huống bất ngờ xảy ra nên tôi quen với việc luôn có giải pháp. Không thế này thì mình thế nào? Không được như mình muốn thì mình phải làm sao? Tôi nghĩ tâm thế “chuyện gì cũng có giải pháp” giúp tôi nhiều trong cuộc sống cũng như công việc.

Phong toả không được ra ngoài mà trong nhà có người ốm thì tôi chia lãnh địa, người ở phòng ngủ, người ở phòng khách, người ở phòng ăn, phòng bếp… hạn chế va chạm và lây bệnh. Quay phim không đi làm được thì tôi đi một mình, không mang máy to thì cầm theo cái Gimble và máy quay nhỏ. Bữa nào sợ đi một mình vì đường vắng vẻ quá thì tôi gọi lái xe quen đi cùng… Tôi luôn nghĩ mình sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bao cấp, có gì mà không tìm ra giải pháp chứ, và lại chuyện 100 năm có một thì khó khăn là bình thường, trục trặc trong điều hành xã hội cũng là bình thường, nếu mình để mình rơi vào trạng thái tiêu cực thì kém quá, thế nên chả sao, tôi trụ được mà không rơi vào hai trạng thái kia.

Trong những ngày ở nhà, chị đã cảm thấy thế nào?

- Nước Pháp trải qua ba đợt phong toả, nên xúc cảm cũng như cuộc sống của mỗi đợt là rất khác nhau. Đợt một, ai cũng nghĩ là chỉ phong toả một lần rồi chắc là sẽ kiểm soát được dịch thôi nên hầu như khá bình thản. Hốt hoảng xong rồi bình thản (cười). Đợt hai thì bực mình, đến đợt ba thì chỉ mong làm sao cho dịch chóng qua, chỉ mong cuộc sống trở lại bình thường. Tôi, vì đặc trưng công việc là phóng viên, dịch giã thảm hoạ thì lại càng cần đưa tin nên nói thật là một mặt cũng lo lo nhưng một mặt thì lại thấy bị phấn khích, thấy có thử thách để mình khám phá bản thân. Tôi không thấy có gì khiến bị xáo trộn cuộc sống lắm, tin bài vẫn sản xuất đều, thậm chí ở đợt phong toả đầu tiên tôi lại làm nhiều, nhiều đề tài khác nhau, từ dịch bệnh, đến tính đoàn kết trong cộng đồng, đến khả năng thích ứng của xã hội, đến đóng góp của cộng đồng Việt ở châu Âu với các nước sở tại. Tôi không nhớ mình có xúc cảm gì tiêu cực ngoài việc lo cho tụi trẻ con. Học online và bị nhốt trong nhà nhiều dễ khiến trẻ con chồn chân, buồn chán. Cũng may, các con tôi tự tìm cách giải toả bằng việc hàng ngày ra công viên thở hít khí trời đúng như được phép, nên k cháu nào quá buồn chán, tăng cân vì ăn nhiều thì có (cười).

Chị đã làm những gì để thích nghi với hoàn cảnh mới?

- Tôi nghĩ tôi thả lỏng cơ thể, cảm xúc nhưng cố giữ nguyên sự minh mẫn của trí não. Thả lỏng để đón nhận mọi xúc cảm mà sự thay đổi mang đến nhưng minh mẫn để biết nên làm gì là tốt nhất, phù hợp nhất. Có một điều mới mẻ mà tôi làm là tập thể dục, và áp dụng mọi phương thuốc dân gian của Việt Nam. Tôi thực sự tin rằng gừng và sả đã giúp tôi nhiều trong việc vượt qua dịch. Có những lúc ho như rút ruột, nhưng bền bỉ uống nước sả và xông họng khiến tôi khỏi nhanh. Tôi cũng phải thích nghi với việc gần 2 năm không được về thăm nhà. Nhớ lắm, mà đành thôi.

Chị có thể chia sẻ tinh thần bà con tại Pháp khi dịch bệnh đang trầm trọng và làm thế nào để mọi người vượt qua được những ngày bão tố?

- Có một từ mà tần suất xuất hiện rất nhiều trên báo chí, truyền hình, trong phát biểu của Thủ tướng, của Tổng thống Pháp đó là: Đoàn kết. Mới nghe thì thấy có vẻ như đang quá tuyên truyền nhưng khi quan sát xã hội thì thấy đúng là trong thảm hoạ, điều này là tối quan trọng. Có lẽ vì thế mà ở đợt phong toả đầu, hầu như không có cảnh chen lấn, mua tranh bán cướp ở các siêu thị. Tôi còn nhớ cảnh vào siêu thị, có món đồ hộp ở trên cao, tôi và một chị cùng với lên để lấy, chị ấy dừng lại và bảo tôi “chị lấy đi”. Hai bên cứ nhường nhau thế. Rồi cảnh người dân Pháp cứ 8 giờ tối là ra ban công đứng vỗ tay để ủng hộ tinh thần y bác sĩ, rồi các nhà hàng mang đồ ăn để đổi món cho người làm trong bệnh viện, rồi đội ngũ tình nguyện viên tăng lên đáng kể xung phong vào nhiều việc…

