Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động, giao cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với các bộ, ban, ngành và UBND 11 tỉnh biên giới phía Bắc và vùng Tây Bắc triển khai thực hiện từ tháng 6-2014. Sau hơn một năm thực hiện, Chương trình đã trao tặng gần 24.000 con bò cho các hộ dân nơi phên giậu Tổ quốc, góp phần tạo đà cho các hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP,
cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng bò giống cho các hộ nghèo tại
huyện biên giới Bình Liêu. Ảnh: Hoàng Quang.
Một chương trình nhân văn
Cách đây hơn 1 năm, trong buổi làm việc với Bộ Quốc phòng về tình hình biên giới và công tác Biên phòng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra ý tưởng và chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP về việc tặng bò giống cho người nghèo các tỉnh biên giới phía Bắc. Theo Chủ tịch nước, đồng bào sống trong khu vực biên giới là những người trực tiếp, tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Vì vậy, việc hỗ trợ giúp đỡ đồng bào biên giới xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất sẽ tạo điều kiện cho người dân bám đất, bám làng, bảo vệ vững chắc phên giậu Tổ quốc.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" ra đời. Bộ Tư lệnh BĐBP được giao nhiệm vụ chủ trì với sự tham gia của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, UBND 11 tỉnh biên giới và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Theo chương trình, trong thời gian từ tháng 6-2014 đến tháng 10-2016, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức mua 24.000 con bò cái sinh sản (tương đương 360 tỷ đồng) bằng nguồn vốn từ việc phát triển các dịch vụ viễn thông (do Viettel chủ trì) để trao tặng các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ở 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc, gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái.
Các nhà hảo tâm trên cả nước được khuyến khích tham gia vào Chương trình bằng cách tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ trả sau của Viettel trong một thời gian nhất định để cùng Viettel và các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo ở biên giới. Mỗi nhà hảo tâm tự nguyện đăng ký sử dụng một dịch vụ trả sau của Viettel, thì Viettel sẽ trích ngay 1 triệu đồng mua bò giống giúp đồng bào nghèo.
Điểm đặc biệt của Chương trình là nhận được sự góp sức của rất nhiều tổ chức và nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Nhờ sự chung sức đó mà Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" có mục tiêu lớn hơn rất nhiều những chương trình tương tự từng được các đơn vị, ban, ngành khác thực hiện trước đó.
Đây là một chương trình đặc biệt, bởi không chỉ hỗ trợ cho bà con các dân tộc trên biên giới, vùng sâu, vùng xa, miền núi có phương tiện sản xuất, đem đến cho họ cơ hội thoát nghèo, mà còn đặc biệt ở cách thức duy trì và phát triển. Đây thực sự là một chương trình mang tính nhân văn sâu sắc.
Đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết quân dân, nêu cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân đối với việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Để chương trình thực sự mang lại hiệu quả và đến tận tay những hộ nghèo, Ban Chỉ đạo Trung ương đã đưa ra những tiêu chí bình xét hộ nghèo và hướng dẫn cụ thể cách thực hiện chương trình.
Theo đó, mỗi hộ nghèo sau khi được chính quyền địa phương tổ chức bình xét, lựa chọn sẽ được Ban tổ chức Chương trình trao tặng 1 con bò giống trị giá từ 10 đến 15 triệu đồng. Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 12 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi chuyển lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu con bò giống.
Hiệu quả ngoài mong đợi
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương, mới chỉ sau gần 9 tháng thực hiện Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới", số bò mà Viettel và các nhà hảo tâm đã đóng góp để tặng người nghèo lên tới hơn 13.000 con, trong đó, hơn 7.000 con được trao tận tay người nghèo biên giới. Và sau hơn 1 năm thực hiện, tính đến tháng 10-2015, đã có 24.000 con bò được trao tận tay các hộ nghèo nơi biên giới.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng tặng 22.000 chiếc điện thoại và hỗ trợ 300.000 đồng/sim cho các hộ được nhận bò để quá trình nuôi dưỡng bò có vấn đề gì sẽ thông tin với Ban Chỉ đạo Chương trình hướng dẫn cách chăm sóc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trao tặng cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật chăm nuôi bò sinh sản, giúp bà con nuôi bò được tốt hơn.
Chương trình này đề ra thực hiện trong 2 năm, nhưng chỉ sau 15 tháng đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Nhiều địa phương đã triển khai rất tốt như: Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... Không chỉ tặng bò cho hộ nghèo, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Viettel còn hỗ trợ xi măng để bà con láng chuồng trại, cải tạo nơi ở; tặng chăn, bạt che chuồng giúp giữ ấm cho đàn bò trong mùa đông giá rét tại một số địa phương.
Tại lễ trao tặng bò cho đồng bào 3 xã Chí Viễn, Đàm Thủy và Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sáng kiến huy động kinh phí cho Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" từ phát triển dịch vụ viễn thông. Cách làm này vừa hỗ trợ các hộ nghèo có vốn ban đầu phát triển kinh tế, vừa phổ cập công nghệ thông tin ở các tỉnh biên giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, với tinh thần "tương thân, tương ái" giúp đỡ đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ vững chắc phên giậu Tổ quốc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân hiểu rõ chủ trương, tích cực tham gia Chương trình, trợ giúp về thú y, ứng dụng công nghệ để chia sẻ khó khăn với người nghèo vùng biên.
Từ những kết quả của Chương trình "Bò giống giúp nghèo vùng biên giới", Bộ Tư lệnh BĐBP đã báo cáo với Chủ tịch nước và Chủ tịch nước đã đồng ý tiếp tục nhân rộng mô hình này ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Tây Nam bộ, để đồng bào nghèo nơi đây được hưởng lợi từ Chương trình. Đồng thời, tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo nơi biên giới bằng các chương trình, mô hình mới. Trước mắt là cứng hóa nền nhà cho người dân ở biên giới và xây dựng quỹ khuyến học cho các xã nghèo biên giới để cho các cháu được đến trường học tập.