Nhập ngũ năm 1968, đến mùa Xuân năm 1975, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã đón 9 lần Tết nơi chiến trường. Từ trang viết đến đời thường, nhà văn Trung Trung Đỉnh giờ vẫn mang vẻ ngơ ngác của một anh lính còn trong trạng thái “lạc rừng”, thoát khỏi bom đạn vì “may mắn”, với những ký ức Xuân xưa không thể nào quên…
Năm 1968, khi mới 19 tuổi, tôi đang học phổ thông. Hồi ấy chiến tranh đang ác liệt cả hai miền. Lứa chúng tôi học không yên. Tháng nào cũng phải đi khám nghĩa vụ quân sự, hết đợt này sang đợt khác. Tôi có 39 kg, không làm sao thêm cân cho đủ 40, nên tụt đi tụt lại. Cuối cùng mệt mỏi quá, học hành thì lôm côm, đến đợt khám nghĩa vụ quân sự sau, mượn cái quần phăng rộng thùng thình của ông anh (đã đi bộ đội, đã vào Nam), tôi liền cho vô túi quần đầy hai túi đá dăm. Thế là được 42 kg. Đỗ luôn. Được nhập ngũ. Đi là đi.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh hồi tưởng ký ức đời lính xưa.
19 tuổi, còn học phổ thông, dù chỉ mong được nhập ngũ, nhưng hẳn nhiên việc làm quen với cuộc sống quân trường không tránh khỏi những khó khăn. Thời gian ban đầu ấy của ông đã diễn ra như thế nào?
- Thời gian đầu tiên chúng tôi được đưa lên Yên Tử, đi bộ, leo dốc, được huấn luyện mấy tháng, ăn cơm gạo hẩm, thịt đa số là đã ôi thiu, nhưng vì trẻ khỏe, chúng tôi vẫn chén bay. Các bạn tôi là nông dân, đi bộ đội được ăn no, lên cân kinh khủng. Tôi thì vẫn gầy như trước, nên các bạn gọi là Đỉnh “còi”. Tôi sức yếu, nên được các bạn không bắt làm nặng, bù lại tôi giỏi viết bài cho báo tường Trung đội, đại đội, kể cả vẽ vời, làm thơ, viết vè, viết tấu, viết ca dao… Vì thế, các bạn phục tôi sát đất, còn nhờ tôi viết hộ. Tôi viết báo cho các bạn, mỗi bài, các bạn phải giặt cho tôi một bộ quần áo hoặc lấy cho tôi một vác củi nghĩa vụ. Tóm lại là đổi công. Sau, Chính trị viên đại đội bắt được, đưa tôi ra kiểm điểm trước đại đội vì “bóc lột” anh em đồng chí đồng đội. Giờ nghĩ lại vừa buồn cười mà vừa lại thấy hay phết! (cười)
Mùa Xuân đầu tiên của ông nơi chiến trường ra sao?
- Mùa Xuân đầu tiên đến khi tôi cùng đơn vị hành quân vào đến khu vực Tây Quảng Nam. Đang hành quân thì tôi bị sốt rét, phải đưa vào bệnh viên 559. Nằm viện đâu được dăm bữa thì Tết. Tết, đơn vị của tôi bị bom B52, tất cả chúng tôi tan tác. Ai may mắn không bị trúng bom, còn sống được thì tập trung lại với nhau rồi lại tiếp tục hành quân. Cánh lính thu dung chúng tôi khi ấy còn lại 5 anh em, không có chỉ huy, tụ tập ngồi trong một cái lán rách của trại tiếp đón quân khu. Khi ấy, đang bàn luận sôi nổi về các bữa chén thịnh soạn ngày trước, bỗng thấy có một người cao lớn, trạc trên ba mươi tuổi, mặc quần đùi, áo may ô, đeo một chiếc ba lô dù khá nặng, trên thắt lưng Mỹ đeo đủ bộ: Súng ngắn K59 (loại súng báo cho chúng tôi biết đây là cán bộ to) bi đông Mỹ, túi võng dù, túi cơm nắm, dao găm, lựu đạn US tròn vo, thêm nữa, bên cạnh ông là một cậu công vụ cũng cao to, tóc xoăn tít, da đen bóng, cởi trần, mặc quần đùi, vai khoác AK và đeo một cái bồng khá nặng. Anh ta đứng trên một ụ mối, tự xưng là tham mưu trưởng tỉnh đội Gia Lai, rồi cầm cái ba tong khua khua mấy rồi hô lớn:
Gia Lai gạo trắng nước trong, đứa nào thích thì theo anh.
- Thế là cánh lính thu dung chúng tôi vây quanh, rồi theo anh ta hành quân bộ về Gia Lai. Hành quân đói khổ hơn một tháng trời thì về đến một khoảng rừng già, toàn một giống cây dừa nhưng không phải là dừa, về sau biết đó là cây đák, cổ hũ của cây phình to, người ta đục ra, cho men rượu luồn ống nứa vào, một hai tháng sau là có rượu ngọt ngon uống.
Dọc đường, chúng tôi gặp một tốp dân công vài ba chục người gùi thịt đi ngược chiều, nhờ thế, có mấy cục thịt nướng rất ngon để ăn, và cả rượu uống. Thú thực từ thủa bé, tôi chưa bao giờ tôi được ăn những miếng thịt ngon dường ấy.
