Câu chuyện sinh viên các trường nghệ thuật “học chay” đã từng tốn nhiều giấy mực của báo chí. Thế nhưng, bấy lâu nay, những xoay chuyển để sinh viên vừa “học” vừa “hành” là cực kỳ hiếm. Vì thế, việc mới đây, Nhà hát Tuổi Trẻ và Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh HN ký kết hợp tác tạo môi trường cho sinh viên nghệ thuật có những trải nghiệm thực tế trên sân khấu chuyên nghiệp được nhiều người quan tâm.
Đạo diễn Trần Lực.
Cơ hội trải nghiệm
Sự kiện diễn ra vào trung tuần tháng 2 vừa qua. Theo đó, dự án hợp tác giữa hai bên mong muốn kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê trong nghệ thuật biểu diễn, đưa các hoạt động thực tiễn của sinh viên Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh HN gắn liền với các hoạt động nghệ thuật liên quan đến tuổi trẻ, thúc đẩy hoạt động nghệ thuật sân khấu ngày một phát triển, tiếp cận rộng rãi hơn tới giới trẻ và sinh viên Thủ đô.
Dự án tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên các chuyên ngành: Diễn viên kịch - điện ảnh, Đạo diễn Sân khấu, Biên kịch Sân khấu, Thiết kế Mỹ thuật, Âm thanh - Ánh sáng… được trải nghiệm thực tế trên sân khấu chuyên nghiệp; đồng thời quảng bá thương hiệu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN là cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, sáng tạo, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở thỏa thuận được ký kết, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN và Nhà hát Tuổi trẻ sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ sinh viên làm bài tiền tốt nghiệp. Nhà hát Tuổi trẻ hỗ trợ sinh viên của trường thực tập trong thời gian dài hạn với nhiều nghiệp vụ như diễn xuất, đạo diễn, biên kịch, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu…
Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN cung cấp các vở diễn, các chương trình nghệ thuật là bài tập của giảng viên và sinh viên nhà trường để biểu diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ bằng hình thức biểu diễn có bán vé.
Ông Trương Nhuận- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Việc ký kết hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ với Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN là một sự khởi đầu cho việc hợp tác tạo môi trường cho sinh viên nghệ thuật có một sân chơi nghệ thuật trên sân khấu chuyên nghiệp. Sự kết hợp này mang ý nghĩa chiến lược trong công tác đào tạo giúp Trường tiếp cận với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật để tạo cơ hội cho sinh viên có cơ hội được hoạt động và cọ xát trong môi trường thực tiễn để thử lửa và thạo nghề khi ra trường. Hai đơn vị chúng tôi sẽ cùng nhau nghiên cứu để tìm ra những hình thức nhằm có sự hợp tác hiệu quả nhất”.
Đại diện Nhà hát Tuổi trẻ cũng tiết lộ, trong năm 2017, Nhà hát sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với các Học viện Nghệ thuật, các trường đại học và nhà hát của nước ngoài như: Ký kết với Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp dàn dựng vở “Con chim xanh” (tháng 3), Hợp tác với Viện Goethe HN tiếp tục dàn dựng vở Vòng phấn Kavkaz (tháng 5), mời Học viện Nghệ thuật sân khấu Nga sang diễn tác phẩm kinh điển “Cậu Vania của Anton Pavlovich Chekhov” (tháng 4), mời Nhà hát Kịch Noh Thằn lằn vàng của Nhật Bản sang biểu diễn vở “Nguyệt hoa sao” (tháng 11)...
Cảnh trong vở kịch “Quẫn”.
Học và hành
Chuyện sinh viên các trường nghệ thuật phải học chay, thiếu cơ hội cọ sát thực tế từ lâu đã được đặt ra. Thậm chí, chính sinh viên đang theo học các nghành nghệ thuật cũng cảm thấy chán nản vì không có điều kiện thực hành. Một số ít có may mắn, hoặc có cha chú “dắt tay” theo học việc bằng cách tham gia vào đoàn phim, đoàn kịch. Nhưng số này không nhiều.
Chính vì thế, khi tốt nghiệp ra trường, đa số vẫn “ngơ ngác” trước thực tế sống động. Theo NSND Lê Khanh- Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, ở những nước tiên tiến, các đơn vị nghệ thuật đều tiếp nhận sinh viên đến giao lưu, trao đổi, chứng kiến quá trình vận hành của một tác phẩm nghệ thuật từ A đến Z.
Qua thực tế như vậy, sinh viên luôn được hỏi tại sao lại làm thế này mà không phải thế khác, để khi bước vào môi trường chuyên nghiệp sẽ hội nhập nhanh chóng hơn.
Bản thân Lê Khanh cũng như những nghệ sĩ cùng lứa như Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Hải… chính là thành quả của mô hình đào tạo này tại Nhà hát Tuổi trẻ từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
NSND Lê Khanh nhắc lại 2 vở diễn đầu tiên là “Lời đá cháy” và “Hoàng tử học nghề” - mà chị và các bạn đã diễn trên sân khấu khi đang còn là học sinh. “Chúng tôi đã trở thành diễn viên trên sân khấu thực tế sau học kỳ đầu tiên.
