Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp thuộc Công ty Việt - Pháp (NMSXTVP), được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên thời gian qua người dân phản ánh nhà máy gây ô nhiễm môi trường nên đã nhiều lần dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối. Trước tình thế đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra yêu cầu nhà máy phải di dời vào cuối năm 2017, nhưng câu chuyện di dời này đang nan giải.
Hàng loạt xe bị chặn lại ngay trước cổng nhà máy vào ngày 5/7/2017.
Ở không xong
Mới đây nhất, vào ngày 5 và 6/7, rất đông người dân khối 7A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã chặn xe trên tuyến đường Lạc Long Quân, đoạn dẫn vào NMSXTVP nhằm bày tỏ thái độ bức xúc vì cho rằng doanh nghiệp vẫn chưa chấm dứt việc sản xuất và gây ô nhiễm.
Còn trước đó đã rất nhiều lần người dân tổ chức cắm lều phản đối. Báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho thấy: “Thời gian qua, người dân xung quanh phản đối vì cho rằng NMSXTVP gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến môi trường, ANTT tại khu vực và ảnh hưởng đến sản xuất của nhà máy”.
Mặc dù từ năm 2013 đến nay có 8 lần Sở TNMT lấy mẫu các chất thải kiểm tra và tất cả đều đảm bảo môi trường theo quy định. Quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cũng cho kết quả tương tự. Dù vậy, người dân vẫn không đồng tình với sự tồn tại của nhà máy chủ yếu do ô nhiễm tiếng ồn, mùi khói từ nhà máy phát ra. Chủ trương di dời nhà máy đã có cách đây 2 năm, từ khi xuất phát nhu cầu phát triển đô thị, xây dựng thị xã Điện Bàn.
Việc chưa được di dời, buộc nhà máy phải tổ chức sản xuất ở nơi cũ, thì lại gặp sự phản đối của người dân.
Bà Lê Thị Thắng (75 tuổi) bức xúc nói: “Mấy ngày gần đây, nhà máy thép đã hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy nổ, khói đen bốc mùi hôi thối bay ra, khiến tôi và nhiều người sinh sống ở đây bị ô nhiễm”. Người dân còn cho rằng, thời gian Công ty này tăng công suất hoạt động từ 22h đêm đến 4h sáng hôm sau là thời điểm bị ô nhiễm nhất.
Long đong di dời
Trước tình hình của nhà máy và phản đối của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra yêu cầu nhà máy phải di dời vào cuối năm 2017. Vì vậy, lãnh đạo Công ty đã trình Dự án NMSXTVP 1.000 tỉ đồng với quy mô 17 ha, có công suất 180.000 tấn/năm, gấp 3,75 lần so với hiện tại.
Theo văn bản số 420/TB-UBND, ngày 23/9/2016, NMSXTVP sẽ đặt tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang. Nhưng cũng từ đó đã xảy ra phản ứng quyết liệt, không chỉ người dân địa phương nơi đặt nhà máy mà các cư dân sinh sống hạ lưu cũng lên tiếng.
Mới nhất là ngày 17/7, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Quảng Nam IX, nhiều ý kiến của tri huyện Đại Lộc đã đề nghị lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, cân nhắc lại việc cấp phép xây dựng NMSXTVP mới trên thượng nguồn của huyện Nam Giang, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng hạ du.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã có công văn số 8212/UBND-TNMT gửi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của thành phố Đà Nẵng.
Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TNMT Quảng Nam khẳng định: Nguyên liệu chính mà nhà máy sử dụng là sắt thép phế liệu để nấu, hoàn toàn không sử dụng quặng và nhà máy dùng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và quá trình thẩm định dự án các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ.
TS Hồ Tấn Quyền - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí tự động hóa tỉnh Quảng Nam cũng quả quyết rằng: “Quy trình, công nghệ tái chế sản phẩm phôi thép ở NMTVP chỉ sử dụng nguồn nước tuần hoàn làm mát sản phẩm, hoàn toàn không xả ra sông Bung, sông Vu Gia”.
Thế nhưng tới nay người dân vẫn quyết liệt phản ứng và trước đề nghị của cử tri, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh đang kiến nghị với Trung ương để xem xét chủ trương đầu tư. Mặt khác cũng đang xem xét lại về chủ trương di dời nhà máy. Vì thế, xem ra câu chuyện “đi hay ở” của nhà máy này vẫn còn nan giải.