Trang thiết bị y tế, máy móc thiếu, hư hỏng khiến hàng loạt bệnh viện lớn ở Nghệ An gặp khó khăn trong khám chữa bệnh. Bệnh viện phải đưa bệnh nhân của mình sang đơn vị tư nhân thuê chụp chiếu, can thiệp máy móc… mỗi khi cần, vừa tốn kém, vừa mất thời gian của người bệnh.
Thời gian qua, thực trạng thiếu trang thiết bị y tế, máy móc đang xảy ra tại nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An khiến công tác thăm khám, chữa trị cho bệnh nhân gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc chẩn đoán bệnh và thời gian điều trị. Cụ thể, hiện nay một số bệnh viện, chuyên khoa thiếu máy chụp CTScan (máy cắt lớp vi tính), máy chụp MRI (máy cộng hưởng từ) X-Quang, máy nội soi, máy siêu âm… Nguyên nhân do một số bệnh viện chưa thể đấu thầu sửa chữa hoặc mua sắm mới dù có kinh phí.
Tại Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An thiếu máy móc phục vụ thăm khám, chữa bệnh rất trầm trọng. Bệnh viện này từng có hệ thống chụp CT cắt lớp vi tính hiện đại. Tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng, hệ thống máy này đã bị hư hỏng. Do chi phí sửa chữa đến hàng tỷ đồng, thuộc diện phải đấu thầu nên bệnh viện chưa thể sửa chữa. Những năm qua Bệnh viện Ung Bướu cũng không mua sắm được trang thiết bị y tế khác để phục vụ việc thăm khám, chữa bệnh.
Máy móc hỏng, hàng ngày, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cần chụp chiếu chuyên khoa phải cùng nhân viên y tế đến thuê chụp tại các đơn vị khác trên địa bàn. “Thiết bị thiếu không mua được, thiết bị hỏng không sửa được vì phải theo quy trình đấu thầu. Hiện Bệnh viện Ung Bướu thiếu máy chụp X-Quang, máy chụp CT, máy siêu âm… Là bệnh viện chuyên khoa nên rất cần những máy móc để phục vụ việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho người dân. Hàng tháng bệnh viện phải vận chuyển khoảng 100 ca bệnh nhân đi chụp thuê tại các đơn vị khác”- lãnh đạo Bệnh viên Ung bướu Nghệ An thông tin.
Hay như tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh, mỗi năm bệnh viện này có hơn 280.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như hệ thống máy nội soi đã được trang bị hơn 10 năm. Đến thời điểm này, máy nội soi đã phải "đắp chiếu", bệnh viện phải đi thuê máy để phục vụ nhu cầu của bệnh nhân. Hay như hệ thống máy tán sỏi thận, đơn vị này cũng phải đi thuê theo từng ca với giá 10 triệu đồng. Trong khi đó, khoa thận là một trong những khoa thế mạnh của bệnh viện, việc trang bị máy tán sỏi thận là rất cấp thiết.
Đáng chú ý, hầu hết các bệnh viện đều khẳng định có tiền để mua sắm, sửa chữa. Tuy nhiên, chính vướng mắc thủ tục để đấu thầu dẫn đến các bệnh viện chưa thể thực hiện. Thậm chí, như tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh dù có nguồn vốn phát triển sự nghiệp được tích lũy trong quá trình hoạt động dùng để mua sắm các trang thiết bị y tế. Song, các bước để đầu tư, đấu thầu mua sắm trang thiết bị phải qua nhiều thủ tục, rất khó khăn. Đơn cử như máy tán sỏi thận laze, trị giá hơn 4 tỷ đồng, trong 6 tháng qua, đơn vị này đã thực hiện các thủ tục nhưng đến nay đang vướng mắc và chưa mua được thiết bị và chấp nhận tiếp tục đi thuê máy để sử dụng.
Ông Trịnh Xuân Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết: Trước đây bệnh viện cũng có một máy chụp MRI theo diện liên doanh, liên kết. Hiện chiếc máy này không được sử dụng nên bệnh viện thiếu máy để phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An đang tiến hành làm quy trình đấu thầu mua sắm các trang thiết bị y tế để phục vụ việc thăm khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng vướng mắc thủ tục. Đây là thực trạng chung của các bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Ngôn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ, Tư vấn tài chính (Sở Tài chính Nghệ An) cho biết: Trang thiết bị y tế trên địa bàn thuộc diện danh mục mua sắm tập trung nhưng trong năm 2021 và 2022, khi triển khai việc này gặp nhiều khó khăn do vướng mắc trong quy trình đấu thầu. Một số đơn vị không có đủ thông tin cung cấp để thực hiện thẩm định giá, không có 3 báo giá để làm quy trình. Nhiều nhà thầu không mặn mà do giá cả thấp. Một số trang thiết bị được các đơn vị đăng ký mua sắm nhưng chưa được phép lưu hành tại Việt Nam nên không thể mua được. Bên cạnh đó, một số đơn vị đăng ký vào dịp cuối năm dẫn đến việc không kịp mua sắm và bị xóa nguồn ngân sách trong năm.
Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế Nghệ An) cho biết: Tháng 6/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý đưa danh mục trang thiết bị y tế ra khỏi danh mục mua sắm tập trung. Hiện nay, Sở Y tế Nghệ An đang tiến hành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương mua sắm của các bệnh viện. Đến tháng 12/2023, đã có 4 đơn vị được phê duyệt chủ trương mua sắm gồm: Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An (mua sắm 46,2 tỷ đồng) Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (7,5 tỷ đồng); Bệnh viện đa khoa TP Vinh (16,18 tỷ đồng); Bệnh viện Mắt Nghệ An (1,1 tỷ đồng). Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các bệnh viện sẽ làm quy trình để tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế theo đúng quy định.