Năm 1968, gia đình Văn Vượng chuyển từ Hải Dương lên Hà Nội sinh sống. Và ở trên mảnh đất Thủ đô này chàng trai Văn Vượng với “chút vốn ghita” ít ỏi đã nhanh chóng “hòa” vào “dòng thác” âm nhạc nơi đô hội.
Tôi nhớ một chiều hè chừng 30 năm trước, sau buổi đi làm về, tôi đạp xe tới nhà Văn Vượng.
Hồi đó nhà ông còn ở số nhà 51 phố Hàng Giấy, bên mé rạp chiếu phim Bắc Đô, cách đường sắt dẫn lên cầu Long Biên chỉ chừng chục mét. Thực ra ông được nhà nước cho thuê một gian trên tầng 2 của số nhà đó, một “căn hộ” nhỏ với hai phòng nhỏ, mỗi phòng cỡ chỉ bằng một chiếc giường đôi. Phòng sát cầu thang làm nơi ông dạy đàn và tiếp khách, phòng bên cạnh làm nơi ngủ.
Tôi dắt xe theo lối nhỏ để vào sâu bên trong số nhà 51. Dựng xe chỗ giếng trời ở khoảng giữa số nhà, cũng là khoảng sân chung của mọi người. Nghệ sĩ ghita Văn Vượng ở trong nhà. Tôi khẽ chân bước lên từng bậc cầu thang gỗ ọp ẹp để tới căn phòng của ông.
Hôm ấy lớp học ghita của ông tan sớm. Lúc tôi tới Văn Vượng đang ngồi tư lự một mình bên chiếc bàn gỗ tròn cũ kỹ, vẻ như chẳng quan tâm đến thứ gì cả. Ấy vậy khi những bước chân “rón rén” của tôi lên tới thì ông chợt quay về hướng cửa: “Ông Văn đấy à. Mình cũng đang rảnh đây”.
Nghệ sĩ Văn Vượng khi nói chuyện cùng tôi thường xưng “mình” và gọi tôi là “ông”, cách xưng hô rất thân hữu, ông xoay người chỉnh lại tư thế ngồi. Phải nói là “trời thương” nên phú cho ông có đôi tai vô cùng thính nhạy. Đợi cho tôi vào hẳn trong phòng và ngồi trên chiếc ghế gỗ thì nghệ sĩ Văn Vượng nói: “Ông chiết rượu ra chén. Mình uống cho vui”.
Tôi quen với nghệ sĩ Văn Vượng chắc cũng gần 40 năm. Những lúc rảnh tôi thường đi bộ tới nhà ông vì nhà tôi cách nhà ông không xa là mấy. Cũng có hôm tiện đi làm về tôi ghé qua thăm chơi với ông. Thực tình thì tôi dốt nhạc lại cũng kém chơi đàn nên đến nhà ông tôi chẳng học đàn và cũng không xem ông dạy đàn. Tôi đến chơi để cùng ông trò chuyện, những câu chuyện chẳng đầu chẳng đuôi, nhưng cũng là để hai anh em bù khú với nhau vài ba chén rượu. Phải nói là Văn Vượng có nhiều rượu ngon. Thứ rượu quê trong như mắt mèo đều của học trò mang tặng, uống vào tới đâu là thấm tới đó.
Ngồi im hồi lâu để nhân nhi chén rượu suông, chợt có đoàn tàu hỏa bờ tả sông Hồng nặng nề miết bánh xe trên đường ray đổ dốc vào ga Hàng Cỏ. Nghệ sĩ Văn Vượng, chắc vì đã quen với chuyện ồn ào đó nên ông vẫn lặng im. Bất chợt tôi nghe một tiếng thở dài nhè nhẹ của ông. Tiếng thở dài đó khiến tôi nhớ tới hình ảnh nghệ sĩ Văn Vượng, với cặp kính đen đang trầm tư hướng mặt ra ô cửa sổ phía tây của căn phòng. Hình ảnh đó cứ in đậm vào tâm trí tôi khi nó là hình ảnh mở đầu và kết thúc của bộ phim tài liệu nổi tiếng “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân Trần Văn Thủy. Hình như đó chính là lúc nghệ sĩ Văn Vượng đang cảm nhận những âm thanh của cuộc sống bộn bề.
Sau khi đoàn tàu qua nhanh, chúng tôi bấy giờ mới trở lại trạng thái ban đầu, nghĩa là cùng nâng chén lên, tợp một hơi rồi khà một tiếng. Có lẽ đấy là lúc Văn Vượng thấy thư thả nhất, thấy yêu cuộc sống nhất. Ông cầm lấy cây đàn ghita và dạo một đoạn nhạc. Lúc ấy trông ông rất say sưa, tưởng như ông “quên” hẳn có tôi đang ngồi trước mặt. Lâu sau ông ngừng tay chơi đàn và ông nói như nói với chính mình: “Mình đàn cho ánh sáng từ ký ức xa xăm trở về”.
Thấy ông mở lòng nên tôi vội mở trang báo Văn nghệ ra và đọc cho ông nghe bài báo tôi viết về ông vừa mới in. Nghệ sĩ Văn Vượng chăm chú lắng nghe. Nghe đến đoạn cuối thì ông trầm ngâm hẳn. Hình như có gì đấy khiến ông không hài lòng. Mãi sau này tôi mới biết vì sao ông chợt trầm ngâm. Thì ra ở cuối bài viết tôi “mạnh dạn” đặt vấn đề cần sớm phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho ông. Mãi sau này ông mới cho hay: “Mình chẳng biên chế ở một đoàn hay một đơn vị nghệ thuật nào. Ai phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho một người tự do như mình?”.
Nhưng chỉ hai năm sau, nghĩa là vào năm 1997, Nhà nước đã phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho ông. Hôm được tin ông nhận vinh dự đó, tôi đang đi công tác ở miền Nam nên không đến chúc mừng ông được. Tôi ngồi một mình và tự một mình nâng một chén rượu lên. Chắc ở ngoài Hà Nội ông cũng đang ngồi trầm ngâm uống rượu một mình. Tính của Văn Vượng là thế, ông ngại chỗ đông người và không thích ồn ào.
Chúng tôi thường uống rượu suông, cũng có hôm chị Nguyệt - vợ ông, đem ra cho hai anh em đĩa lạc. Thế là hôm đó vui rồi, lại phải uống thêm chén nữa.
Văn Vượng cũng có vài lần đến nhà tôi. Ông đến thường không báo trước, vả lại hồi đó chẳng có “đường dây thông tin” nào để báo trước cho nhau cả. Rảnh thì ông đến, có được bản thu cassette mới thì ông đến. Lần nào cũng thế, ông bảo một cậu học trò đèo xe đạp đưa ông đến nhà tôi. Hai anh em lại ngồi uống rượu suông, ngồi lặng im lắng nghe bản nhạc mới thu. Hồi lâu thì ông đứng dậy, cậu học trò hiểu ý bước tới đỡ ông rồi cẩn thận dìu ông đi xuống cầu thang để ra ngoài hè phố Phan Đình Phùng. Cậu học trò quay lại chào tôi rồi hai thầy trò lại đưa nhau về số nhà 51 phố Hàng Giấy.
Anh em trò chuyện thân hữu với nhau nên tôi mới biết ông tuổi Tân Tỵ, lại sinh ra và lớn lên ở Hải Dương. Năm lên 4 tuổi, chú bé Văn Hữu Vượng bị mắc bệnh đậu mùa. Căn bệnh quái ác đã cướp đi của ông nguồn ánh sáng. Những tưởng sẽ chẳng có gì cho tương lai cả nhưng rồi “trời thương”.
Số là sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, các chiến sĩ Điện Biên trở về tiếp quản Hà Nội cùng các đô thị khác ở miền Bắc. Ở cạnh nhà ông nơi thị xã Hải Dương ngày đó có một đơn vị đóng quân. Những lúc rảnh rỗi các anh chiến sĩ Điện Biên lại mang đàn ra gảy. Một bữa, anh chiến sĩ Điện Biên chợt ngẩng đầu nhìn lên, chú bé mù Văn Vượng ở nhà bên đang chăm chú lắng nghe anh đàn. Chú ngồi một mình nhưng dáng ngồi hệt như một người đang ngồi chơi đàn vậy. Mấy ngón tay trái của chú cũng bấm bấm vào không khí như đang bấm phím đàn, mấy ngón tay phải cũng như đang gảy dây đàn vậy. Thấy thế anh chiến sĩ Điện Biên bèn dừng chơi đàn và hỏi: “Em có muốn học đàn không?”. Chú bé Vượng gật đầu.
Thế là chú bé mù có cái tên rất “hứa hẹn” là Văn Hữu Vượng được nghe các anh bộ đội dạy chơi đàn, cậu được “sờ tay” vào cây đàn gỗ và quan trọng hơn là được các anh dạy chơi đàn theo đúng kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nghĩa là Văn Vượng được các anh bộ đội cầm tay đi từng nốt nhạc. Cứ thế, cứ thế, dường như có một sự huyền diệu ùa tới mà cậu bé mù Văn Vượng trở nên háo hức học chơi cây đàn gỗ, cậu bé Văn Vượng trở nên gắn bó với đàn ghita từ đó. Và như có lần nghệ sĩ Văn Vượng đã nói với tôi: “Chính những anh bộ đội mới là người thầy dạy đàn đầu tiên của tôi”.
Từ năm 1968, gia đình Văn Vượng chuyển từ Hải Dương lên Hà Nội. Từ đây với “chút vốn ghita” ít ỏi Văn Vượng đã nhanh chóng nhập vào “dòng thác” âm nhạc nơi đô hội. Bắt đầu từ một người chơi ghita kiểu “tài tử”, không lâu sau Văn Vượng trở thành một người chuyển soạn rất thành công những bản nhạc của dòng nhạc cách mạng cho độc tấu ghita. Đó là phải kể đến các bài như: "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Bài "Trường ca sông Lô" của Văn Cao. Những bài chuyển soạn đó sau đều trở thành những bài độc tấu ghita kinh điển. Và ông đã có “gia tài khủng” với hàng trăm bản chuyển soạn và sáng tác cho ghita độc tấu.
Giờ ông đã “ngừng” chơi đàn. Giờ thì ông đã mang những ngón đàn tuyệt mỹ của mình vào cõi phiêu bồng. Nghe tin ông qua đời hôm 11/2 vừa qua, tôi ngồi lặng đi, chén rượu trên tay chẳng thể nào đưa lên nhấp môi.
Bắt đầu từ một người chơi ghita kiểu “tài tử”, không lâu sau Văn Vượng trở thành một người chuyển soạn rất thành công những bản nhạc của dòng nhạc cách mạng cho độc tấu ghita. Đó là phải kể đến các bài như: "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Bài "Trường ca sông Lô" của Văn Cao. Những bài chuyển soạn đó sau đều trở thành những bài độc tấu ghita kinh điển. Và ông đã có “gia tài khủng” với hàng trăm bản chuyển soạn và sáng tác cho ghita độc tấu.