Chiều 14/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cùng tham dự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham quan gian giới thiệu hàng thủ công bên lề hội nghị.
Bức tranh kinh tế tập thể
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể, sau 15 năm và hơn 7 năm thực kể từ khi thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX), khu vực KTTT, HTX đã có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực, số HTX hoạt động hiệu quả không ngừng tăng lên, chiếm khoảng 55% trong tổng số HTX nông nghiệp, khoảng 50-80% trong tổng số HTX phi nông nghiệp. Về tổ hợp HTX đến nay cả nước có hơn 101,400 THT, tăng 0,58% so với năm 2003, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/lao động/1 năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 36,6 triệu đồng/năm. Về Liên hiệp HTX, cả nước có 74 Liên hiệp HTX, tăng gấp 2, lần so với năm 2003, tạo việc làm cho 25,8 nghìn lao động, doanh thu bình quân của 1 Liên hiệp HTX là 8,3 tỷ đồng.
Đạt được những kết quả như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực KTHT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế. KTTT còn có những điểm hạn chế nhất định, tuy nhiên thời gian gần đây đã có tín hiệu đáng mừng ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết. Theo đó, chất lượng của các HTX cải thiện đáng kể so với trước đây. Bởi, nếu giai đoạn trước các thành viên tham gia HTX theo mệnh lệnh hành chính, không góp vốn thì giờ đây người dân tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của HTX…
Đổi mới cách chỉ đạo, cách làm
Tại hội nghị, nhiều giải pháp được đưa ra để “gỡ khó” cho KTTT. Đại diện Tập đoàn TH True milk đề xuất cần giải pháp hàng đầu đó là minh bạch thị trường. Minh bạch ở chỗ sản phẩm bán ra được công bố tiêu chuẩn trồng trọt, sản xuất, tiêu chuẩn chế biến, các chứng chỉ… để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc. Muốn làm được điều này, các bộ ngành chức năng cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng, cụ thể về quy cách, quy chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn về đánh giá, chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Phải thường xuyên giám sát cảnh báo và có chế tài xử phạt nghiêm ninh với trường hợp vi phạm, cả với trường hợp quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, quan trọng vẫn là nâng cao đời sống người dân. Thời gian qua, Đồng Tháp đã có các Hội quán nông dân, để dân làm quen nhau, có niềm tin với nhau để cùng hợp tác làm ăn, từ đó tạo nền tảng cho phát triển kinh tế HTX bền vững. Theo ông Lê Minh Hoan đa phần HTX chỉ là liên kết lại để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, như vậy, tìm đầu ra cho các sản phẩm là sứ mệnh của HTX, nhưng giờ mới bán sản phẩm thô thôi. Do vậy, cần phải tạo thành chuỗi để mang lại lợi nhuận cao nhất cho những người tham gia HTX. Vậy giải pháp nào để nhân rộng mô hình HTX, theo đại diện tỉnh Đồng Tháp, không có cách nào khác, chính các HTX phải nâng chất lượng hoạt động, đồng hành với sự phát triển của thực tiễn cuộc sống mới thu hút người dân vào HTX.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhiều HTX tổ chức lại làm ăn có lãi, tham gia vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước. KTTT, HTX có bước phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng, làm bộ mặt nông thôn có những bước phát triển mới….
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của KTTT, HTX hiện nay đó là, yếu kém của mô hình kinh tế tập thể đã được chỉ ra từ lâu mà chưa tìm ra giải pháp khắc phục, đóng góp vào GDP khiêm tốn và có chiều hướng giảm. Theo Thủ tướng, rất nhiều khó khăn khiến KTTT, HTX chưa bứt phá như, tiếp cận vốn, xử lý mối quan hệ đất đai, nguồn nhân lực, thông tin thị trường… Nhưng nổi bật nhất chính là đất đai và tiếp cận nguồn vốn, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, các Bộ ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cần tìm ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phát triển KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần quan tâm chỉ đạo thông qua tạo khung pháp luật tạo điều kiện cho KTTT phát triển. Phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nhưng quan trọng là phát huy dân chủ, để người dân làm chủ, hợp tác cùng có lợi. Nhiệm vụ nữa cũng không kém phần quan trọng chính là hoàn thiện thể chế, sửa đổi Luật HTX đảm bảo khuyến khích HTX phát triển.