Càng hội nhập, cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng các hợp đồng, giao dịch thương mại quốc tế càng lớn, song đi kèm với đó cũng không ít rủi ro. Nhiều DN do chưa tìm hiểu kỹ đối tác, không đọc kỹ hợp đồng đã thực hiện việc ký kết, đến khi không nhận được tiền từ đối tác mới tá hỏa vì đã bị lừa.
Sự việc một DN của Việt Nam thực hiện giao dịch bán hàng cơm dừa với một DN tại Moroco nhưng kết cục là bị DN tại nước bạn “chạy làng” mới đây là một ví dụ điển hình. Cụ thể, trong hợp đồng giao dịch giữa hai công ty, một là của Việt Nam và một là Công ty Eden Agro Food Sarl của Moroco, công ty của Việt Nam đã bị đối tìm cách hủy hợp đồng, không thực hiện theo đúng các cam kết đã ký trước đó.
Theo điều tra của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Moroco, Công ty Eden Agro Food Sarl có biểu hiện không trung thực trong giao dịch nhập khẩu, đưa ra nhiều yêu sách đối với bên xuất khẩu và tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng đã ký kết. Có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh để lảng tránh nghĩa vụ thanh toán.
Theo đó, khi hàng từ phía công ty của Việt Nam được vận chuyển đến cảng Moroco, Công ty Eden từ chối nhận hàng. Bằng các nhiều biện pháp, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Moroco đã thuyết phục được Công ty này lấy hàng và thanh toán 50% số tiền. Mặt khác, theo thỏa thuận giữa DN đôi bên, số tiền còn lại được ký quỹ tại ngân hàng thu hộ. Tuy nhiên, Công ty Eden tiếp tục tìm mọi cách gây khó dễ, có biểu hiện cấu kết với ngân hàng chi nhánh lẩn tránh nghĩa vụ thanh toán, trái với thông lệ giao dịch quốc tế.
Đây chỉ là một trong số nhiều sự việc mà các DN Việt bị đối tác lừa khi thực hiện các hợp đồng thương mại quốc tế. Chính bởi vậy, theo khuyến cáo của nhà quản lý, DN cần thận trọng với các hợp đồng quốc tế, đọc kỹ điều lệ ghi trong hợp đồng trước khi quyết định ký kết, giao dịch với các công ty nước ngoài.