Tinh hoa Việt

Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: Mỗi tác giả bắt đầu từ độc giả

Việt Quỳnh 05/11/2024 13:29

Xuất hiện trên văn đàn và thành công với cuốn tiểu thuyết đầu tay “Mộ phần tuổi trẻ”, Huỳnh Trọng Khang (sinh năm 1994 ở An Giang, hiện đang sống và làm việc ở TP HCM) nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật trên văn đàn. Bên cạnh tiểu thuyết “Mộ phần tuổi trẻ” (2016), Huỳnh Trọng Khang đã ra mắt tiểu thuyết “Những vọng âm nằm ngủ” (2018), tập truyện “Phật trong hẻm nhỏ” (2021)... cùng một số truyện tranh dành cho thiếu nhi.

nv-huynh-trong-khang-2(1).jpg

Được vinh danh với Giải thưởng Sách Hay 2017 - Hạng mục phát hiện mới khi còn đang là sinh viên và Giải thưởng Văn học Trẻ của Hội nhà văn TP HCM 2023, anh có thể chia sẻ về con đường đến với văn chương của mình?

- Trước đây, tôi có chia sẻ về điều này. Tôi tin là mỗi tác giả đều bắt đầu từ độc giả. Tôi thích đọc, và đến một ngày tôi nghĩ “tại sao không thử viết”. Dĩ nhiên “vạn sự khởi đầu nan” nhưng dần dần mọi thứ cũng vào nhịp.

Khi cuốn “Mộ phần tuổi trẻ” được công chúng và các nhà chuyên môn đón nhận, đã mở ra cánh cửa rộng để Khang bước vào thế giới văn chương như thế nào? Trong suốt thời gian qua, làm thế nào để anh giữ được nhịp viết?

- Tôi cố gắng viết mỗi ngày. Từng chút. Từng chút một. Như thói quen. Đôi khi bản thảo cũng chẳng đi tới đâu, nửa đường dang dở, hoặc khi tôi đọc lại thấy không thích, cũng chẳng biết sửa thế nào… nhưng cũng không sao cả, nó giúp tôi giữ được nhịp độ của mình. Một điều quan trọng nữa là đọc, nhiều khi đọc được những tác phẩm hay thôi thúc tôi viết.

Cảm xúc, suy nghĩ, và cả sự trưởng thành của anh qua mỗi trang viết ra sao?

- Càng viết, càng đọc, tôi càng nhận ra những giới hạn của mình. Cứ mỗi lần tôi tưởng như mình sắp bước qua một giới hạn thì nó lại nhích xa thêm. Cứ vậy. Cho nên mỗi tác phẩm được viết ra, với tôi giống như một bước để tiến gần hơn cái giới hạn đó. Tôi từng chia sẻ là trong tương lai, tôi muốn thử viết nhiều thể loại: võ hiệp, kinh dị, trinh thám, khoa học viễn tưởng… như một cách thử sức mình.

Ngoài việc mong muốn thử nghiệm nhiều thể loại, anh có chú trọng về nội dung câu chuyện sẽ được viết, và tập trung vào kỹ thuật viết?

- Khi bắt đầu một tác phẩm mới, đặt biệt là những tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết, mọi thứ đều mơ hồ như đi giữa trời tuyết vậy. Nhưng dần dà mọi thứ sẽ sáng rõ hơn, tôi biết mình sẽ đi đến đâu và cần làm gì để đi được đến đó, trong quá trình phát triển câu chuyện, nội dung và kỹ thuật sẽ hài hòa với nhau. Điều thú vị trong quá trình viết là chính bạn cũng đang khám phá, bạn đưa ra các tình huống, giả định các cách xử lý, bạn thử áp dụng bút pháp này, miêu tả dưới góc độ kia, rồi bạn thấy không hợp, bạn lại tiếp tục thử… chính điều đó làm cho việc viết thoạt trông có vẻ là một sự lặp đi lặp lại, từ bản thảo này qua bản thảo khác, nhưng ở từng bản thảo đều mới mẻ, gây tò mò. Điều bạn biết chắc chắn là mình phải viết từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng.

