Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sống và viết

PHÙNG VĂN KHAI 04/06/2023 07:16

Lứa văn bút đàn em chúng tôi mỗi lúc gần nhà văn Khuất Quang Thụy thường trêu ông là “thợ đóng gạch”. Tiểu thuyết toàn “cục gạch” đã đành mà cái dáng tất bật từ vẻ áo quần tới mắt mũi râu ria của nhà văn họ Khuất đúng là một gã thợ cày không một chút sai.

Nhà văn Khuất Quang Thụy.

Tôi gần ba chục năm trước (1996) viết truyện ngắn “Những người đốt gạch” với nhân vật chính có ngoại hình và tâm tư y hệt Khuất Quang Thụy. Truyện được in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, tiếp đó trên có chủ trương xóa bỏ các lò gạch trong toàn quân. Từ ấy, tôi bỗng nổi tiếng khắp các trung đoàn đi đâu cũng tay bắt mặt mừng như lập chiến công lớn lao lắm.

Điều này hoàn toàn là công của nhà văn Khuất Quang Thụy.

Đầu năm 1996, khi đang là hạ sĩ học Trường Lái xe 255, một hôm tôi hốt hoảng khi chỉ huy đại đội cho gọi lên, hỏi đi hỏi lại rằng: “Cậu có đúng là Phùng Văn Khai đã viết các truyện ngắn “Những cọng cỏ”, “Người lính già” in báo Quân đội nhân dân không? Nếu nhận xằng sẽ kỷ luật!” Nghe câu hỏi lúc đó tôi khá bực mình, nhưng khi biết nhà văn Khuất Quang Thụy đang ở trên Hiệu bộ tìm mình nên tôi đã mau chóng ngoan ngoãn theo anh cán bộ chính trị tới gặp nhà văn mà mình từng ngưỡng mộ.

Vừa bước vào căn phòng, tôi lập tức giật mình thấy một ông Thượng tá... rất giống bố mình. Như thể quen biết từ trước, vị Thượng tá quệt mồ hôi tươi cười tiến tới vỗ vai tôi: “Phùng Văn Khai hả? Các chú tìm mãi! Chuẩn bị quân tư trang đi trại viết văn ở Đồ Sơn nhé. Mọi việc chú đã trao đổi với anh Hinh - Hiệu trưởng ở đây rồi”.

Tôi đứng như trời trồng. Kẻ ngang bướng nhất nhì khóa học mà chỉ lí nhí được mấy câu: “Cháu... cháu sắp thi tốt nghiệp...”

Nhà văn Khuất Quang Thụy thường nói sự viết là của mỗi người, không ai chỉ bảo cho ai được. Cứ thế mà sống cho tốt, cho tử tế. Cứ từ từ mà viết ắt sẽ dò tới ngọn nguồn. Văn chương không ồn ào náo nhiệt được đâu, càng không cầm tay chỉ việc được đâu.

Vị Thượng tá mà mãi sau này tôi mới biết là nhà văn Khuất Quang Thụy sởi lởi nhìn cậu lính đen trũi, gầy gò nói chắc như đinh đóng cột: “Cứ đi thôi! Lái xe còn chín tháng lo gì”.

Tôi chưa kịp nói gì, lập tức vị Trung tá hiệu trưởng nở nụ cười hiền, tiến tới vỗ vai tôi: “Nhà văn trẻ tương lai. Mình thích văn chương lắm. Đã đọc mấy truyện của Khai không ngờ cậu lại là lính ở trường. Thu xếp đi trại viết đi nhé. Nhớ viết cho trường một truyện hay vào. Còn lại các chú sẽ lo cho...”

Đó chính là bước ngoặt của đời tôi.

Đến khi chỉ còn hai chú cháu trên vạt cỏ sân đồi trường lái, nhà văn Khuất Quang Thụy mới nhỏ nhẹ bảo: “May cho Khai đấy! Chú Hinh là lính Trường Sơn ngày trước rất mê văn chương. Lính viết văn ở đơn vị không phải ai cũng được cấp trên hiểu cho đâu. Đi rồi các chú sẽ chỉ bảo thêm cho”.

Kể từ đó, một mạch tới hôm nay, đã gần ba mươi năm, tuyệt nhiên nhà văn Khuất Quang Thụy không dạy dỗ tôi bất kỳ một chiêu trò sáng tác văn chương nào. Ông đọc, biên tập, chấm giải các tác phẩm của tôi nhưng chỉ bảo cách thức viết văn thì nhất định không. Ông thường nói sự viết là của mỗi người, không ai chỉ bảo cho ai được. Cứ thế mà sống cho tốt, cho tử tế. Cứ từ từ mà viết ắt sẽ dò tới ngọn nguồn. Văn chương không ồn ào náo nhiệt được đâu, càng không cầm tay chỉ việc được đâu.

Nhà văn Khuất Quang Thụy (thứ 4 từ trái qua).

