Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tác phẩm của ta chỉ hay theo cách ‘mẹ hát con khen hay’

Hải Nhi (thực hiện) 01/05/2022 06:16

Nhà văn Trung Trung Đỉnh với ý kiến tham gia chuyên đề Tinh hoa Việt quanh chủ đề: Văn học Việt & giấc mơ Nobel. Ông cho rằng: Nhiều tác giả, tác phẩm của ta khá giỏi, khá hay, nhưng chỉ hay, chỉ giỏi theo cách “mẹ hát con khen hay” thôi.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.

PV: Thưa ông, mới đây, lần đầu tiên, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được bức thư mời đề cử ứng viên tham dự xét giải từ Ủy ban Nobel, nhưng khi thư đến tay, thời hạn gửi đề cử đã trôi qua hơn 2 tuần. Có ý kiến tỏ ra tiếc nuối, cho rằng chúng ta đã hụt đề cử giải văn chương danh giá nhất thế giới. Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà văn TRUNG TRUNG ĐỈNH: Tôi xin lỗi, vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện văn chương đương đại của ta lại phải nuối tiếc vì “lỡ cơ hội đề cử tác phẩm dự giải Nobel văn chương 2022”. Không phải tôi tự ti về văn học đương đại của ta, theo cách nghĩ chủ quan của mình.

Sau 1975, lứa chúng tôi mới có sách đoạt giải Nobel in ở miền Nam đọc. Trước đó ở miền Bắc hiếm lắm. Về giải Nobel văn chương cả thế giới chỉ chọn được một người thì sót là chuyện thường, nhưng chọn nhầm thì không.

Thưa nhà văn, thời gian qua có nhiều tác phẩm văn học của ta gây tiếng vang, và cũng có không ít tác phẩm được dịch ra tiếng Anh, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản…

- Nhiều tác giả, tác phẩm của ta khá giỏi, khá hay, nhưng chỉ hay, chỉ giỏi theo cách “mẹ hát con khen hay” thôi. Thật đấy. Mà ta chưa quảng bá ra ngoài được do nhiều lý do, lý do hàng đầu là chưa dịch được sang tiếng Anh, nên không quảng bá rộng rãi đươc.

Nhiều tác giả tự viết hay thuê người dịch tác phẩm của mình sang tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác, nhưng lại không gây được tiếng vang trong họ, giống như hàng ta xuất ngoại theo kiểu đi “tiểu ngạch” ấy mà.

Lâu nay tôi chỉ thấy cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh là được nhiều nước dịch, in và quảng bá nhiều, nhưng hình như có chuyện gì về vấn đề giữa sự thống nhất bản dịch, cách dịch và các công đoạn sau xuất bản của các nhà làm sách…

Theo ông, khi nào Việt Nam sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel?

- Tôi làm sao mà dự kiến được? (cười) Vài thế hệ nữa sẽ có mà, nóng vội mong mỏi thì là chính đáng, nhưng không phải nôn nóng mà thành.

Trân trọng cảm ơn ông!

VĂN CHƯƠNG VIỆT & GIẤC MƠ NOBEL

Không phải tới nay câu hỏi bao giờ giải Nobel văn chương gọi tên một tác giả Việt Nam mới được đặt ra. Từ lâu, đây đã là khát vọng, hoặc nằm trong suy nghĩ của nhiều người cầm bút, và là chủ đề thường được đem ra bàn luận ở nơi này, nơi khác. Cũng có những lúc cao hứng, có người mạnh mẽ bảo cuốn này, tác giả kia xứng đáng đề cử giải Nobel! Thế nhưng, tất cả chỉ là những ý kiến... nói cho vui.

Chỉ tới gần đây, câu chuyện văn chương Việt “lỡ hẹn” với giải Nobel danh giá mới chính thức được thảo luận. Bởi Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đã nhận được bức thư từ Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển với nội dung đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét giải Nobel Văn chương năm 2022. Tuy nhiên, bức thư đã đến muộn. Và Hội Nhà văn Việt Nam đã không kịp đề cử ứng viên nào.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Nhiều người bình tĩnh hơn. Trong số những người bình tĩnh này, có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người trực tiếp nhận được bức thư trên. “Tôi không tiếc nuối về chuyện vuột mất cơ hội đề cử lần này. Nếu nhận đúng ngày, đúng giờ, Hội chưa chắc chọn được đề cử xứng đáng để giới thiệu. Cần nhìn thẳng vào thực tế rằng nền văn chương Việt Nam, các tác phẩm, tác giả chưa hội tụ các yếu tố để đáp ứng với yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng, việc chọn lựa càng khó khăn. Điều quan trọng là phải ý thức được nền văn học đang ở đâu, mang tầm cỡ nào để củng cố, xây dựng, phát triển”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Chuyên đề Tinh hoa Việt kỳ này đã gặp gỡ, trò chuyện thêm với một số nhà văn, nhà phê bình văn học, để có cái nhìn đa chiều hơn về vị trí của văn chương Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Trung Trung Đỉnh: Tác phẩm của ta chỉ hay theo cách ‘mẹ hát con khen hay’