Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Người ta chưa biết đến mình, làm sao có thể trao vương miện

Minh Hải (ghi) 01/05/2022 06:18

Góp thêm ý kiến cho chủ đề "Văn chương Việt & giấc mơ Nobel", nhà văn Nguyễn Đình Tú cho rằng: Với tư cách là một nhà văn, tôi không quan tâm nhiều đến giải thưởng Nobel, mặc dù tôi rất thích đọc các tác phẩm đoạt giải. Nhưng theo tôi, văn chương Việt còn khá xa với giải thưởng này.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

Với tư cách là một nhà văn, tôi không quan tâm nhiều đến giải thưởng Nobel, mặc dù tôi rất thích đọc các tác phẩm đoạt giải. Nhưng theo tôi, văn chương Việt còn khá xa với giải thưởng này. Thứ nhất, nó là giải thưởng không dành cho ngôn ngữ của Việt Nam, mà thứ ngôn ngữ dành cho Viện Hàn lâm Thụy Điển đọc.

Cho nên văn chương của mình rất hay, nhưng chưa chắc chuyển ngữ thì các vị ở Viện Hàn lâm Thụy Điển đã thấy là hay. Văn chương dân tộc tính rất cao, liên quan tới chuyển ngữ, để người đọc thấy cái hay ho của họ là rất khó. Cho nên chờ một tác phẩm văn chương Việt Nam chuyển ngữ để Viện Hàn lâm Thụy Điển người ta thấy là hay là điều xa vời. Vậy nên các nhà văn sáng tác tiếng Việt hy vọng đoạt giải là quá xa vời.

Thứ hai, tôi thấy văn học Việt Nam ít tài năng lớn, chúng ta chưa có nhà văn tầm khu vực. Nói cách khác, trong tầm khu vực cũng chưa ghi nhận tầm vóc của văn học Việt Nam. Cho nên không nghĩ tới các giải lớn, chỉ các giải nhỏ của thế giới như Man Booker hay Goncourt đã khó rồi. Vì nó nằm ở tương lai rất xa.

Trước hết, mình cần phải quảng bá văn chương Việt ra nước ngoài. Đây là bước đầu để thế giới biết đến văn chương Việt. Cái này Hội Nhà văn Việt Nam rất nỗ lực. Nhưng có vẻ chúng ta làm chưa đúng cách. Có lẽ là phải có cách làm khác.

Tôi cho rằng, Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý Nhà nước cần có một chiến lược để làm việc với các đại sứ quán nước ngoài, Công ty sách nước ngoài, nhà xuất bản nước ngoài… Chúng ta có thể ban đầu là quảng bá với tình hữu hảo, sau đó mới tính đến thương mại. Nếu mà thương mại ngay thì rất khó. Cần đến cơ quan Nhà nước, tổ chức hội đoàn ở chỗ là chúng ta bằng một cách nào đó để đưa văn chương ra thế giới.

Cho nên, rất cần một cơ quan, tổ chức và cần có một đội ngũ những người tâm huyết về việc này, như vậy mới thay đổi được tình hình quảng bá văn chương ra nước ngoài. Hiện nay tôi thấy cách làm hết sức manh mún, Hội Nhà văn thì không đủ sức, thi thoảng cũng làm những cuộc quảng bá văn học Việt ra nước ngoài rất rầm rộ, nhưng tôi thấy không hiệu quả. Theo tôi, quảng bá không chỉ văn học, mà đó còn là nghệ thuật, phim ảnh, hội họa… phải có những cơ quan thẩm quyền, những con người tâm huyết thật giỏi về việc này.

Đưa văn học Việt ra nước ngoài đi đã, để độc giả nước ngoài biết tới văn chương Việt, lúc đó chúng ta hãy tính tới câu chuyện giải thưởng. Người ta chưa biết đến mình, thì người ta làm sao có thể trao cho mình vương miện.

VĂN CHƯƠNG VIỆT & GIẤC MƠ NOBEL

Không phải tới nay câu hỏi bao giờ giải Nobel văn chương gọi tên một tác giả Việt Nam mới được đặt ra. Từ lâu, đây đã là khát vọng, hoặc nằm trong suy nghĩ của nhiều người cầm bút, và là chủ đề thường được đem ra bàn luận ở nơi này, nơi khác. Cũng có những lúc cao hứng, có người mạnh mẽ bảo cuốn này, tác giả kia xứng đáng đề cử giải Nobel! Thế nhưng, tất cả chỉ là những ý kiến... nói cho vui.

Chỉ tới gần đây, câu chuyện văn chương Việt “lỡ hẹn” với giải Nobel danh giá mới chính thức được thảo luận. Bởi Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đã nhận được bức thư từ Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển với nội dung đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét giải Nobel Văn chương năm 2022. Tuy nhiên, bức thư đã đến muộn. Và Hội Nhà văn Việt Nam đã không kịp đề cử ứng viên nào.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Nhiều người bình tĩnh hơn. Trong số những người bình tĩnh này, có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người trực tiếp nhận được bức thư trên. “Tôi không tiếc nuối về chuyện vuột mất cơ hội đề cử lần này. Nếu nhận đúng ngày, đúng giờ, Hội chưa chắc chọn được đề cử xứng đáng để giới thiệu. Cần nhìn thẳng vào thực tế rằng nền văn chương Việt Nam, các tác phẩm, tác giả chưa hội tụ các yếu tố để đáp ứng với yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng, việc chọn lựa càng khó khăn. Điều quan trọng là phải ý thức được nền văn học đang ở đâu, mang tầm cỡ nào để củng cố, xây dựng, phát triển”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Chuyên đề Tinh hoa Việt kỳ này đã gặp gỡ, trò chuyện thêm với một số nhà văn, nhà phê bình văn học, để có cái nhìn đa chiều hơn về vị trí của văn chương Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Người ta chưa biết đến mình, làm sao có thể trao vương miện