Vậy là cuộc hành quân đó mất đến một tháng?
- Theo anh tham mưu trưởng tỉnh đội về đến trạm của tỉnh Gia Lai, bọn tôi gặp một tốp đồng bào dân tộc đi gùi thịt voi. Họ bảo chúng tôi đi theo họ lấy thịt. Thế là theo. Về đến đơn vị thấy anh em cũng rủ nhau đi gùi thịt tiếp. Mừng quá, anh em hồ hởi kéo nhau đi gùi thịt về ăn.
Từ sau đó là liên miên đi đánh khi phục đánh đường (Đường 19). Khi đường Hoàng Hoa Thám - con đường đất nội bộ quanh An Khê, nối giữa An Khê với các đồn dân vệ quanh đó. Rồi đi bắn ống dầu - ống dầu của Mỹ dẫn từ sân bay ra các đồn lân cận.
Nói chung là tôi theo du kích BahNar, và sống chung với đội du kích mấy làng dân tộc quanh núi Hảnh Hót, núi Hòn Koong, núi quanh chân đèo An Khê bây giờ. Chúng tôi hóa thành du kích, thành đồng bào. Ăn ngủ, đánh địch chung với dân… Tóm lại là chui lủi, phục kích, bụp cẹt, chạy và chạy. Sống hoàn toàn nhờ số may là chính. Đợt chúng tôi theo ông Điểm -Tham mưu trưởng tỉnh đội về có chừng 25 người. Sau giải phóng tan tác khắp nơi, còn sót lại 3 người. Sau này tìm kiếm gom các anh cùng đơn vị cũ nhưng mỗi người một thời một nơi được một hội "đồng hương" bây giờ còn 5. Số cùng đợt về huyện đội K8 với một lượt ấy thì giờ chúng tôi đều thành ba lão già.
Kể từ mùa Xuân đầu tiên ấy, ông đã trải qua bao nhiêu mùa Xuân ở chiến trường?
- Tôi ở chiến trường từ 1968 đến 1975 thì là bấy nhiêu mùa xuân. Đánh nhau trực tiếp thì mất khoảng 4 năm. Sau mấy năm, tôi bị thương được điều về phía sau làm ở đội tuyên truyền văn hoá tỉnh đội. Về đây thì cõng gùi, làm rẫy còng lưng, nhưng không chết trận vì ở tuyến sau…
Những mùa Xuân nào đáng nhớ nhất với ông?
- Mùa xuân những năm 1970, 1971, 1972, và 1973 là liên miên ác liệt. Đói, thiếu muối và sốt rét kinh khủng. Tôi không thể kể hết được
Còn mùa Xuân cuối cùng của ông nơi chiến trường thì sao?
- Sau ngày 30/4 năm 1975 thì phải sau 8 tháng tôi và hai đồng chí người dân tộc vẫn còn ở trong rừng với nhiệm vụ đặc biệt là… đi săn… Đi tút lút trong rừng sâu không biết tin gì vì không có thông tin. Mãi sau sốt ruột chúng tôi mò về làng thì mới biết đã giải phóng rồi, đã ăn mừng chiến thắng rồi…
Sau khi rời chiến trường, ông đón mùa Xuân đầu tiên tại gia đình như thế nào?
- Sau năm 1976 tôi mới ra Bắc, cái tết đầu tiên thì tôi còn mẹ. Nói chung nhà tôi tan nát vì cuộc chiến tranh: Một ông anh trai, một ông anh rể mất khi chiến đấu. Một quả bom rơi trúng nhà tôi làm 5 cô thanh niên dân công hộ đê tử nạn trong lúc ngủ ở nhà tôi hôm ấy. Tôi về xác xơ, nhà cửa tan hoang. Bố tôi là một cụ đồ, một người vẽ tranh dân gian nổi tiêng bị mất vì bệnh ung thư năm 1969.…. Thôi, tôi không muốn nói thêm nữa!
Khi ra quân ngũ rồi, trở về với con đường văn chương, ông vẫn tâm niệm về bản chất mình vẫn luôn là người lính?
- Không. Tôi không nghĩ thế đâu. Tôi càng xa cuộc chiến nghĩ lại càng thấy không nên tự hào là một trong những người lính chiến thắng. Mà phải hiểu mình là một người may mắn sống sót sau cuộc chiến tàn khốc. Phải nói thêm là thế này, nhà văn viết về chiến tranh phải là người chống chiến tranh. Tôi rất không muốn vỗ ngực nói thế này thế kia về người lính của thế hệ mình. Xét cho cùng chúng tôi đều là nạn nhân của chiến tranh. Tôi ngay từ những ngày đầu cầm bút đều viết về chiến tranh, về người lính. Nhưng phải viết chân thực và đúng với người lính ấy, hoàn cảnh ấy, chứ không phải người lính ấy là do anh (nhà văn) vẽ ra.
Xin cảm ơn ông, và chúc ông đón một mùa Xuân thật đẹp, đầu tiên sau khi rời chức vụ Giám đốc NXB Hội Nhà văn.