Nhiều ngành hàng vào tầm ngắm tăng thuế

T.Hằng 18/08/2017 08:05

Để bù vào ngân sách có phần giảm mạnh khi thuế suất nhập khẩu liên quan đến ô tô, xe máy… về 0%, từ năm 2018, Bộ Tài chính đang tính đến phương án tăng thu từ việc mở rộng các ngành hàng cần tính thuế.

Thuế thuốc lá thấp dẫn đến gia tăng tình trạng buôn bán thuốc lá lậu.

Tăng thu 4.000 tỷ đồng từ thuốc lá

Với mặt hàng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng cho mặt hàng này là 70%. Trong khi đó, theo thống kê hiện nay, Việt Nam thuộc top 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Thời gian qua, tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.

Do vậy theo quan điểm của Bộ Tài chính, cần định hướng nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô… Riêng với mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB.

Phương án 1 là áp thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo quy định, lộ trình thuế TTĐB với thuốc lá từ năm 2016 là 70%, từ năm 2019 là 75%.

Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.

Phương án 2 là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.

Cũng theo Bộ Tài chính, phương thức kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm là phương thức được nhiều nước phát triển áp dụng như Lào, Malaysia, Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi về mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá là thấp hay cao? ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính trao đổi: Hiện mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 5 tỉ bao thuốc lá và tiêu thụ khoảng 4 tỉ bao. Bởi vậy, nếu thu thêm mức tuyệt đối là 1.000 đồng/bao thì ngân sách đã có thêm khoảng 4.000 tỉ đồng.

Thống kê lại cho thấy Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ ở mức hơn 48%, thấp hơn nhiều các nước khác. Ví dụ, tỷ lệ này ở Brunei là 81%, Thái Lan 70%, Singapore là 69%, Malaysia là 57%, Indonesia là 51%, Úc 62%, Đức 75% và Pháp là 80%....
Mở rộng ngành hàng thu thuế

Nhằm đảm bảo tăng trưởng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước trong trung và dài hạn, tạo sự công bằng thuế; đặc biệt, trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm Bộ Tài chính cũng tính đến phương án mở rộng ngành hàng thu thuế.

Cơ quan này muốn đưa thêm một số ngành hàng như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ… sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo khẳng định của Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp và đóng tàu đánh bắt xa bờ, Bộ Tài chính đề nghị 2 phương án.

Trong đó, phương án thứ nhất là chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

Đối với loại máy móc, thiết bị không chỉ sử dụng trong nông nghiệp mà còn dùng cho nhiều ngành sản xuất khác sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10%.

Theo phương án này, doanh nghiệp sản xuất phân bón, đóng tàu và những máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Do số thuế GTGT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, sắt, thép, nguyên vật liệu khác, điện, nước sản xuất... đầu vào chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10% nên những doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thuế GTGT.

Phương án 2, chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất phổ thông 10%.

Tuy nhiên, phương án này khiến giá cả phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu tăng lên do phải trả thuế GTGT (tăng thêm 5% khi mua sản phẩm, hàng hóa này).

Như vậy, số thu Ngân sách Nhà nước tăng nhưng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và người nông dân đều không được hưởng lợi trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ngành hàng vào tầm ngắm tăng thuế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO