Hiện đang có những tranh luận khá sôi nổi xung quanh vấn đề có nên tiếp tục sử dụng amiang trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam. Trong số những nhà khoa học bầy tỏ thái độ dứt khoát, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cần sớm chấm dứt dùng loại nguyên liệu này trong sản xuất tấm lợp, có nhà khoa học kỳ cựu PGS TS Nguyễn An Lương. Ông năm nay 77 tuổi, từng có quãng thời gian dài công tác trên cả hai lĩnh vực về bảo hộ lao động(BHLĐ) và hoạt động công đoàn, có công đầu đóng góp cho sự phát
Tại Viện KHKT BHLĐ, Viện trưởng Nguyễn An Lương (đứng giữa) giới thiệu
với chủ tịch Tổng LĐLĐVN Cù Thị Hậu một số thành quả nghiên cứu của Viện (Năm 1991).
Khởi nghiệp trên đất bạn: tự tìm thầy
Nguyễn An Lương xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở Song Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1959, anh thi đỗ vào khóa 4 Đại học Bách khoa, Hà Nội và suốt 4 năm học anh đều trong top đứng đầu lớp, tốt nghiệp được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn công nghệ chế tạo máy thuộc khoa Cơ khí. Ngày đó, thầy giáo trẻ An Lương lên bục giảng, còn được đi thực tế vùng mỏ Quảng Ninh, chui vào hầm lò chợ mỏ Hà Lầm để có kiến thức thiết kế phần cơ khí ở mỏ mới Tây Khe Sim.
Cũng tại đây, lần đầu anh tiếp xúc với các công việc BHLĐ và vệ sinh công nghiệp, anh không ngờ rằng đấy chính là cái “nghiệp” nhiều năm sau này của mình. Giữa năm 1968 anh được nhà trường cử đi nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc. Trên đường qua Matxcơva đã có một cuộc hội ngộ thú vị, 4 anh em trai trong gia đình anh đều có mặt ở thủ đô nước bạn làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), trong 3 người ngày ấy, có người anh Nguyễn Đình Tứ sau trở thành nhà vật lý nguyên tử nổi tiếng của nước ta. Vừa đặt chân lên đất Tiệp Khắc, Nguyễn An Lương gặp ngay thử thách, một cuộc “chính biến” nổ ra làm cho các nghiên cứu sinh nước ngoài như anh rất khó tìm đề tài và thầy hướng dẫn. Trong khi nhiều bạn trong đoàn đang “ngơ ngác”, thì Nguyễn An Lương đã vạch ra cho mình một cách đi riêng: tự tìm đề tài và tìm thầy. Anh hì hụi vào thư viện tìm đọc sách chuyên môn về công nghệ chế tạo máy, bắt gặp một công trình nghiên cứu sâu của tác giả Josef Pesak. Ông là giáo sư thuộc đại học kỹ thuật Sec Praha. Thế là anh tìm đến địa chỉ ấy. Trước mặt anh là một ông già cao lớn, đạo mạo bao giờ cũng comple cà vạt chỉnh tề và gọi người đối thoại với mình là “ngài”.
Sau khi nghe Nguyễn An Lương tự giới thiệu và bày tỏ ý muốn được làm học trò, vị giáo sư vui vẻ nói: Ngài kỹ sư Lương. Tôi biết người Việt Nam vốn có tư chất thông minh, tôi từng có những học trò là đồng hương với ngài như Trần Xuân Đàm, Nguyễn Xuân Chuẩn... Họ chẳng những học giỏi, còn nắm vững tiếng Tiệp đến nỗi trong thời gian ở đây đã viết được Từ điển Việt -Tiệp. Giờ tôi lại rất xúc động vì ngài kỹ sư đã đọc công trình của tôi mà tự tìm đến. Nhưng thời buổi khó khăn, việc nhận nghiên cứu sinh không dễ như trước, ngài kỹ sư phải chấp nhận cuộc thi nhận (thi đầu vào) bằng tiếng Tiệp, như thế đòi hỏi rất thạo tiếng nước tôi đấy... Cuộc thi nhận diễn ra sau đó vài tháng, chính Nguyễn An Lương cũng không ngờ có hơn 8 tháng học tiếng và vài tháng ôn chuyên môn mà anh lại trả lời trôi chảy các câu hỏi của hội đồng giáo sư, trong 15 câu, anh đã đạt điểm cao ở 13 câu và được nhận vào trường, với nhận xét của người thầy khả kính đầu đời: Chuyên môn vững và sử dụng tiếng Tiệp tốt.
Làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của thầy J.Pesak, bản luận văn của anh được hội đồng khoa học Đại học kỹ thuật Sec Praha đánh giá xuất sắc. Năm 1974, anh về nước. Lại bắt đầu những năm tháng vừa giảng dạy vừa nghiên cứu.