Cứ như thế, sau 3 năm hệ trung cấp, chúng tôi đã trở thành những diễn viên chuyên nghiệp. Năm 1982, tôi đã đóng vai Juliet trong vở “Romeo và Juliet”, có ngày phải diễn 4 suất.
Như vậy, đến khi tốt nghiệp, chúng tôi đã trở thành diễn viên thuần thục”, NSND Lê Khanh chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh, hiện nay, “chúng ta cặm cụi đào tạo 3 - 4 năm, nhưng sinh viên ít, thậm chí chưa một lần đứng trên sân khấu. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, các em lại mất thời gian làm quen và xếp hàng chờ đến lượt để có vai diễn. Chưa kịp quen với sân khấu, có khi lại lập gia đình, sinh con, và từ từ lặn vào phía sau rồi chuyển nghề”.
Trong khi đó, qua trao đổi, PGS.TS Nguyễn Đình Thi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh HN cho biết, lâu nay nhà trường vẫn tiếp cận các đơn vị nghệ thuật để tạo cơ hội cho sinh viên tham gia sáng tạo, xem đó như việc làm bắt buộc, có ý nghĩa quan trọng để sau khi tốt nghiệp, về nhà hát, hãng phim, các em có thể tác nghiệp ngay. Tuy nhiên, không nhiều đơn vị nghệ thuật hưởng ứng chủ trương này, hoặc nếu có, cái bắt tay chưa thật chặt. “Nếu thường xuyên nhận được sự hợp tác trách nhiệm của các đơn vị nghệ thuật trên cả nước, thì công tác đào tạo của nhà trường chắc chắn hiệu quả hơn rất nhiều. Bản lĩnh sân khấu của các em sẽ rất tốt, khi ra trường không bỡ ngỡ”- PGS.TS Nguyễn Đình Thi nói.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thi, ĐH Sân khấu-Điện ảnh HN vốn là cái nôi đào tạo ra nhiều đạo diễn, nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu chuyên nghiệp và rất nhiều người sau khi tốt nghiệp, công tác tại các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật nhưng vẫn về kết hợp đào tạo cho sinh viên của trường.
Những giảng viên có thực tiễn sẽ giúp cho các sinh viên có được những kiến thức toàn diện không chỉ về phương diện lý thuyết mà cả thực tiễn nghề nghiệp của mình. Nguồn nhân lực quan trọng này đóng góp một phần không nhỏ nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo.
Cái bắt tay ý nghĩa
Dẫn chứng sinh động nhất đó chính là việc NSƯT Trần Lực mấy năm qua đã tham gia đứng lớp, giảng dạy cho các em sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh HN. Đặc biệt, cuối năm 2016 anh còn đứng ra đạo diễn vở kịch “Quẫn”- tác phẩm nổi tiếng của nhà viết kịch Lộng Chương, và mời những sinh viên đang theo học năm thứ 4 vào đảm nhận các vai diễn. Sự dũng cảm của Trần Lực ở chỗ, đây cũng chính là vở kịch đầu tiên anh đứng ở vai trò đạo diễn.
Nếu là người khác, hẳn sẽ tìm giải pháp an toàn hơn, đó là phải mời dàn diễn viên có nhiều ngôi sao, kinh nghiệm dày dặn, còn có ưu tiên sinh viên cũng chỉ là một hai… vai phụ. Nhưng thầy giáo - đạo diễn Trần Lực đã không làm thế. Anh đã cho những sinh viên năm thứ 4 được trải nghiệm thực tế.
Họ phải hóa thân thành những ông Đại Cát, bà Đại Lợi… Hỏi đạo diễn Trần Lực, có thấy mạo hiểm không, anh thừa nhận ban đầu cũng lo lắng, lo vì dàn diễn viên trẻ không ngôi sao và vở kịch được anh dựng với phong cách bi hài chứ không chỉ thuần hài. “Nhưng các bạn sinh viên đang tràn đầy sự hào hứng, sáng tạo, cho nên tôi rất tự tin”, Trần Lực nói, và chia sẻ thêm: “Thông qua tác phẩm này, tôi muốn tạo ra một “mảnh đất” để các bạn sinh viên năm thứ 4 được trải nghiệm, và chính tôi cũng được trải nghiệm…”.
Thành công của vở kịch “Quẫn” với nhiều giải thưởng gặt hái được tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 (như giải Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Vàng, 2 giải Bạc cho các diễn viên, và vở diễn cũng đoạt giải Bạc) cho thấy cú bắt tay thật ý nghĩa của mô hình Nhà hát + Nhà trường.
Nó mở ra một hướng đi cho sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bởi ở đó, không chỉ có sinh viên có điều kiện được trải nghiệm, cọ xát mà chính là dịp để mỗi nhà hát có thể tìm kiếm được những diễn viên trẻ triển vọng để tiếp tục đào tạo trở thành những “ngôi sao ăn khách” trong tương lai. Bên cạnh đó, như với vở “Quẫn”, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ cũng có thêm những đêm sáng đèn, bổ sung kịch mục để khán giả “đổi món”.