Các hãng sản xuất sữa công thức cho trẻ em đang đánh cược lớn vào thị trường đang khát sữa của châu Á, trong bối cảnh nhu cầu của khu vực này đang tăng đột biến sau khi Trung Quốc bỏ chính sách một con và sự gia tăng dân số trẻ ở nhiều quốc gia.
Sau khi bỏ chính sách một con, nhu cầu sữa công thức ở Trung Quốc tăng mạnh do số trẻ sơ sinh tăng. (Nguồn: Getty).
Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng khổng lồ của Anh, Reckitt Benckiser mới đây đã tuyên bố khoản đầu tư lớn vào thị trường sữa công thức ở châu Á. Mới đây nhất, trong hôm 2/2, công ty Mead Johnson của Mỹ - nhà sản xuất sữa công thức đứng thứ hai thế giới - cũng tuyên bố khoản đầu tư trị giá tới 16,7 tỷ USD vào khu vực châu Á sau khi nhận thấy đợt bùng nổ của thị trường này.
Sữa công thức dành cho trẻ em vốn là một ngành kinh doanh đồ sộ. Doanh thu bán sữa công thức trên toàn cầu trong năm 2014 lên tới 41 tỷ USD, theo ước tính của Euromonitor. Và hiện nay, châu Á đang là thị trường tiêu thụ sữa công thức có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới và có nhiều động lực đằng sau đó.
Bùng nổ trẻ sơ sinh ở Trung Quốc
Quyết định phá bỏ chính sách một con mà Trung Quốc đưa ra trong năm 2015 đã tạo ra ảnh hưởng lớn không chỉ tới nhân khẩu học của nước này, mà còn đối với cả các nhà sản xuất sữa công thức lớn như Reckitt và Mead Johnson.
Các cặp vợ chồng ở nước này giờ được cho phép có 2 con sau khi các mối quan ngại về dân số già hóa của Trung Quốc đã khiến chính phủ phải gỡ bỏ một chính sách đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua. Năm ngoái, tỷ lệ sinh đẻ của Trung Quốc đã tăng đột biến lên tới mức cao nhất trong vòng 1 thế kỷ, với con số trẻ sơ sinh tăng tới 7,9%, tương đương 1,31 triệu trẻ em.
Đợt bùng nổ đó cũng kéo theo nhu cầu tăng dần về thực phẩm, sữa công thức, quần áo và thuốc men; như giới chuyên gia đã dự đoán từ trước.
“2 đứa trẻ thay vì chỉ 1 có nghĩa rất rõ ràng, các gia đình sẽ phải tăng gấp đôi thực phẩm cho con cái họ, tăng gấp đôi lượng thuốc men và sữa công thức” - David Kuo, Giám đốc hãng nghiên cứu Motley Fool tại Singapore, nhận định.
Tuy nhiên, những thay đổi về quy định nhập khẩu sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất sữa phải tự điều chỉnh - trong đó một số hãng đã cảnh báo rằng nó sẽ gây ảnh hưởng ngắn hạn tới doanh số bán hàng của họ.
Ngoài việc phá bỏ chính sách một con ra thì văn hóa cũng là một phần không nhỏ giúp thị trường sữa công thức ở Trung Quốc tăng mạnh. Các bà mẹ nuôi con ở Trung Quốc rất hiếm khi nuôi con bằng sữa mẹ dài hạn mà thay vào đó thường tin tưởng hơn vào chất lượng của các loại sữa công thức đắt tiền.
Phụ nữ và việc làm
Ngoài Trung Quốc thì khu vực Đông Nam Á cũng là khu vực đóng góp đáng kể vào đợt bùng nổ lượng cầu về sữa công thức. Một số quốc gia như Indonesia, Malaysia đang nhanh chóng thúc đẩy công nghiệp hóa và có đông dân số trẻ, họ dự kiến sẽ đón chào thêm hàng triệu bà mẹ mới sinh con vào lực lượng nhân công trong các năm tới. Khi điều đó xảy ra, việc cho con bú truyền thống sẽ dần được thay thế bằng các loại sữa công thức.
Trong một nghiên cứu được Tạp chí sức khỏe danh tiếng Public Health Nutrition Journal công bố hồi năm ngoái, TS Philip Baker thuộc ĐH Quốc gia Australia đã mô tả xu hướng này như “sự thay đổi dinh dưỡng lớn nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em mà thế giới từng ghi nhận”.
Vấn đề an toàn thực phẩm
Tuy nhiên, sữa công thức bùng nổ ở châu Á cũng kéo theo nhiều mối quan ngại liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm.
Đã trải qua gần một thập kỷ kể từ khi chính quyền Trung Quốc phanh phui vụ bê bối sữa bẩn chấn động. Nhưng nỗi ám ảnh về an toàn thực phẩm đến nay vẫn chưa dứt. Đã có 6 trẻ sơ sinh chết và hàng trăm nghìn đứa trẻ khác bị mắc các triệu chứng nguy hiểm hồi năm 2008 sau khi uống sữa công thức có chứa độc chất Melamine.
Sự việc trên, kết hợp với các cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm thường thấy và các vấn đề ô nhiễm đã giúp cho các nhà sản xuất sữa phương Tây được người tiêu dùng châu Á ưa chuộng hơn là các nhà sản xuất trong nước.
“Mọi người đang rất cảnh giác và đó là lý do các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu đang tăng mạnh thông qua hình thức thương mại điện tử” - Shaun Rein, thuộc hãng Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc, nhận định.
Ngày nay, việc các gia đình Trung Quốc đặt mua số lượng lớn sữa công thức cho trẻ sơ sinh từ nước ngoài không còn gì lạ lẫm. Điều này đã giúp các nhà bán lẽ sữa công thức gia tăng doanh thu một cách nhanh chóng. Và lợi ích lớn nhất đến từ đợt bùng nổ cầu này thuộc về hãng Mead Johnson - công ty có đến phân nửa tổng doanh thu đến từ khu vực châu Á.