Kiên trì đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng
Trở về trường cũ, TS. Nguyễn An Lương vừa giảng dạy, vừa quản lý phòng khoa học. Cũng từ đó ông bén duyên với công đoàn khi được bầu vào ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn lao động Hà Nội. Lúc ông lên đọc tham luận trở về chỗ ngồi, thì Chủ tịch Tổng Công đoàn lao động Hoàng Quốc Việt nắm tay ông nói: Đây là trí thức của giai cấp công nhân. Năm 1978 tại đại hội Tổng Công đoàn lao động Việt Nam (Nay là Tổng Liên đoàn LĐVN) lần thứ 4, ông được bầu vào ban chấp hành và năm 1979 ông được điều chuyển về Tổng LĐLĐVN đảm nhiệm viện phó Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ, tháng 7/1984 ông lên viện trưởng. Ông tham gia ban chấp hành nhiều khóa và trở thành Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa 7, khóa 8 (1998-2003) là phó chủ tịch thường trực.
Đến tuổi hưu, PGS TS Nguyễn An Lương vẫn chưa hết duyên nợ với lĩnh vực BHLĐ, ông được bầu 2 khóa liền làm chủ tịch Hội KHKT an toàn vệ sinh lao động Việt Nam (VOSHA). Có một vấn đề được ông và các đồng nghiệp giành nhiều tâm huyết, sức lực nghiên cứu, giải quyết đó là ở nước ta có nên tiếp tục sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp? Đây thực chất là một cuộc tranh luận về học thuật, vừa tỏ rõ chính kiến, vừa kiên trì đấu tranh. Không quản tuổi cao, sức yếu thời gian qua ông đã có mặt tại nhiều hội nghị, hội thảo, trực tiếp lên diễn đàn nêu ý kiến phản biện, bên cạnh đó đã cùng đồng nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét.
Amiang là loại khoáng chất silicat dạng sợi, có tính năng đặc biệt như độ bền cơ học, độ bền hóa chất cao, chịu nhiệt và ma sát tốt, cách điện, cách âm tốt… nên đã được thế giới sử dụng từ hàng trăm năm nay để sản xuất hàng ngàn loại sản phẩm, đặc biệt là sản xuất tấm lợp sóng fibroximăng (tấm lợp amian-xi măng).
Song từ những năm 70-80 thế kỷ trước, các nhà khoa học đã thấy rõ tác hại của amiang, gây ra bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiang và đã phát hiện hàng loạt người bị tử vong do các bệnh mà amiang gây ra. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, đây là nguyên nhân của khoảng 50% số tử vong do ung thư nghề nghiệp. Năm 2003, kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Liên tịch về sức khỏe nghề nghiệp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và WHO đã khuyến nghị các nước cần quan tâm đặc biệt tới việc loại trừ các bệnh liên quan đến amiang.
Ở nước ta, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiang trong sản xuất tấm lợp. Tuy nhiên sau đó, với quyết định vào các năm 2004 và 2008, Chính phủ lại cho tiếp tục sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp, chỉ yêu cầu bảo đảm nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường và y tế.
Cùng với đó có một ý kiến nêu quan điểm cho rằng nên duy trì lâu dài hơn nữa việc sử dụng amiang trắng nhập khẩu trong sản xuất tấm lợp vì những lý do kinh tế. Những nhà hoạt động môi trường, vì sức khỏe cộng đồng trong đó có PGS.TS Nguyễn An Lương đã thẳng thắn đưa ra những luận cứ chống lại quan điểm đó, dẫn ra những nghiên cứu trong nước và quốc tế khẳng định sự độc hại tiềm tàng của amiang trắng. Về thiệt hại kinh tế do ngừng sản xuất tấm lợp sóng từ amiang trắng, ông và các đồng nghiệp cũng chỉ rõ, những người đưa ra số liệu về thiệt hại kinh tế chỉ tập trung vào thiệt hại do cấm nhập amiang, chứ không hề đả động đến thiệt hại còn to lớn hơn nhiều do chi phí y tế trong cộng đồng từ những bệnh tật do amian mang lại...
Nhóm các nhà khoa học thuộc nhiều tổ chức khoa học và tổ chức phi chính phủ, trong đó có PGS TS Nguyễn An Lương và GS TS Lê Vân Trình đại diện VOSHA; KS Lê Quốc Khánh, GS TS Nguyễn Việt Bắc đại diện Hội Hóa học VN; GS TS Vũ Hoan, PGS TS Bùi Thị An đại diện Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội... đã tiếp tục có bản kiến nghị mới gửi lên các cấp có thẩm quyền, bầy tỏ ý kiến cần sớm ngừng việc sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp và thay thế nó bằng các loại vật liệu khác không độc hại hiện có ở Việt Nam.