Cánh nhà văn trẻ chúng tôi chả biết làm gì đành chỉ nhìn lứa các ông: Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy sống và viết mà lặng lẽ cầm bút. Viết tất cả các thứ chứ riêng gì văn chương. Dù là một mẩu tin hay những bút ký cũng bị chữa be bét đỏ rực mặt giấy. Tôi còn nhớ như in sau khi đi trại viết dưới sự ưu ái của Trung tướng Lê Hai - khi đó là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho phép tôi lựa chọn về Truyền hình Quân đội nhân dân, Báo Quân đội nhân dân hoặc Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tôi như đứng giữa ngã ba đường cũng chính là lúc nhà văn Khuất Quang Thụy bảo: “Khai hãy về Truyền hình có điều kiện để nuôi vợ con. Văn chương là câu chuyện dài rồi dần dần sẽ tính. Mười năm nữa sang Văn nghệ quân đội cũng chưa muộn”.

Tôi theo lời khuyên của ông về Truyền hình đúng mười năm. Ở đó, tôi được nhà văn Chi Phan như một người cha chỉ bảo tận tình. Các ông dẫn dắt từng chút đam mê để tôi có nghiệp văn bút như hôm nay. Tôi thành nghề trong tận đáy lòng đều vô cùng cảm ơn các ông, những người lính chiến từ chiến trường ra với trí tuệ và niềm tin, nhất là ngòi bút sắc sảo và trái tim ấm nóng của mình đã trao truyền ngọn lửa để chúng tôi trưởng thành.

Với nhà văn Khuất Quang Thụy, ông vẫn như xưa, viết thì sâu sắc mà nói thì thật thà hạt lúa củ khoai. Nhưng hạt gạo đồng làng có chỗ đứng riêng không thể nào thay thế được. Hôm gần đây, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong buổi giới thiệu sách “Người Thầy” tại Thư viện Quốc gia đã mời tôi và ông làm diễn giả cuộc tọa đàm. Khuất Quang Thụy bảo: “Khai nói là chính nhé. Nói cho hay vào. Dạo này cậu nói năng hoạt bát đấy”. Tôi mỉm cười tuân theo mệnh lệnh nhà văn không bởi muốn nổi trội gì mà thực ra tôi đang thèm nói những điều định nói về thế hệ các ông, về những khuất khúc, hy sinh muôn trùng để lứa chúng tôi có được đời sống thanh bình hôm nay. Buổi đó, tôi đã nhiều lần dành từ “biết ơn” gửi tới thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và cả các bậc tiên hiền, đến các bậc thời Duy Tân, Đông Du với biết bao máu xương của người đã khuất.

Nhà văn Khuất Quang Thụy là một tấm gương về sự viết. Tôi từng là người biên tập và in cuốn sách “Tình báo không phải là nghề của tôi” của ông cách đây đã hơn chục năm về nhân vật chính: Thiếu tướng Đặng Trần Đức - ông Ba Quốc - nhà tình báo chiến lược lừng danh. Ngồi bên, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói: “Anh Thụy ơi! Anh sớm tái bản cuốn trên nhé. Anh còn một cuốn nữa viết về ông Sáu Chí cũng phải in ra thôi anh ạ. Các cụ sắp mất hết cả rồi”.

Khi ấy, tôi mới biết Khuất Quang Thụy còn rất nhiều bản thảo viết xong cứ niêm phong ở đấy theo mệnh lệnh cấp trên mà hoàn toàn chưa xuất bản. Trong khi đó đôi lúc chúng tôi viết chưa xong đã rêu rao làm mình làm mẩy thật hổ thẹn. Các ông là như vậy. Các ông chỉ muốn cho đi, muốn nâng lên, muốn dành chính cuộc đời mình làm gương để chúng tôi soi vào mà không phải lúc nào đám đàn em cũng hiểu cho.

Nhà văn Khuất Quang Thụy nhiều năm đảm đương cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hội Nhà văn, Tổng biên tập báo Văn nghệ. Công việc lút đầu. Có không ít lúc ung đầu với giới văn bút lúc nào cũng sôi sùng sục, cả những thị phi, áp đặt… mà không hiểu sao ông vẫn bình tĩnh và an nhiên cầm bút viết ra những dòng văn. Điều này có không ít lúc là ẩn sổ không chỉ với người cầm bút.

Ít ai ngờ, Khuất Quang Thụy từng làm thơ trước khi viết văn. Thơ ông cũng không phải dạng vừa đâu, song, ông đã sớm lựa chọn cho mình con đường tiểu thu-yết, con đường “cục gạch”. Ngay cả cái truyện ngắn “Anh Sức” đạt giải Văn nghệ quân đội đã cho thấy gã “thợ cày”, “thợ đấu” nhất định phải tạo ra những “cục gạch” mới phỉ chí nam nhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sống và viết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO