Doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động có những kỹ năng phù hợp với đổi mới sáng tạo.
Loay hoay tìm nhân lực
Vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nút thắt Việt Nam cần sớm tháo gỡ để có thể đẩy mạnh hút dòng vốn chất lượng cao. Hiện có hơn 50 doanh nghiệp(DN) FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao nhiều nhất.
Đáng chú ý, hiện đang có những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới…, nhưng thực tế triển khai lại đứng trước thách thức rất lớn do thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.
Thực tế trong số 200 DN khởi nghiệp tham gia khảo sát DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2023, kết quả cho thấy, có 44% khẳng định, phải rất vất vả mới có thể tuyển dụng nhân sự có kỹ năng và trình độ phù hợp. Các DN được nhóm của WB phỏng vấn cho biết, sinh viên kỹ thuật và khoa học máy tính thường được tuyển dụng trước khi nhận bằng do cạnh tranh ngày càng cao để có được kỹ năng của họ.
Nhiều DN FDI cho hay, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định đặt hay dịch chuyển căn cứ của các tập đoàn đa quốc gia. Chính vì vậy, họ khuyến nghị nhà quản lý cần có kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm.
Được đánh giá là một trong các “cứ điểm” quan trọng của nhiều DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao tuy nhiên, vấn đề mà nhiều DN khi đến Việt Nam đầu tư còn băn khoăn chính là mức độ đáp ứng về nhân lực công nghệ cao.
Ông Chou I Wen - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tổng bộ Foxconn Việt Nam cho biết, hiện các vị trí tuyển dụng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, chỉ có 30% ứng viên đáp ứng được về kỹ năng, kiến thức chuyên môn.
Chú trọng đầu tư nhân lực cho ngành công nghiệp cốt lõi
Đây là nhấn mạnh cũng như đề xuất của đại diện các DN khi đề cập đến vấn đề tìm nguồn nhân lực. Dẫn chứng từ thực tế DN mình, ông Chou I Wen cho biết, để có được nguồn nhân lực đáp ứng với tiêu chuẩn của công ty luôn coi trọng hợp tác giữa nhà trường và DN, thông qua hình thức đặt hàng đào tạo với nhà trường, tăng cường tiếp nhận sinh viên các trường đến thực tập trải nghiệm, cử nhân viên đi đào tạo ở nước ngoài… nhằm nâng cao trình độ cho nhân viên. Nhưng đây chỉ là những giải pháp tạm thời của DN. “Về lâu dài Việt Nam cần triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực và công nhân kỹ thuật chất lượng cao trong các ngành công nghiệp cốt lõi. Đầu tư thêm các cơ sở thực hành… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư công nghệ cao” - ông Chou I Wen đề xuất.
Cũng theo ông Chou I Wen bên cạnh chính sách, trợ lực của Nhà nước rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn, DN, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động.
Nghiên cứu gần đây của WB đã chỉ ra nhu cầu đầu tư vào giáo dục và đào tạo, tập trung vào các ngành nghề tăng trưởng cao và những kỹ năng có nhu cầu, bao gồm cải thiện về dịch vụ định hướng nghề nghiệp nhằm giảm sự lệch pha giữa mong muốn của người lao động và yêu cầu của các ngành nghề tăng trưởng cao, nhất là đối với người lao động có kỹ năng trung bình. Ngoài ra một nhu cầu nữa là tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cập nhật và thân thiện với người dùng về thị trường lao động bên cạnh những can thiệp nhằm định hướng người lao động sang những lĩnh vực ngành nghề đang tăng trưởng.
WB cũng cho rằng, năng lực của hệ thống giáo dục sau phổ thông của Việt Nam còn hạn chế trong việc gây dựng lực lượng lao động có kỹ năng cao. Trong thập kỷ qua, số lượng nhập học sau phổ thông đã ổn định ở mức khoảng 2 triệu sinh viên, và tỷ lệ theo học các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) được duy trì ở mức khoảng 35% tổng số lượng nhập học.
Về giải pháp, TS Nguyễn Trung Hiếu (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) cho rằng, cần nghiên cứu tổ chức tối thiểu 3 trung tâm nghiên cứu công nghệ cao, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Đồng thời xây dựng chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu, lập và phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vi mạch bán dẫn ở Việt Nam; chính sách hỗ trợ trường đại học đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia phục vụ đào tạo, nghiên cứu; chính sách về học bổng, học phí, ưu đãi tín dụng và các chính sách khác thúc đẩy người học quan tâm, kiên trì theo đuổi lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.