Báo Cứu Quốc là Cơ quan ngôn luận của Trung ương Mặt trận, xuất bản ở miền Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi nào ra tờ báo Cứu Quốc thì đề tên của địa phương đó. Vì vậy mà có tờ Cứu Quốc Nam Bộ. Chúng tôi xin lược trích và biên soạn bài hồi ký dài của nhà báo, nhà văn Phạm Hữu Tùng- nguyên Trưởng phòng Văn nghệ và thường trực Chi hội Văn nghệ Nam Bộ; nguyên thư ký tòa soạn báo Cứu Quốc Nam Bộ, nguyên phóng viên báo Đại Đoàn Kết trong những ngày đầu.
Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu.
Báo Cứu Quốc Nam Bộ ra đời tại Cà Mau vào khoảng giữa năm 1950, do nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn (Năm Nguyễn) phụ trách.
Đầu năm 1953, Sở Thông tin mở một cuộc họp cán bộ đặc biệt do Ban Giám đốc đích thân chủ trì. Giám đốc bây giờ là nhà báo Lưu Quý Kỳ. Anh Năm Nguyễn đi nhận công tác ở Trung ương ngoài Việt Bắc. Phó Giám đốc Huỳnh Văn Tiểng cho biết nội dung cuộc họp: Giải quyết yêu cầu của bên Mặt trận đòi lấy tờ Cứu Quốc về, vì nó “xuống quá”. Tuy về danh nghĩa, báo Cứu Quốc là của Mặt trận, nhưng Sở Thông tin trực tiếp làm, ông Tiểng đứng tên chủ bút. Phải bàn cách giữ nó lại, chứ giao nó thì…thất bại quá!
Bây giờ mới biết rằng lúc đó, báo chí còn in mỗi kỳ 800 tờ, tặng đi 500, còn đọng lại 300. Muốn giữ lại thì phải làm cho nó hấp dẫn, dẫn đến tăng số tiêu thụ, tăng lượng phát hành. Phải thay đổi nội dung thì có rất nhiều ý kiến, nhưng đến phần thay đổi người phụ trách thì hội nghị “ngắc ngứ”.
Cuộc họp bế tắc. Cuối cùng anh Lưu Quý Kỳ- Giám đốc Sở kiêm Hội trưởng Chi hội Văn nghệ quyết định, xem như kết luận cuộc họp: “Anh Tùng vẫn giữ hai nhiệm vụ kia, đồng thời kiêm nhiệm thêm chức vụ Thư ký Tòa soạn báo Cứu Quốc, được toàn quyền quyết định về nội dung và hình thức tờ Cứu Quốc đổi mới. Cố gắng để khoảng một tuần lễ sau bắt đầu ra số 1 bộ mới”.
Thế là hết bàn cãi.
Tối về, ôm khoảng một chục số báo Cứu Quốc ra gần nhất, nằm nghiên cứu. Báo khổ tạp chí, in đẹp, bài vở viết kỹ lưỡng, nhưng phải đăng nhiều hiệu triệu, văn kiện, thông báo các loại chiếm phần lớn số trang. Phần còn lại, bài viết của nhà báo phải thu ngắn, đạt mức hết sức súc tích nên thường khô, thiếu tính hấp dẫn. Không có phần văn nghệ. Khắc phục tình trạng này quả là gay đây. Tôi nghĩ phải mở rộng khái niệm Mặt trận đến toàn dân. Toàn dân ta đang đánh giặc. Mặt trận là tiêu biểu cho sự quyết tâm thắng giặc, như vậy phản ánh hình ảnh toàn dân đánh giặc chính là phản ảnh sinh hoạt thiết thực của Mặt trận, có như vậy mới tranh thủ được độc giả, tờ báo mới “sống”.
Tôi đề xuất tờ Cứu Quốc bộ mới sẽ ra lại khổ lớn, 4 trang như báo thành, đăng thật nhiều tin tức chọn lọc và có trang văn nghệ. Nếu cần đăng cả bài ca vọng cổ. Chỉ có khác trước là không ra hàng ngày, mà phải căn cứ vào khả năng của phát hành. Tăng khả năng và đẩy nhanh tốc độ phát hành cũng là một mục tiêu phấn đấu quan trọng.
