Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đề xuất nhiều chính sách để mở rộng đối tượng tham gia và giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó, Bộ đề xuất mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội với người lao động, trợ cấp cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con và thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em…
Đối với mức tiền lương bình quân tháng đã đóng bảo hiểm xã hội với người lao động (NLĐ), Bộ LĐTBXH đề xuất sửa luật theo hướng thiết kế hệ thống an sinh đa tầng. Theo đó, người già không chỉ hưởng lương hưu từ BHXH, mà còn được trợ cấp từ các chính sách an sinh khác của Nhà nước.
Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp và người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian…
Cùng với đó, dự luật sẽ điều chỉnh quy định hưởng BHXH một lần theo hướng tạo điều kiện cho người lao động có sự lựa chọn. Cụ thể, nếu người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà sau một năm không tham gia BHXH đề nghị hưởng BHXH một lần, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng một lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH.
Đồng thời, Bộ LĐTBXH đề xuất, trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng hoặc người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp, thì mức hưởng cho mỗi năm đóng BHXH bằng hai lần mức tiền lương bình quân tháng đã đóng BHXH...
Đối với mức trợ cấp cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con, Bộ LĐTBXH đề xuất bổ sung chế độ thai sản, tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia. Cụ thể, lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh.
Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng mức hỗ trợ từ 10% lên 30% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em
Đáng chú ý, trong dự thảo lần này của Bộ LĐTBXH có việc đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ nghiên cứu thực hiện thí điểm chế độ trợ cấp trẻ em. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà có con dưới 6 tuổi thì được hưởng trợ cấp hàng tháng tính trên mỗi con cho đến khi con đủ 6 tuổi.
Được biết, đây là chế độ bảo hiểm xã hội duy nhất mà Việt Nam chưa thực hiện nếu đối chiếu với Công ước số 102 (năm 1952) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản.
Bộ LĐTBXH cho hay, theo đánh giá tiềm năng hệ thống trợ cấp trẻ em đa tầng tại Việt Nam của ILO năm 2019, nếu quy định mỗi trẻ em dưới 15 tuổi là con của người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp 350.000 đồng/tháng năm 2018, sau đó hàng năm điều chỉnh tăng dần theo lạm phát cho tới khi mức hưởng là 560.000 đồng/tháng năm 2030 thì cần quy định tỷ lệ đóng góp cho chế độ này là 3% trong giai đoạn 2018 - 2030.
Trường hợp quy định độ tuổi trẻ em được hưởng trợ cấp là từ 0 đến dưới 6 tuổi, tỷ lệ đóng góp cần thiết là 1%. Dự kiến nếu thực hiện chính sách cho con được hưởng trợ cấp khi cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 7.074 tỷ đồng/năm.