Tinh hoa Việt

Nhà văn Uông Triều: Dấn thân và chấp nhận thiệt thòi

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/12/2023 10:47

Nhà văn Uông Triều từng là giáo viên 10 năm, hiện anh vẫn thỉnh giảng cho khoa Viết văn báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây).

“Tôi nghĩ mình có kỹ năng sư phạm, lăn lộn với nghề viết cũng nhiều vậy nên việc giảng dạy khá thuận tiện. Tôi có kinh nghiệm thực tiễn, lý thuyết cũng như các điều kiện kỹ thuật cần thiết”, nhà văn Uông Triều chia sẻ.

Trên thực tế, khi tiếp xúc với các cây viết trẻ, anh có nhận xét vì về khả năng của họ cũng như chất lượng trên từng trang viết?

nv-uong-trieu-2(1).jpg
Nhà văn Uông Triều.

- Có khoảng 30% học viên đã có kỹ năng viết khá, 40% nữa đã có những trải nghiệm viết và 30% còn lại đam mê và đang có ý định viết. Số đã từng viết thì cần thêm những kỹ thuật cơ bản để việc viết chuyên nghiệp, bài bản hơn.

Viết văn cũng như hội họa, ca hát, điêu khắc... đều cần có những kỹ thuật cơ bản mới làm nghề được. Nếu như chưa được trang bị kiến thức, đa số người viết đều viết rất bản năng, nghĩa là chưa có chiến lược hoặc xác định được con đường của mình, cũng chưa tự tin với những điều mình viết ra. Tất cả học viên đều có đam mê, qua khóa học, rất nhiều học viên đã viết lên tay hẳn, tác phẩm được đăng tải nhiều, giành những giải thưởng văn học.

Khi tác giả trẻ (tuổi đời dưới 40) ngày càng ít ỏi, nhiều tác giả đã không còn tiếp tục viết, chất lượng tác phẩm đang là vấn đề cần được quan tâm… Điều gì sẽ xảy ra, khi văn học trẻ trên đà suy yếu trong khi các thể loại nghệ thuật khác (âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh…) ngày một phát triển và đi ra thế giới? Đâu là giải pháp nhằm đưa văn học trẻ trở về vị trí tiên phong về nghệ thuật tư tưởng?

Việc người đi trước như anh chỉ bảo về việc sáng tác cần thiết như thế nào và trên thực tế chất lượng văn chương đã được cải thiện ra sao?

- Tôi biết ở Việt Nam đa số nhà văn đều viết từ bản năng, tự phát, nghĩa là có năng khiếu là viết luôn, ít khi qua trường lớp.

Điều ấy cũng tốt nhưng nếu được học hỏi, chỉ dẫn những kỹ thuật cơ bản, việc viết sẽ tự tin và tiến bộ hơn nhiều. Tôi ví dụ đa số người viết chưa phân biệt được “tả” và “kể”, “điểm nhìn trần thuật” mà đấy là những kỹ thuật rất cơ bản của văn xuôi. Nắm được các kỹ thuật cơ bản, người viết sẽ tự tin, đánh giá được tác phẩm của mình và đồng nghiệp.

Các bạn được học qua kỹ thuật cơ bản và được chữa bài đã tiến bộ lên nhiều, bằng chứng là tỉ lệ thành công của bản thảo đã tăng lên và sự đón nhận của độc giả cũng tốt hơn. Tôi nghĩ nhiều học viên sẽ tiến được rất xa trên con đường của mình.

Anh có nắm bắt được tâm tư các bạn trẻ, vì sao muốn đi vào con đường sáng tác? Sức bền và khả năng trụ lại với nghề?

- Khoảng 30% bạn viết muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, phần còn lại viết như sở thích và đam mê và giải tỏa tinh thần. Văn chương nếu có tài năng và kỹ thuật cũng là một nghề có thể sống và có danh tiếng. Tôi nghĩ 1/3 các bạn ấy có thể đi được đường dài, số còn lại viết mang đến niềm vui và phấn khởi cũng như là dư vị thú vị trong một đời sống quá bận rộn và khắc nghiệt.

Thực tế, văn chương không thể kiếm danh, mà càng không phải là công việc kiếm tiền, trong khi lao động chữ nghĩa thì nhọc nhằn và mất thời gian lớn, với đầu óc thực tế như các bạn trẻ thế hệ 9x, 2k, đây có phải là vấn đề để các bạn không muốn dấn thân vào con đường sáng tác?

- Đúng là bây giờ đầu tư vào văn chương là khá mạo hiểm vì nó ít mang lại tiền bạc hay danh tiếng. Nhưng công bằng mà nói, nó cũng là một nghề như nhiều nghề khác.

Những người viết để theo nghiệp khá ít, đa số họ có một nghề khác để sống, họ viết văn để cải thiện thêm đời sống hoặc coi đó là sở thích, thú vui, không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Những người quyết tâm chỉ sống chết với văn chương rất hiếm bởi đơn giản nó khó nuôi sống họ. Người trẻ họ rất thực tế, vậy nên văn chương luôn là sự lựa chọn rất đặc biệt, dấn thân và chấp nhận thiệt thòi.

Điều gì sẽ xảy ra, khi văn học trẻ trên đà suy yếu trong khi các thể loại nghệ thuật khác (âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh…) ngày một phát triển và đi ra thế giới?

- Đúng là sự đầu tư vào nghề viết cũng như giá trị của văn chương so với các bộ môn nghệ thuật khác khá thấp, ví dụ so với điện ảnh, hội họa, âm nhạc. Nó sẽ là sự mất cân bằng rất lớn vì văn chương là một môn nghệ thuật rất cơ bản, nó liên quan đến ngôn ngữ dân tộc, tâm hồn và tư tưởng nữa.

Dù có đánh giá thế nào thì không thể phủ nhận văn học là một trong những trụ cột của văn hóa nghệ thuật, là nơi nuôi dưỡng tinh thần, ngôn ngữ và tư tưởng của cả một dân tộc. Nếu xem nhẹ nó thì một đất nước không thể coi là có nền văn hóa phát triển và có ảnh hưởng được.

Theo anh, đâu là giải pháp nhằm đưa văn học trẻ trở về vị trí tiên phong về nghệ thuật tư tưởng?

- Với văn học tôi thấy sự đầu tư khá manh mún, không đồng bộ nếu so sánh giữa các địa phương, vùng miền và cả quy mô quốc gia. Văn học được trả thù lao thấp, ví dụ nếu so sánh một truyện ngắn hay với một bài hát được diễn trên sân khấu thì nhuận bút của truyện ngắn quá thấp.

Nói gì thì nói, giá trị vật chất rất quan trọng để người viết có thể dựa vào đó một phần để sống. Sự đầu tư của Nhà nước là cần vì đây là hoạt động đặc thù, đặc biệt qua chân rết từ các hội đoàn nghề, từ địa phương. Người ta bỏ ra hàng nghìn tỉ cho những công trình hoang phí nhưng chi rất nhỏ giọt cho văn học. Thêm nữa, cần có chiến lược quốc gia cho văn học và cần thật cụ thể và thiết thực chứ không chỉ kêu gọi chung chung.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Uông Triều: Dấn thân và chấp nhận thiệt thòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO