Lần đầu tiên nhân viên tư vấn học sinh được đưa vào danh sách vị trí việc làm, kỳ vọng sẽ giúp học sinh có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học.
Quan tâm sức khỏe tâm thần học sinh
Theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học sinh trong trường học có nhiệm vụ chính: tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định; quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh.
Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất; chủ trì phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường tổ chức đánh giá, rà soát phòng ngừa và thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh (bao gồm cả tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hay tư vấn tập thể) thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn gián tiếp hoặc trực tuyến.
Phối hợp với giáo viên trong các hoạt động giáo dục học sinh liên quan đến công tác tư vấn; hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Liên quan đến tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, dự thảo thông tư quy định người làm công tác tư vấn học sinh trong trường học phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong những ngành: tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học, đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng. Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, dự thảo nêu yêu cầu: hiểu biết về các quy định của ngành đối với cấp học vào trong công tác tư vấn học sinh; có khả năng tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường theo kế hoạch. Có khả năng biết được đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn học sinh nhằm hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất. Có hiểu biết về kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác; có khả năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh…
Đối với chế độ tiền lương, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng chia sẻ để đạt hiệu quả tốt nhất
Theo Bộ GDĐT, việc quy định bổ sung vị trí việc làm tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và trường chuyên biệt là điểm mới quan trọng, thể hiện sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như các bộ ngành, xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trong trường học và công tác xã hội trường học.
Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 31 ngày 18/12/2017 về việc hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Theo đó, các nhà trường được thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh phải là người có kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn tâm lý (có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn tâm lý học đường theo chương trình do Bộ GDĐT ban hành).
Tuy nhiên, trong thực tế việc kiêm nhiệm khó đạt hiệu quả như mong muốn do công việc của giáo viên vốn đã nhiều, khi được phân công thêm nhiệm vụ này là khó để chuyên tâm. Do không được đào tạo bài bản về tâm lý nên trong nhiều trường hợp, giáo viên kiêm nhiệm chưa đủ kỹ năng giải quyết khi gặp những tình huống bất ngờ, đột xuất; quá trình xử lý thông tin còn lúng túng…
Dự thảo của Bộ GDĐT ra đời được các nhà trường và phụ huynh, học sinh rất đồng tình. Trong bối cảnh giảm biên chế hàng năm, việc có thêm một nhân viên tư vấn học sinh tại mỗi trường công lập là sự cố gắng rất lớn của ngành giáo dục. Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường liên cấp Marie Curie (Hà Nội) chỉ một nhân viên tư vấn học sinh làm công việc này là không đủ. Bởi với hàng nghìn học sinh của mỗi trường, rất nhiều phần việc phải việc thực thường xuyên. Vì vậy, rất cần đến sự vào cuộc của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhân viên trong trường học, các tổ chức Đoàn - Đội, giám thị… cũng như sự phối hợp của gia đình.
Kinh nghiệm của cô Nguyễn Mỹ Linh, cán bộ phụ trách công tác tư vấn học đường tại Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đó là cần kết nối các lực lượng giáo dục trong nhà trường để chia sẻ, phổ biến nội dung mình phụ trách, đề xuất các lực lượng cùng hỗ trợ trong việc quan sát, nhận biết biểu hiện bất thường của học sinh.