Hà Nội đang trong những ngày Lễ hội Thiết kế sáng tạo. Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu… đã được “đánh thức” bằng nhiều hoạt động hấp dẫn; tạo ra sức hút đặc biệt với người dân, du khách.
Đánh thức kho xưởng “say ngủ”
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức từ ngày 17 đến ngày 26/11, với nhiều nội dung, hoạt động. Trọng tâm hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là ứng xử với những di sản công nghiệp.
Trong đó, triển lãm kiến trúc vừa đóng vai trò là công trình điểm nhấn mang tính biểu tượng cho Lễ hội, vừa truyền đi thông điệp: Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp. Từ đó giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.
Tháp nước Hàng Đậu với những trưng bày “Sắp đặt nước và Di sản”. Là một không gian nghệ thuật đặc sắc, được làm từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước trong tự nhiên rất độc đáo.
Tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, diễn ra nhiều hoạt động đan xen giữa khai phá tài liệu lịch sử về những di sản công nghiệp hoạt động trên mảnh đất Hà Nội. Các hoạt động nghệ thuật, của cộng đồng với chủ đề “Dòng chảy” tại đây là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với nhiều hoạt động nghệ thuật, sẽ đem đến ý tưởng cho việc tái thiết những di sản công nghiệp thành những không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hoá - xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, “Lễ hội lần này chúng tôi muốn gợi mở di sản công nghiệp. Đây là di sản chưa được đưa vào những quy định của pháp luật. Các hoạt động sẽ thổi hồn vào những không gian đó và mong muốn sau này sẽ là những sản phẩm sáng tạo cho cộng đồng ở xung quanh và được kết nối bằng những tinh hoa di sản cũng như những sáng tạo của Thủ đô trong nhiều năm qua để lại”.
Sức hút đặc biệt với người dân
Lễ hội đã biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hoá nhiều sáng tạo. Đây cũng là cơ hội, tiền đề để tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.
Những ngày diễn ra Lễ hội, tại hai địa điểm là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đã thu hút được đông đảo nhân dân tới tham quan để tìm hiểu về di sản công nghiệp mang dấu ấn một thời.
Tại khu vực Tháp nước Hàng Đậu, người dân xếp thành những hàng dài, ai cũng háo hức chờ đến lượt vào tham quan. Ông Nguyễn Kim Hùng, trú tại phố Hồng Phúc (phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình) chia sẻ: Việc Tháp nước Hàng Đậu trở thành một không gian văn hóa và mở cửa để người dân vào thăm quan là việc rất tốt. Hiện nay người dân, nhất là lớp trẻ cần phải biết một số tồn tại từ thời xưa đến bây giờ, được xây dựng trên Thủ đô.
Những cơ sở công nghiệp cũ kỹ này không chỉ nhận được sự quan tâm của những người lớn tuổi mà còn có một lực hấp dẫn đặc biệt đối với giới trẻ. Tất cả đều chung tâm trạng háo hức và tò mò khi đứng xếp hàng chờ đến lượt vào tham quan.
Anh Lại Minh Nhật (trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, mấy hôm trước, khi đọc được tin tháp nước Hàng Đậu có sự kiện mở cửa tham quan, đã rất muốn đến ngay để được vào xem.
“Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên mình thấy tháp nước Hàng Đậu được đầu tư và trở thành không gian văn hóa sáng tạo nên thu hút được nhiều bạn trẻ đến để tìm hiểu. Mình thấy những nhà máy cũ sau di dời mà có giá trị, dấu ấn được đưa vào khai thác góc độ văn hóa, cho người dân vào tham quan là điều rất là hay. Mình hi vọng sẽ tiếp tục có nhiều các hoạt động tôn vinh nền sáng tạo thiết kế và những di sản công nghiệp ở những nhà máy cũ” - anh Hạ chia sẻ.
Không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, trên nền những phân xưởng sản xuất - nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua, là những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật đã tạo được sự thích thú đối với người xem. Dịp này, người dân còn có cơ hội tham quan và tìm hiểu về lịch sử của ngành đường sắt Việt Nam.
Chị Vũ Thu Huyền (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã rất bất ngờ khi đến tham quan Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu trong dịp này.
“Tôi không nghĩ bên trong tháp nước Hàng Đậu, bị bỏ quên đã lâu hay một nhà máy như bao nhà xưởng khác là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, lại có nhiều điều thú vị để khám phá đến vậy. Đến tháp nước Hàng Đậu, tôi được tìm hiểu lại lịch sử, những sự kiện gắn liền với nó và đặc biệt là âm thanh và cách sáng tạo bên trong. Còn khi đến với nhà máy xe lửa Gia Lâm, tôi được tham quan các hoạt động triển lãm và đặc biệt được ngắm nhìn những chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên ở nước ta. Đây cũng là cơ hội để hiểu rõ hơn về lịch sử ngành đường sắt. Tôi nghĩ còn nhiều điều thú vị ở đây mà tôi cần khám phá thêm” - chị Huyền chia sẻ.
Theo số liệu thống kê từ Ban Tổ chức, từ ngày 17 - 23/11, tổng lượt khách tham quan tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm là khoảng 8 vạn người; tại tháp nước Hàng Đậu hơn 1 vạn lượt khách.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Lễ hội là sự gợi mở ban đầu. Với ngành văn hóa mong muốn được duy trì các hoạt động cùng với những đơn vị đang quản lý những công nghiệp di sản. Với sự chung tay, cùng nhau khai thác, làm mới và phát triển để hấp dẫn cộng đồng sáng tạo và thu hút những người quan tâm. Từ đó tạo dựng nguồn lực phát triển Thủ đô.
Theo TS.KTS Vương Hải Long - Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 với chủ đề di sản. Đây là chủ đề nóng của mọi đô thị phát triển. Bởi trong quá trình phát triển, có những công trình cũ, tuy không còn giá trị sử dụng, có thể bị lỗi thời. Nhưng ẩn chứa bên trong nó có nhiều giá trị về vật thể và phi vật thể mà chúng ta cần xem xét trước khi xóa bỏ nó đi, ứng xử với nó một cách nhân văn nhất để lưu giữ lại những tiến trình phát triển của đô thị.