Tôi để ra mấy ngày lo soạn bài vở cho số 1. Bắt tay vào làm mới thấy ớn. 4 trang báo lớn, bao nhiêu là chữ, rất dễ nảy lên ý nghĩ cứ trám vào cho mau đầy. Ngoài bài xã luận chính cho mỗi kỳ, nói lên nhiệm vụ chủ yếu của kháng chiến trong thời gian trước mắt- bài này Ban Giám đốc Sở viết- còn lại tất cả thuộc về Tòa soạn, nòng cốt là tôi. Tin tức là chủ yếu, tôi thường xuyên tự nhắc mình, tin tức thì lúc đó có rất nhiều, quá nhiều là khác. Cái khó là phải soạn thành tin, thành bài báo. Chọn những tin quan trọng, nổi bật, đặt lên trang đầu, cần thì kèm theo bình luận ngắn. Những tin ít quan trọng hơn thì viết ngắn lại. Rồi bản tin vắn, chia thành cụm, phân tán vào các trang. Tôi phải áp dụng nhiều lối viết, hành văn khác nhau cho mỗi loại. Phần văn nghệ tôi tìm trong số bút ký, truyện ngắn gởi về.
Báo Cứu Quốc. Ảnh tư liệu.
Số 1 được quyết định in 3.000 tờ, chỉ tặng các cơ quan đầu não 50 tờ, còn bao nhiêu bán tất, giá 1 đồng 1 tờ, bằng với giá báo trong thành phố. Tòa soạn cho phép các tổ phát hành bán lẻ báo ở dọc đường cho ai cần mua, cho hưởng hoa hồng như đại lý, để anh em có thêm tiền ăn khi đi đường.
Mới đi hôm trước, ngày hôm sau tổ số 1, phát hành vùng mũi Cà Mau đã trở về. Hết sạch báo. Rồi ngày hôm sau nữa, cả hai tổ đi trên vùng sông Trẹm, Thới Bình, Chắc Băng cùng về một lượt sớm hơn dự kiến. Báo bán chạy quá.
Tôi lại phải gác mọi việc lại, cùng với anh em lao vào soạn bài vở cho số 2. Lần này yêu cầu nhà thơ Phương Viễn (tức Viễn Phương) chọn cho 3 bài thơ đủ các thể loại mới, cũ, lục bát, trong số thơ gởi về Chi hội Văn nghệ, vì anh em phát hành nói có nhiều người hỏi: Báo sao không có thơ? Số 2 bên phát hành yêu cầu tăng số in lên 5.000 tờ. Nhưng rồi cả 3 tổ phát hành cũng đều về sớm…Họ tíu tít yêu cầu tăng số lượng phát hành, ra báo nhanh hơn khi về là có ngay báo mới, khỏi chờ đợi.
Số 3, chúng tôi soạn nhanh hơn, vì đã bắt đầu quen với việc biên soạn, đồng thời cũng vì sự thúc giục của phát hành. Lần này có thêm phát biểu của một vài nhân sĩ, do có lời phàn nàn phần dành cho Mặt trận còn ít quá. Số in tăng lên 7.000 tờ. Đặt thêm hai tổ phát hành cho đi hẳn lên vùng trên miệt Cần Thơ, Rạch Giá. Rồi số kế tiếp in lên 10.000.
Bài vở, tin tức có cả phóng sự của các phóng viên nhà đi cơ sở viết cũng bắt đầu được gởi về, kèm theo thư cho biết anh em đã được đọc những tờ báo nhà đầu tiên và rất phấn khởi. Báo rất được đồng bào hoan nghênh, tờ báo được chuyền cho nhau xem đến rách nát. Bà con nói: Báo Cứu Quốc xem đáng đồng tiền, đọc không sót một chữ, không mất chỗ đăng quảng cáo, không chửi xiên chửi xéo, bươi móc đời tư, toàn những chuyện đứng đắn, hay ho ở vùng giải phóng của mình. Đánh địch cũng hay. Nhưng ít nói đến sân khấu, nghệ sĩ quá, có lẽ trong khu không có. Tôi giật mình, báo mình ít nói về các nghệ sĩ thật.
Khi báo in tăng lên 10.000 tờ một kỳ, tôi hỏi anh Ba Giàu, người cán bộ già chuyên lo chạy vật liệu và phát hành. Anh thản nhiên đáp: “Báo cần đến đâu, tôi đảm bảo tới đó”. Thế là in lên 13.000 tờ, rồi 15.000 tờ, rồi 17.000 tờ mỗi số. Số tổ phát hành đã tăng lên 8 tổ, bao khắp vùng giải phóng, mà chẳng tổ nào mang báo ế về. Đến con số 17.000 tờ thì chính anh Ba Giàu lại nhăn nhó nói: “Tạm dừng lại ở mức này đi. Để tôi lo tìm thêm mối giấy”.