Tôi nghĩ, sự đoàn kết một cách có hiểu biết với chính phủ và giữa dân chúng với nhau giúp không chỉ người Pháp mà châu Âu dù trong dịch bệnh vẫn giữ được sự bình ổn trong tâm thế xã hội. Không xảy ra cảnh vì sợ chết mà sinh ra thù hằn hay ghét bỏ người bệnh, cũng không vì sợ chết mà thành hoảng loạn vô lối. Ngoài ra, nhận thức được việc những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong mọi thảm hoạ là người nghèo, tầng lớp lao động phổ thông trong xã hội - cũng là điều tối quan trọng để giữ được sự bình ổn trong xã hội. Chính phủ Pháp hỗ trợ rất nhiều cho người nghèo và các doanh nghiệp trực tiếp chịu thiệt thòi trong dịch bệnh, ngoài ra các phong trào giúp đỡ người nghèo cũng được phát động. Dịch bệnh sinh bần cùng, bần cùng sinh đạo tặc. Thật ra giúp người bần cùng, theo một nghĩa nào đó chính là nghĩ đến sự bình ổn cho xã hội thôi.

Tuy nhiên, trong những lúc thành phố Paris và cả nước giãn cách, chị vẫn ra đường và đi làm ra sao?

- Tôi bị một tuần đầu chững lại, sau thì vẫn thế thôi. Phóng viên vẫn được phép ra đường làm việc nên không có gì khó khăn để thực hành việc làm báo, chỉ có tin bài thì phải cố gắng để đa dạng trong đề tài, không thể liền một năm chỉ nói về dịch bệnh, mình chán mà khán giả cũng phát ốm theo mất (cười). À, thêm một chút là làm việc trong cảnh thành phố vắng vẻ và đâu cũng như đang có virus thì phải cẩn thận hơn thôi. Tuy thế, cẩn thận mãi cũng thành quen, lại thành bình thường.

Chị cũng được tiêm vaccine, và chị chia sẻ niềm vui của bản thân với mong muốn được trở về nước ra sao?

- Nói thật, lúc đầu tôi cũng băn khoăn lắm, tôi không thích tiêm vaccine vì thấy mình sống sót qua mấy đỉnh dịch dù vẫn đi làm ở đủ nơi đông người như nhà ga, bệnh viện, siêu thị, trại tị nạn, thế nghĩa là trời thương tôi lắm rồi (cười). Nhưng rồi nghĩ lại, cả xã hội ai mà cũng không thích thì đến lúc nào mới hết dịch, thế là tiêm thôi, vả lại tiêm để còn hy vọng được về thăm mẹ, thăm nhà. Tôi chỉ mong lúc nào tiêm đủ 2 mũi mà được phép giảm cách ly xuống còn một tuần thì hạnh phúc quá.

Nhờ vaccine và ca nhiễm tại Pháp đã giảm như thế nào, thưa chị?

- Ngày 30/6, Pháp gỡ bỏ mọi lệnh phong toả, nghĩa là nhà hàng, quán bar, nhà hát, phòng tập, hội hè… đều được quay trở lại hoạt động như bình thường. Điều này có được là nhờ vào vaccine, nếu đúng tiến độ như hiện tại - một ngày có thêm 30.000 người Pháp được tiêm vaccine thì đến cuối tháng 6, 70% nước Pháp đã được tiêm ít nhất một mũi. Đây là một con số đáng kể. Cách đây hơn một tháng, vào giữa tháng 4, có ngày nước Pháp thêm hơn 40.000 ca nhiễm bệnh mới, sau hơn một tháng tiêm chủng, số người nhiễm giảm xuống còn khoảng 3.000 ca một ngày, còn số này cho thấy vaccine đã thay đổi cục diện thế nào. Thời gian tới, nếu luật tiêm chủng vaccine cho trẻ vị thành niên được thông qua, tôi nghĩ chắc sẽ còn thay đổi nhiều nữa...

Theo chị, làm thế nào để bình ổn được tinh thần khi dịch bệnh vẫn tiếp tục cùng số ca nhiễm vẫn tăng trong nước?

- Tôi nghĩ chỉ có nhận thức đúng mọi vấn đề thì mới giữ được sự bình ổn trong tinh thần cũng như xã hội. Nhận thức được rằng đây là thảm hoạ 100 năm có một cho cả thế giới, để không bi quan mà cũng không chủ quan. Nhận thức đúng về mọi giá trị trong cuộc sống để thấy điều gì là quan trọng trong từng giai đoạn để không tự giày vò, tiêu cực nếu thấy công việc không được trôi chảy. Nhận thức đúng về vaccine để thấy mọi giải pháp chống dịch cuối cùng cũng vẫn phải là dùng vaccine thôi, không có cách gì khác.

Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh: Vaccine đã làm thay đổi cục diện