Giám sát - Phản biện

Quyết liệt với thực phẩm bẩn

LÊ ANH 19/12/2023 07:38

Càng gần dịp Tết, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, nhiều đối tượng tìm cách tuồn vào thị trường tiêu thụ thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để trục lợi.

anh-bai-tren(1).jpg
Cơ quan chức năng kiểm tra, truy vết thực phẩm bẩn tại các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM Ảnh: Hồng Phúc

Chặn thực phẩm bẩn trôi nổi

Tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM), ngày 15/12, Đội Quản lý thị trường Số 3, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã giám sát tiêu hủy lô hàng hóa vi phạm gồm hơn 24.000 sản phẩm, trị giá gần 7 tỷ đồng.

Đó là những thực phẩm bẩn, thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhiều nhãn hàng, nhãn hiệu đăng ký trên thị trường. Đây là kết quả quá trình thanh, kiểm tra thời điểm cận Tết của Cục Quản lý thị trường TPHCM, với tổng cộng 51 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 ban hành.

Đáng chú ý, toàn bộ số hàng kể trên đã được tiêu hủy bằng hình thức đốt hủy trực tiếp trong lò đốt hai cấp ở nhiệt độ cao (trên 1.050 độ C), có hệ thống xử lý khói thải và hệ thống xử lý nước rửa khói đồng bộ. Quá trình tiêu hủy hàng hóa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về môi trường, có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng theo quy định.

Ngay trước vụ tiêu hủy hơn 24.000 sản phẩm bẩn kể trên, ngày 14/12, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM công bố kết quả điều tra 11 bước tìm nguyên nhân gây ngộ độc sau khi ăn bánh su kem tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).

Báo cáo của cơ quan chức năng xác định, vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh su kem vào tháng 9 vừa qua tại chung cư này, có tổng cộng 118 người tham gia, trong đó có 61 người bị ngộ độc, 25 người phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 trường hợp tử vong là bé P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau). Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM khẳng định, sau khi công bố nguyên nhân vụ ngộ độc kể trên sẽ xử lý theo thẩm quyền đối với cơ sở gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Thủ Đức. Trước đó, kết quả xét nghiệm PCR của 2 trẻ bị ngộ độc cho thấy có vi khuẩn salmonella spp. Đây là loại vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi, nhất là những người có hệ miễn dịch yếu.

Kể từ đầu năm đến nay TPHCM đã thanh, kiểm tra gần 37.500 cơ sở, phát hiện gần 3.900 cơ sở vi phạm, xử phạt 1.651 cơ sở, với tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 20,3 tỷ đồng. Qua xử phạt, cơ quan chức năng thành phố đã tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn, bao gồm: bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng, các sản phẩm thực phẩm từ động vật... các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 cơ sở có dấu hiệu hình sự.

Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào thị trường tiêu thụ, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã chủ động rà soát, lập kế hoạch kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm TPHCM đã tăng cường các đoàn thanh, kiểm tra, nhất là cao điểm Tháng hành động, kiểm tra chuyên đề các nhóm sản phẩm nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm, bảo đảm an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Song song đó, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của HĐND, UBND, công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm của thành phố đã từng bước đạt hiệu quả hơn, xác định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của lực lượng phối hợp. Nhờ đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Dù vậy, bà Lan cũng chỉ ra các tồn tại, vướng mắc thời gian qua về vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, hiện các bộ, ngành chưa ban hành được danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, năng lực phân tích hóa chất, thành phần trong thực phẩm của các đơn vị còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong quá trình xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả về chất lượng.

Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, sẽ tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm từ mọi cấp độ. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người dân kết hợp phòng, chống dịch bệnh trong mùa cao điểm Tết cũng như trong thời gian sau Tết. Ở chiều ngược lại, đối với hàng hóa, thực phẩm xuất khẩu đi các thị trường, TPHCM cũng tổ chức chặt chẽ các khâu để đảm bảo các quy chuẩn, quy định kỹ thuật và tuân thủ những yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Theo kế hoạch, kể từ ngày 1/1/2024, Sở An toàn thực phẩm TPHCM chính thức đi vào hoạt động. Sở này sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM, có chức năng tham mưu, giúp UBND TPHCM quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đây là bước tiến đáng kể của TPHCM trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, xuất phát từ quá trình thí điểm thành công nhiều năm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (trên cơ sở kết hợp lực lượng từ 3 Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyết liệt với thực phẩm bẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO