Mặt trận

Nhân lên sức mạnh trong đồng bào các dân tộc thiểu số - Bài 1: Động lực để bản làng vươn lên

Nhóm Phóng viên 22/11/2023 10:29

Những ngày tháng 11 này, khắp các bản làng dọc dãy Trường Sơn khu vực miền Trung rộn ràng trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Với đồng bào dân tộc ở nơi biên giới, đây không chỉ là ngày vui, ngày hội mà còn là dịp để thể hiện sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng xây dựng bản làng. Càng ý nghĩa hơn khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã tạo động lực để các bản làng vươn lên.

bai-chinh.jpg
Mùa tuốt lúa rẫy ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Xuân Thi.

Với đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều ở bản Khe Khế, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 mang nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là “mốc son” đánh dấu tròn 20 năm tổ chức Ngày hội mà còn là dịp nhìn lại kết quả của chặng đường dài gần 30 năm kiên trì, nỗ lực xây dựng bản Khe Khế giữa bộn bề khó khăn trở thành bản nông thôn mới.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Hồ Văn Kinh kể rằng, những năm chiến tranh tàn phá ác liệt, đồng bào Bru - Vân Kiều ở bản Khe Khế phải tạm thời rời xa bản để vào xứ Trầm Đòng sinh sống ở giữa đại ngàn Trường Sơn (cũng thuộc địa bàn xã Kim Thủy). Mãi đến năm 1994, những người có uy tín của bản vận động bà con trở lại bản xứ để an cư lạc nghiệp.

Nhớ lại “quyết định” lịch sử khi trở về nơi ở cũ, ông Hồ Tích (63 tuổi), người đầu tiên trở lại bản Khe Khế chia sẻ, với đồng bào Bru - Vân Kiều quen với quy trình làm nương rẫy “chặt, đốt, cốt, trỉa”, khi quay về bản cũ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi động viên nhau “lấy ngắn nuôi dài”, vừa khai hoang vỡ đất vừa phát triển chăn nuôi, trồng rừng theo mô hình vườn, ao, chuồng, rừng… Trải qua thời gian, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các cấp chính quyền thông qua các nguồn vốn, dự án đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng đặc biệt khó khăn; bà con nỗ lực vươn lên thoát nghèo…

Những ngày tháng 11 này, khắp các bản làng của đồng bào Chứt ở huyện Minh Hóa rộn ràng Ngày hội đại đoàn kết. Được ví là bản ở giữa lưng chừng trời, nơi bốn mùa mây bao phủ, bản K-Ai là nơi sinh sống của cộng đồng người Mày, người Sách, người Mã Liềng (dân tộc Chứt, một trong những đồng bào dân tộc thiểu số có số lượng dưới 10.000 người). Trưởng bản K-Ai Cao Xuân Xiêm phấn khởi cho biết, Ngày hội Đại đoàn kết của bản năm 2023 diễn ra ở nơi trang trọng nhất, ngay ở Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt - ngôi nhà to đẹp nhất bản được bàn giao vào những ngày cuối cùng của năm 2022.

Trong Ngày hội Đại đoàn kết năm nay, bà con trong bản ai cũng diện những bộ trang phục đẹp nhất, biểu diễn những tiết mục văn nghệ hay nhất. Đặc biệt tại Ngày hội, bên mâm cơm đại đoàn kết, mọi người chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi; động viên nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra hào hứng, lan tỏa sâu rộng, trước đó, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã có hướng dẫn để các khu dân cư ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở khu dân cư. Đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong xây dựng cộng đồng dân cư, đặc biệt là khu dân cư vùng có đông đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống để Ngày hội diễn ra đầm ấm.

Thực hiện chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; cùng với nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, gần đây là Chương trình MTQG 1719... tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS.

Theo ông Phan Công Khánh - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Bình giai đoạn 2021-2025 là 1.757,5 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 1.598 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ cho 10 dự án đảm bảo đúng tỷ lệ quy định. Năm 2023, nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình hơn 433 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào DTTS xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục… nhằm mục đích nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi ở trên địa bàn tỉnh.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các bản làng vùng đồng bào DTTS ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, nhiều mô hình sinh kế, những công trình mới đã được hỗ trợ, dựng xây từng bước góp phần thay đổi diện mạo nhiều bản làng, chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi được nâng cao.

Trọng Hóa là xã biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa. Với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, Trọng Hóa là nơi sinh sống của hơn 900 hộ với gần 4.500 nhân khẩu là đồng bào DTTS, trong đó đồng bào dân tộc Chứt chiếm phần lớn. Từ nguồn của Chương trình MTQG 1719, xã Trọng Hóa đã phân bổ hơn 1,2 tỷ đồng cho việc chi hỗ trợ khoán bảo vệ rừng trong thời gian dài; đồng thời hỗ trợ và khuyến khích người dân trồng rừng bằng các giống cây rừng bản địa, như lim, trắc, trầm dó, trám… Hiện trên địa bàn xã đã có nhiều hộ đồng bào trồng rừng bằng giống cây bản địa, bước đầu cây phát triển tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS ở xã Trọng Hóa, Chương trình MTQG 1719 đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình như cải tạo phòng học, khuôn viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS số 2 Trọng hóa tại bản Dộ - Tà Vờng; xây dựng Nhà văn hóa bản La Trọng 1; đầu tư nguồn vốn để làm nhà ở cho 27 hộ đồng bào dân tộc Chứt sinh sống trên địa bàn xã.

Ông Hồ Phin - Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết, từ nguồn đầu tư của Chương trình MTQG 1719 nhiều mô hình sinh kế đã và đang được triển khai ở Trọng Hóa, giúp đồng bào ở các bản ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Có thể khẳng định, Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực để các bản làng ở Trọng Hóa và các địa phương khác từng bước đổi thay.

Bà Phạm Thị Hân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cho biết, tháng 9/2023, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại 3 xã và 3 huyện, đồng thời giám sát qua báo cáo tại 2 huyện về thực hiện chính sách “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” (Dự án 1) Chương trình MTQG 1719. Kết quả giám sát đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lên sức mạnh trong đồng bào các dân tộc thiểu số - Bài 1: Động lực để bản làng vươn lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO