Trong những năm qua các già làng, trưởng bản, người uy tín trong tỉnh Lai Châu đã trở thành cầu nối để đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với người dân. Bên cạnh đó, các già làng, trưởng bản, người uy tín còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, các cuộc vận động, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Người uy tín góp phần giữ vững bình yên thôn bản.
Chỗ dựa tin cậy của đồng bào
Ở bản Lọng Bon, xã Hua Nà, huyện Than Uyên, người dân nhắc nhiều đến ông Vàng Văn Chổn bởi những công việc mà ông đã làm cho đồng bào dân tộc nơi đây. Thấm cái đói, cái khổ của bà con trong bản, già Chổn đã tiên phong trồng thử nghiệm những cây, con giống có hiệu quả kinh tế cao xem có phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không để từ đó nhân ra diện rộng.
Đối với những hộ nghèo, không có vốn làm ăn, chưa nắm vững kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, ông cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo có thể tiếp cận các nguồn vốn làm kinh tế.
Qua triển khai, thực hiện nhiều hộ nghèo đã biết khai thác lợi thế địa phương, đầu tư hợp lý để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong bản Lọng Bon. Đặc biệt, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới, già Chổn cho rằng đây chính là cần câu để người dân có thể thoát được đói, giảm được nghèo. Nhưng “con đường” để đi từ chủ trương đến được với thực tế cuộc sống còn là cả một chặng đường dài đầy gian nan.
Làm sao để giúp bà con trong bản thoát nghèo luôn là câu hỏi đau đáu trong lòng già. Khó khăn nọ chồng lên khó khăn kia thôi thúc già Chổn đến từng nhà trò chuyện, phân tích lợi ích của chủ trương này để người dân trong bản cùng góp vật liệu, ngày công và hiến đất làm đường bê tông.
Già Chổn chia sẻ: Làm đường để hàng hóa được lưu thông, sản phẩm bà con trong bản làm ra không bị ế ẩm, tư thương không ép giá thì cuộc sống bà con mới khấm khá lên được. Để dân hiểu và tin theo, già Chổn đã vận động gia đình làm trước. Từ gương già Chổn, bà con trong bản bảo nhau người góp tiền, người góp vật liệu để làm đường. Ngày con đường mới được khánh thành, ai cũng mừng vui. Niềm vui đó còn được nhân đôi khi mùa này bà con trong bản còn trúng lớn vụ trồng cây thảo quả thay cho cây ngô, cây sắn hiệu quả kinh tế thấp.
Không chỉ già làng Chổn, mà ông Lò Văn Vịn, dân tộc Thái, người có uy tín ở bản Chợ, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn cũng đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong việc giáo dục con cháu, vận động bà con thực hiện các hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống mới.
Số lượng gia đình văn hóa tăng lên hàng năm đã trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân bản Chợ mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của xã Lê Lợi. Ông Lò Văn Vịn cho rằng: Để được công nhận gia đình văn hóa thì bản thân gia đình phải cam kết sống lành mạnh qua đó xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Tiếp tục phát huy vai trò người uy tín
Lai Châu là một tỉnh vùng Tây Bắc có dân số hơn 42 vạn người với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87%. Trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng và bình chọn được 1.106 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín, kinh nghiệm của bản thân, đội ngũ người có uy tín trong tỉnh đã trở thành cầu nối quan trọng trong tuyên truyền, vận động để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng cao Lai Châu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sìn Văn Sủ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lai Châu cho biết: Ông Lò Văn Vịn, ông Vàng Văn Chổn chỉ là hai trong hàng nghìn già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đang góp phần quan trọng trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị tại các địa phương.
Họ không chỉ phát huy hiệu quả trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn có khả năng tập hợp, vận động quần chúng chung tay xây dựng và bảo vệ quê hương.
Bên cạnh đó, người có uy tín đã và đang góp phần quan trọng trong việc gắn kết các dân tộc trong tỉnh, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, khơi dậy người dân tích cực, hăng hái tham gia các phong trào chung của xã hội.
Để khuyến khích già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tốt vai trò của mình, tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người uy tín.
“Ủy ban MTTQ, Ban Dân tộc tỉnh cùng một số đơn vị đã tổ chức những buổi cung cấp thông tin, tham quan, học tập kinh nghiệm cho người có uy tín. Nội dung cung cấp là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đồng thời, tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín ở các huyện, thành phố để triển khai các văn bản, chính sách dân tộc hiện hành, phổ biến pháp luật về đất đai, bình đẳng giới… Qua đó, người có uy tín nắm rõ các chủ trương, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản, khu phố thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước…”, ông Sủ khẳng định.