Đây là con số được đưa ra tại họp báo khai mạc triển lãm và hội thảo quốc tế lần thứ 8 về công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2022) sáng ngày 12/10 tại Hà Nội.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, dự đoán sơ bộ cho thấy tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 năm 2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%
Cũng theo ông Long, việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất kiến tạo trong doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam sẽ giúp các nhà máy nâng cao năng lực sản xuất một cách rõ rệt đặc biệt khi áp dụng tự động hóa.
Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc dự án Informa Markets Vietnam thì hai năm vừa qua, đại dịch đến và mang lại nhiều khó khăn trở ngại cho các ngành kinh tế nói chung và ngành sản xuất chế tạo nói riêng. Năm 2022 được đánh giá như là một năm chuyển giao, là thời điểm mà các ngành công nghiệp được sắp xếp lại, đầu tư và triển khai, về chiến lược sản xuất dài hạn trên toàn cầu. Những thách thức trước mắt về nguồn nhân lực cũng thúc đẩy quy trình tự động hóa tại nhà máy nhiều hơn.
Chính vì vậy, MTA Hanoi 2022 được tổ chức nhằm giới thiệu đến cộng đồng sản xuất, chế tạo hàng loạt các công nghệ và giải pháp tiên tiến phục vụ nhu cầu đầu tư thiết bị và máy móc, tiếp tục tăng cao của doanh nghiệp ngay cả sau đại dịch. Triển lãm có diện tích hơn 5000m2, có sự tham gia của gần 100 đơn vị trưng bày, đến từ 13 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh hoạt động triển lãm, trong 3 ngày, 3 phiên hội thảo sẽ được diễn ra bao gồm: Chuỗi hội thảo hướng tới sản xuất thông minh, công nghệ in và kỹ thuật số sẽ. Nội dung hội thảo được nghiên cứu, xây dựng dựa trên các vấn đề cập nhật, mang tính ứng dụng cao giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc về ngành sản xuất tại Việt Nam, từ đó có thể áp dụng triển khai trong thực tế.