Nhiều người ngỡ ngàng khi các bệnh viện lớn xin thôi tự chủ quay về 'bao cấp'

Mai Loan 24/10/2022 10:42

Nhiều người ngỡ ngàng khi nghe tin bệnh viện K, Bạch Mai, những bệnh viện lớn đã tự chủ, nay lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ, quay về “bao cấp”.

Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong thời gian gần đây, nhiều người băn khoăn khi hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc, rời khỏi khu vực công, kể cả các bệnh viện lớn nơi có nhiều y bác sĩ.

Theo ông Cường, nhiều người ngỡ ngàng khi nghe tin bệnh viện Bạch Mai, K là những bệnh viện lớn đã tự chủ nay lại xin thôi thực hiện cơ chế tự chủ, quay về “bao cấp”. Trong khi nhiều cơ sở y tế hiện nay mong mỏi chờ cơ chế tự chủ vốn khá thành công tại các trường đại học hiện nay.

Nhiều người chung nhận định, cán bộ y tế xin nghỉ việc tại bệnh viện công. Các bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng xin thôi tự chủ là thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phần lớn các y bác sĩ mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các pháp đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí danh mục các loại thuốc cần điều trị. Trong điều kiện làm việc như thế nếu họ được hưởng thù lao thoả đáng xứng đáng với công sức của họ thì họ sẽ toàn tâm, toàn ý, dành hết năng lực của bản thân trong công tác khám chữa bệnh mà không phải “chân trong, chân ngoài” do tất bật với phòng khám tư.

“Đông đảo các bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để khám chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang “ngoại tệ” đi sang nước ngoài hoặc sang các bệnh viện tư, quốc tế nơi có đủ điều kiện thiết bị tốt hơn”, ông Cường nói.

Nguyên nhân căn bản theo ông Cường, do cơ chế quản lý đang “trói buộc”, chưa cho phép chịu trách nhiệm khai thác phát huy hết các tiềm năng. Những bất cập về cơ chế quản lý cần đươc giải quyết thấu đáo trong sửa đổi Luật Khám chữa bệnh lần này. Tuy nhiên qua nghiên cứu kỹ nội dung dự thảo luật những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết những tiềm năng lợi thế của các y, bác sĩ trình độ chuyên môn có tay nghề cao, có danh tiếng, có uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế như Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã đề ra vẫn đang còn chỗ trống trong dự thảo luật này.

Do đó cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật khám chữa bệnh sửa đổi một số chính sách. Theo đó quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị tự chủ công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập y tế nói riêng là xu thế tất yếu song trong toàn bộ dự thảo luật chưa có nội dung nào đề cập đến cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập.

Ông Cường kiến nghị, cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với khám chữa bệnh của bệnh viện. Tự chủ trong quyết định vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ điều kiện bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ, và xác định cấp độ tự chủ khác nhau để xác định quyền năng đi đôi với mức độ thực hiện tự chủ mà mình đã đạt được. Cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với cơ chế chưa tự chủ trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng tính đủ chi phí trên cơ sở kinh tế kỹ thuật, cơ chế tính đúng tính đủ đối với cơ sở khám chữa bệnh chưa tự chủ phải dựa vào định mức kinh tế kỹ thuật và nằm trong khung giá dịch vụ y tế do nhà nước ban hành.

Nhưng đối với bệnh viện tự chủ phải được tự quyết định giá dịch vụ y tế trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do đơn vị tự xây dựng và công khai cho tất cả khách hàng, người lao động trong bệnh viện cùng tham gia giám sát. Định mức kinh tế kỹ thuật khám chữa bệnh của từng bệnh viện phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị. Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau giành cho đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về lựa chọn các thuốc, và thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau.

Đồng thời cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, mức chi, chi trả tiền lương, đầu tư mua sắm, và trích lập các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quy định hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo.

Để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo, cần quy định rõ trong luật nguồn ngân sách Nhà nước không cấp chi thường xuyên cho các bệnh viện tự chủ phải dành để chi trả cho việc khám chữa bệnh cho các bệnh nhân thuộc đối tượng xã hội cần phải chi trả thông qua cơ chế đặt hàng và cơ chế Nhà nước đầu tư cho các mục tiêu phát triển.

Cần quy định rõ cơ chế quản lý tài sản tại bệnh viện để chủ động trong việc lựa chọn phương thức đầu tư, hoạt động mua sắm, đi thuê, liên kết máy móc, trang thiết bị. Làm cách nào để sử dụng các cơ sở vật chất đó hiệu quả nhất, gọn nhẹ đúng quy định.

Cần xây dựng cơ chế giám sát bệnh viện tự chủ, vai trò của Hội đồng quản trị, giám đốc bệnh viện, cơ chế quản lý, báo cáo giám sát của cơ quan quản lý đối với bệnh viện tự chủ. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, nên kết cấu các nội dung quy định về tài chính, tài sản thành một chương riêng là tài chính tài sản của các đơn vị khám chữa bệnh.

Ông Cường tin tưởng, nếu bổ sung các quy định đây trên đây không những khắc phục những tồn tại hiện nay mà sẽ tạo hành lang pháp lý và các cơ sở khám chữa bệnh có điều kiện phấn đấu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để ngang tầm với khu vực, thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều người ngỡ ngàng khi các bệnh viện lớn xin thôi tự chủ quay về 'bao cấp'