Thì ra, từ trước đến giờ nguồn giấy báo in, anh Ba mua ở Sài Gòn, chở lậu về khu qua chợ Tắc Vân, nằm trên trục Bạc Liêu - Cà Mau. Điểm xuống hàng và chuyển về vùng giải phóng cách đó 1 km thì đặt ngay tại…bót giặc, có tên sếp bót đứng trông chừng. Tất nhiên có một khoản lì xì nhất định. Giờ thì chúng không nhận cho chuyển nhiều hơn nữa, mặc dù được hứa hẹn tăng thêm tiền “quá giang”. Chủ yếu chúng sợ cho đi nhiều hơn, thời gian bốc dỡ sẽ kéo dài, làm tăng thêm khả năng bị lộ. Đành dừng lại ở mức 17.000 tờ mỗi kỳ.
Một hôm, anh Lưu Quý Kỳ bỗng nảy ra sáng kiến: Hay là ta phát hành cả vùng bị tạm chiếm, bước đầu thử cho vào các thị xã Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu? Đề xuất rất hấp dẫn. Nhưng như vậy phải tổ chức các đội phát hành đặc biệt cho nội thành, có thể sẽ bị địch phát hiện, người của ta bị bắt? Anh Kỳ bảo: “Cứ làm thử xem, ta ngụy trang với măng-sét báo thành. Tuồn vào các trẻ bán báo dạo, không cần thu tiền, chúng sẽ tùy mặt người mua mà trao báo. Điều này làm được lắm chứ.”
Chúng tôi nghiên cứu lại măng-sét báo Cứu Quốc, sao cho phù hợp với khuôn khổ của báo Thần Chung là tờ báo trong thành phố bán chạy nhất ở các tỉnh miền Tây. Khi nhà in chạy đủ số cho vùng giải phóng thì ngừng lại, thay măng-sét báo Thần Chung vào. Cũng phải thay những cái tít chữ to ở trang 1 bằng tít mới với lời lẽ kiểu báo ở thành.
Chẳng hạn tít những tin hoặc bài viết về những trận đánh thắng lớn của quân ta thì thay bằng: “Một vụ xung đột lớn đổ máu”, hay về những quyết định, chủ trương, chính sách của Chính phủ ta thì thay bằng: “Những quyết định phù hợp với quần chúng”…Chỉ cần thay ở trang 1 thôi, bởi vì tờ báo khi gấp lại thì các phần kia sẽ khuất vào trong.
Anh Lưu Quý Kỳ rất thích cùng tôi làm cái việc thay lắp tít này. Khi tìm được cái tít đạt yêu cầu thì cả hai nhìn nhau cười thích thú. Anh em nhà in, khi làm công việc thay tít cũng cười như nắc nẻ. Tinh mắt lắm mới nhận ra co chữ của báo ta to hơn của báo thành, nhưng chúng tôi tin ở tài tháo vát của đám trẻ bán báo. Chỉ tiếc là chỉ in thêm 1.000 tờ báo ngụy trang, chia ra phát ở mỗi thị xã độ vài trăm tờ mỗi kỳ để thử xem tác dụng. Luôn mấy kỳ báo vẫn không nghe đổ bể ở đâu cả.
Rồi một hôm, anh Lưu Quý Kỳ cho chúng tôi xem một bức thư ở Sài Gòn gửi về, trong đó, một người tự xưng là thay mặt cho báo Thần Chung xin ta thương giùm báo này, trước giờ vẫn cố gắng không dám đụng gì đến kháng chiến, nay bỗng bị tai nạn, vì bao nhiêu báo Thần Chung hàng ngày về đến miền Tây đều bị “chúng nó” tịch thu cả. Thư gợi ý ta nên đổi món, sử dụng măng-sét các báo khác của Sài Gòn như Lẽ Sống, Sài Gòn Mới. Tất cả chúng tôi cùng cười vui, vì điều này chứng tỏ báo ngụy trang đã vào được và phát huy tác dụng trong vùng tạm bị chiếm.
Đến đầu năm 1954, để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tất cả các báo ở miền Tây Nam Bộ được gom về dưới sự quản lý trực tiếp của Ban Tuyên huấn Xứ ủy. Chúng tôi giao tờ báo như cất đi một gánh nặng, đồng thời cũng thấy mất đi một phần hứng thú của những ngày làm báo Mặt trận vô cùng sôi nổi và có hiệu quả.