Trên thực tế, từ trải nghiệm cá nhân của anh, hành trình văn chương tất yếu là cô đơn, nhưng nếu thiếu môi trường thuận lợi để phát triển tài năng thì sẽ thế nào?

- Câu hỏi này làm tôi nhớ đến câu chuyện bạn của nhà văn Harper Lee đã tặng bà một năm tiền lương để bà có thể toàn tâm viết tiểu thuyết “Giết con chim nhại”. Tác phẩm này đem lại thành công cho bà cả về danh tiếng, uy tín văn chương lẫn tài chính. Nhưng rồi như chúng ta đã biết, sau đó bà cũng không có tác phẩm nào xuất sắc hơn thế. Tôi nghĩ thứ “môi trường thuận lợi” chúng ta đang bàn đầu tiên phải do mỗi cá nhân tự xây dựng.

Bước vào Hội nghị những người viết trẻ với tư cách là một nhà văn trẻ 9X, và đại diện đọc tham luận, anh muốn truyền lửa tới những thế hệ nhà văn sinh năm 2000 ra sao?

- Bản thân tôi thấy mình chưa phải tác giả thành công để có thể truyền cảm hứng cho ai. Tôi cũng không nghĩ mình có khả năng truyền lửa cho ai. Nhưng tôi tin mỗi người chúng ta đều có một ngọn lửa, le lói hay bừng cháy… Chính tôi mỗi ngày cũng phải tự nhắc mình, rằng trong tôi cũng có một ngọn lửa đang cháy. Tôi có những bản thảo không hợp, không được in hoặc đăng, tới giờ tôi vẫn hay bị từ chối (cười) hay sách tôi nằm trên kệ sách giảm giá… nhưng điều tôi có thể làm là quen với nó, và tiếp tục viết thôi.

Với Khang, việc cần có những toạ đàm văn chương, những trao đổi trò chuyện học thuật giữa những người đi trước và thế hệ cầm bút sau có cần thiết?

- Tôi nghĩ nó giúp cho người viết có một hình dung tương đối về nền văn học đương đại của chúng ta, về đời sống văn chương. Đôi khi những câu chuyện, kinh nghiệm của các tiền bối có thể giúp giải tỏa khúc mắc nào đó chẳng hạn.

Thời gian qua, khi tiếp xúc với những tác giả trẻ khác, Khang nhận ra điều gì từ họ, và soi chiếu lại bản thân mình? Phải chăng nhịp sống sôi động, kỹ thuật hiện đại đang cuốn rất nhiều người rời khỏi thói quen đọc sách?

- Những con số từ các cuộc khảo sát về chuyện đọc sách gần đây cho thấy rằng hiện tại chúng ta chưa đọc nhiều sách. Tuy nhiên, đổ lỗi cho nhịp sống hay kỹ thuật hiện đại có lẽ không chính xác. Suy cho cùng, mọi thứ công nghệ tiện ích được tạo ra để chúng ta tranh thủ thời gian, tiết kiệm công sức hơn và thời gian sức lực đó có thể dành cho những hoạt động nghỉ ngơi, thư giãn hay làm những việc khác. Tôi nghĩ thói quen đọc sách nên được hình thành khi còn nhỏ, trong gia đình, nhà trường, phụ huynh và thầy cô phải là những tấm gương cho các em đã.

Bước chân vào thế giới ngôn ngữ mới có thể làm ta phát triển được cảm xúc cũng như tư duy theo chiều sâu sắc?

- Với bản thân tôi, nếu không đọc sách, có lẽ cuộc sống của tôi đã đơn điệu biết chừng nào. Như tôi đã nói ở trên, việc hình thành thói quen đọc sách ở độ tuổi nhi đồng là rất quan trọng. Cũng như chị đã nói trong câu hỏi, đọc giúp các em phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và nhất là ở độ tuổi các em không quá phân tâm vào các vấn đề khác, ghi nhớ tốt hơn, mắt tốt hơn và nhất là đọc không vì một áp lực nào cả, đọc để thấy một thế giới khác, những chân trời khác.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Huỳnh Trọng Khang: Mỗi tác giả bắt đầu từ độc giả