Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đang khẩn trương xác minh, làm rõ cái chết của 3 người đàn ông sau khi uống rượu. Bước đầu nguyên nhân tử vong được xác định là do ngộ độc rượu, bởi cả 3 người này đều mua rượu từ một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Lê (phường Đức Long, TP Phan Thiết) mang về nhà uống.
Trong những năm qua, báo chí đã tốn không ít giấy mực cảnh báo mức độ nguy hiểm của rượu bia nhưng xem ra vẫn có không ít người chưa biết sợ. Những cái chết đã được báo trước mà vẫn có người không tránh được.
Sau một loạt ca ngộ độc do uống rượu pha methanol (cồn công nghiệp) vào đầu năm 2017 khiến nhiều người tử vong, người dân đã biết sợ và cảnh giác mỗi lần đi ăn nhậu. Cùng với đó là sự siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng đối với nguồn gốc xuất xứ của rượu bia nên số người bị ngộ độc rượu bia đã có xu hướng giảm. Song, thời gian gần đây, việc quản lý nguồn gốc xuất xứ của rượu bia bắt đầu lỏng lẻo nên “rượu cuốc lủi” bắt đầu phát triển mạnh trở lại, khiến số ca ngộ độc rượu phải nhập viện có dấu hiệu gia tăng. Nhiều người trong số đó đã không thoát khỏi tay tử thần.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, gần đây số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu phải vào điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào người trẻ, đang ở độ tuổi lao động (20-40 tuổi). Một phần trong số đó dù đã được các y bác sĩ chăm sóc, cấp cứu kịp thời nhưng cũng không thể qua khỏi. Những người may mắn vượt qua được cơn hiểm nghèo, lượn một vòng “quỷ môn quan” rồi trở về, cũng để lại những di chứng nặng nề cho cơ thể. Thật đáng buồn khi những người vốn là lao động chính trong gia đình bỗng trở thành tàn phế.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã có hiệu lực pháp luật. Lẽ ra số người phải chết vì tai nạn giao thông (TNGT), vì ngộ độc rượu... phải giảm, nhưng thực tế chưa hẳn đã như vậy. Trong mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, mặc dù số vụ TNGT giảm, nhưng số người chết lại tăng mà chủ yếu do uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số ca ngộ độc rượu mà Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) phải tiếp nhận có xu hướng tăng lên so với các năm 2018, 2019.
Thôi thì khoan hãy bàn đến hành lang pháp lý và các chế tài đối với những người lạm dụng rượu bia. Chỉ riêng về góc độ sức khỏe, theo các chuyên gia y tế, rượu bia là tác nhân gây ra hơn 200 loại bệnh, trong đó có nhiều bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa. Những người nát rượu có nguy cơ cao bị loạn thần, hoặc ung thư…
Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xếp rượu bia vào nhóm chất gây ung thư rất cao với nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Từ ung thư gan, mật, tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng... Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 168.000 người mắc mới ung thư, trong đó ung thư gan do rượu bia là phổ biến với hơn 25.000 ca mắc mới và tử vong. Đó là chưa kể đến hàng trăm loại bệnh khác hết sức nguy hiểm, có khả năng tử vong cao phát sinh do tác hại của rượu bia mà trong khuôn khổ bài viết chưa thể liệt kê hết được.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế chỉ ra rằng, có tới hơn 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật như ung thư, xơ gan, tim mạch, viêm gan, tâm thần, viêm loét dạ dày, ngộ độc... do hậu quả của rượu bia gây ra. Về góc độ xã hội, việc lạm dụng rượu bia dẫn tới mất kiểm soát hành vi và là nguyên nhân dẫn đến mất trật tự xã hội, bao gồm các vụ trọng án, cố ý gây thương tích, TNGT... Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định: Rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Như vậy, đây rõ ràng là những cái chết đã được báo trước.
Ấy vậy mà không ít người “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”, vẫn chưa biết sợ tác hại ghê gớm của rượu bia. Dù người ta đã ít đi nhậu ở các quán bia, quán rượu vì sợ bị lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn, nhưng ở nhà thì vẫn giữ thói quen “uống thả cửa”. Với tâm lý uống xong đi ngủ, có ra ngoài đường đâu mà sợ bị phạt, người ta không chỉ uống nhiều mà còn cố ép người khác cùng uống nhiều. Thật đau lòng với những vụ án đâm chết bạn nhậu chỉ vì mời uống rượu mà không uống. Cũng thật đau xót khi có những nữ sinh đã bị bạn trai hiếp dâm tập thể sau khi uống rượu ngà ngà.
Rất nhiều tấm gương tày liếp nhưng xem ra chưa đủ để một số người tỉnh ngộ. Họ vẫn uống tràn cung mây, mặc sự đời đến đâu thì đến. Đó không chỉ là thái độ thiếu ý thức và thiếu trách nhiệm công dân đối với xã hội, mà còn coi thường tính mạng của chính bản thân, là mối họa cho gia đình và xã hội. Một gia đình sẽ ra sao khi lao động trụ cột bị tàn tật suốt đời? Các cháu nhỏ sẽ trông vào đâu để sống khi bố/mẹ chết vì ngộ độc rượu? Những cái chết đã được báo trước như vậy tại sao không cố tránh để mang lại hạnh phúc cho người thân?