Ngay trong những ngày đầu năm 2019, nhiều chính sách an sinh xã hội chính thức có hiệu lực như: Tăng lương tối thiểu vùng, Danh mục thuốc được BHYT chi trả, Thương binh, bệnh binh được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ngày lễ, tết…
Nhiều chính sách an sinh xã hội có hiệu lực ngay trong những ngày đầu năm 2019.
Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1
Theo Nghị định số 157 (ra ngày 16/11/2018) của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp sẽ tăng khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng so với năm 2018. Cụ thể, vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.
Đây là căn cứ để doanh nghiệp trả mức lương thấp nhất cho người lao động; đồng thời là căn cứ để điều chính mức đóng BHXH, BHYT, BHTN
Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Thương binh, bệnh binh được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ngày lễ, tết
Đây là nội dung được Bộ LĐTBXH quy định tại Thông tư 101/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Cụ thể, vào những ngày lễ tết, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên sẽ được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người/ngày lễ, tết. Đáng chú ý, thân nhân liệt sĩ (không quá 3 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ mỗi năm một lần. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2,4 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp phải công khai việc đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
Nghị định 149 ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, từ 1/1/2019 người sử dụng lao động phải công khai 7 nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc liên quan.
Đáng chú ý có quy định: Người sử dụng lao động phải công khai các thông tin trích nộp kinh phí công đoàn, phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nội quy, quy chế liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thỏa ước lao động tập thể, việc trích lập hay sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại… Đặc biệt Nghị định quy định người lao động được tham gia ý kiến về công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động.
Người lao động được quyết định, được kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; nội quy lao động, các quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; việc thực hiện nghị quyết hội nghị người lao động…
Hình thức thực hiện dân chủ theo Nghị định 149 là thông qua các hệ thống thông tin nội bộ, hòm thư góp ý kiến; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hay các hình thức khác do doanh nghiệp quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2019.
Tăng giá khám bệnh Bảo hiểm y tế
Từ 15/1/2019, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế do thay đổi mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.390.000 đồng. Do vậy, mức giá điều chỉnh tăng bình quân 3,23%, trong đó giá khám bệnh, ngày giường tăng bình quân 11,1%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 3,01%.
Cụ thể, giá dịch vụ lượt khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng một tăng từ 33.100 đồng lên 37.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng hai tăng từ 29.600 đồng lên 33.000 đồng/lượt; bệnh viện hạng ba tăng từ 26.600 đồng lên 29.000 đồng/ lượt; bệnh viện hạng bốn và trạm y tế xã tăng từ 23.300 đồng lên 26.000 đồng/lượt.
Cùng với giá khám bệnh, giá một số dịch vụ khác cũng điều chỉnh tăng, như giá giường điều trị hồi sức tích cực, ghép tạng; giường bệnh hồi sức cấp cứu; giường bệnh ở các khoa: Truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, tâm thần, thần kinh, nhi, tiêu hóa, nội tiết, dị ứng, cơ - xương - khớp, da liễu, tai - mũi - họng...