Tinh hoa Việt

Nhà giáo dục học Lang Minh: Giáo viên cần tự lấy mình làm gương

Việt Quỳnh (thực hiện) 19/01/2024 07:36

Theo nhà giáo dục học Lang Minh, áp lực của xã hội công nghiệp đè nặng lên tất cả ngành nghề cũng như các mối quan hệ xã hội, và có lẽ ngành giáo dục đang chịu những sức ép nặng nề nhất: “Một mặt, giáo viên phải trở nên “chuyên nghiệp”, “đa nhiệm” và “chuẩn hóa” hơn, như thể tiêu chuẩn của ngành quản trị kinh doanh vậy.

nnn-lang-minh.jpeg
Nhà tư vấn giáo dục Lang Minh.

Khối lượng công việc của giáo viên gấp ba đến bốn lần công việc truyền thống (với bảng phấn và giáo án): cập nhật kiến thức mới liên tục để truyền tải cuộc sống vào bài giảng, giao tiếp với phụ huynh và học sinh như tư vấn viên nhà nghề, thành thạo các công nghệ tân tiến, kết nối với các tổ chức ngoài nhà trường, hiểu và đối thoại với các xu hướng toàn cầu…

Mặt khác, đời sống vật chất của giáo viên không được cải thiện nhiều. Sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hóa giáo dục và ngân sách công cho giáo dục không tăng kịp theo các yêu cầu trên dẫn đến nhiều giáo viên khó khăn (có cả bỏ cuộc) khi theo đuổi sự nghiệp một cách bền vững và lâu dài.

Rộng hơn nữa là sự đứt gãy trong lòng xã hội, khi các cấu trúc truyền thống như gia đình, cộng đồng hàng xóm… ngày càng rời rạc; khiến trường học - cộng đồng của thầy và trò - cũng chịu nhiều tổn thương và có một vài xu hướng tiêu cực rõ nét: bạo lực học đường với cả giáo viên, thiếu gắn kết giữa phụ huynh và giáo viên. Giữ vững tâm thế của người thầy trong bối cảnh này, cần nhiều sự dũng cảm”.

Theo anh Lang Minh, xã hội đang kỳ vọng quá cao vào người thầy. Để có được tình yêu thương và sự kiên nhẫn với học sinh, giáo viên phải trải qua quá trình dài với nhiều gian khó khách quan: “Vì vậy, tôi mong chờ sự giúp đỡ của cộng đồng, giới quản lý và xã hội chung tay hỗ trợ giáo viên hơn là chỉ bản thân giáo viên. Trước đây có khẩu hiệu “Cả ngôi làng chung tay nuôi dạy một đứa trẻ”, giờ nên có khẩu hiệu “Nửa ngôi làng chung tay giúp giáo viên vững vàng hơn”.

Nếu giáo viên muốn học trò sáng tạo thì giáo viên phải sáng tạo trước. Giáo viên mong học trò sôi nổi thì giáo viên phải sôi nổi trước. “Lấy mình làm gương” luôn là tâm niệm đi theo Lang Minh suốt hành trình giảng dạy. Mẹ của anh Lang Minh khi là một giáo viên Sinh học, sau cả ngày lao động vất vả, bà vẫn thức khuya viết tay từng dòng giáo án, vẽ tay từng mô hình tế bào, luôn cố gắng cải thiện bài dạy với số sách vở ít ỏi bấy giờ. Từ mẹ, Lang Minh thấy rằng, người thầy trước nhất phải là tấm gương về lao động tri thức và phẩm hạnh cá nhân.

“Đến thời đại này, khi học trò còn đang chới với trong cơn lốc biến đổi của xã hội, tôi càng phải vững vàng về chuyên môn và nhân cách hơn. Học trò tiếp xúc với mình mỗi ngày, tự mình không thể hiện những giá trị bất biến của một công dân có trách nhiệm, mỗi giờ giảng của mình không phải thành quả của sự lao động nghiêm túc và nhu cầu đối thoại xã hội, thì sao thành điểm tựa tinh thần cho học trò trưởng thành được nữa”, Lang Minh nói.

Với anh, thế hệ nào cũng có những chướng ngại và sứ mệnh riêng, anh kỳ vọng rất nhiều ở các em dù con đường phía trước có thể ngày càng khó khăn hơn. “Đôi khi lại… áp lực hơn bởi tôi thấy những rối ren ở đời đang dần ập vào trường học. Hình như ở thế hệ của tôi, trường học “vô trùng” hơn. Tin giả, đổ vỡ hôn nhân, phân biệt đẳng cấp, xung đột thế hệ… xuất hiện nhiều trong câu chuyện mà học sinh chia sẻ với tôi. Vì thế, tôi lại càng phải lồng ghép những suy tư về thời cuộc trong bài giảng của mình để các em thấy trường học không phải nơi cung cấp “dịch vụ kiến thức” mà còn thực sự là nơi các em “học để chung sống” với cộng đồng và thời đại của mình”, anh Minh chia sẻ.

Theo anh Lang Minh, trước nhất, việc chăm sóc khỏe tinh thần cho giáo viên phải đến từ một giải pháp tổng thể có sự phối hợp giữa cộng đồng - phụ huynh và nhà trường nhằm tạo ra môi trường làm việc có tính nhân văn: “Thử tưởng tượng một giáo viên lao động trong môi trường bị giám sát, o ép, vụ lợi mà bài giảng lại toàn những giá trị tích cực, cao cả; thì người đó sẽ khốn khổ về mặt tinh thần đến mức nào. Xã hội muốn truyền tải giá trị nào đến với các em thông qua giáo viên, thì xã hội phải thực hành được giá trị đó với người thầy.

Về phía bản thân giáo viên, trong xã hội quá nhiều biến động này, quá nhiều giá trị bị lung lay, nhưng sức mạnh của một bài giảng được tựu thành từ lao động học thuật nghiêm túc, cảm hứng từ một giờ dạy nhiệt huyết được hun đúc từ tình yêu thương, vẫn luôn là ánh đèn soi đường cho các em và chính người thầy vượt qua chông chênh của thời đại.

Tôi mong các bạn đồng nghiệp luôn tâm niệm rằng, sức khỏe tinh thần của mình có ổn thì mới thành chỗ dựa tinh thần cho các em được”.

Lang Minh hiện là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức... Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ 21: Tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà giáo dục học Lang Minh: Giáo viên cần tự lấy mình làm gương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO