Ngô là lương thực gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, đặc biệt là đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc. Rất nhiều món ăn được chế biến từ ngô như bánh ngô, rượu ngô, mèn mén, lức khoải…món nào cũng có những hương vị rất thơm ngon và khiến người ta không thể quên nếu một lần được thưởng thức.
Mèn mén, món ăn thơm ngon của đồng bào Mông.
Đầu tiên phải kể đến mèn mén, món ăn quen thuộc của đồng bào Mông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô lại được đồng bào phơi trên những hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén. Tuy nhiên để có được bát thành phẩm ngon phải trải qua nhiều công đoạn và thời gian. Mèn mén được chế biến cầu kỳ, bắt đầu bằng tách hạt ngô, xay nhỏ. Ngô xay xong được đem sàng để bỏ mày và sạn, sau đó mới bỏ bột vào nia để trộn cùng nước. Lượng nước cho vào vừa đủ để bột không bị khô hay quá vón. Bột khô quá sẽ khó chín khi hấp, bột vón quá thì món ăn sẽ bị nát, không ngon.
Mèn mén được hấp tất cả hai lần. Khi chín mèn mén có hương vị thơm ngon đậm đà, thường được ăn với một số món canh như: bí đỏ, rau cải, canh xương, nước thắng cố… Món mèn mén trộn cơm được rất nhiều bà con người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm.
Còn với đồng bào Mông cư trú trên địa bàn Sính Lủng, Thài Phìn Tủng, Vần Chải, Sủng Trái thì bánh láo khoải (còn gọi là lức khoải hay rớ khoải) làm từ bột ngô cũng là một món ăn rất tuyệt vời. Ngô sau khi tách hạt, phơi khô, nghiền thành bột rồi đồ chín, nén trên bàn đá và nặn thành hình bầu dục. Sau đó dùng mỡ trộn với mật ong bôi đều trên bề mặt bánh. Bánh láo khoai có thể thái mỏng và nướng trên than củi, cũng có thể thái chỉ, nấu với đường ăn rất mát hoặc nấu với đỗ Hà Lan thành bát canh mát lành.
Và nhắc đến các món được chế biến từ ngô của đồng bào Mông không thể quên rượu ngô. Trong cái tiết se lạnh của núi rừng vùng cao, nhâm nhi chút rượu ngô với thắng cố sẽ thấy ấm áp hơn rất nhiều. Người Mông thường nói, ăn thắng cố mà không thưởng thức rượu ngô thì coi như thiếu đi một nửa. Sau mỗi vụ ngô, bà con sẽ chọn ra những bắp ngô ngon nhất, hạt chắc, có màu vàng óng phơi rồi chất lên gác bếp để nấu rượu dần.
Quy trình nấu rượu ngô của người Mông khá kỳ công. Ngô luộc khoảng 12 tiếng, đến khi hạt ngô chớm bung thì để nguội, trộn đều với bột men sau đó đem ủ 2 tối, đến sáng thứ ba là cho vào chum ủ và khoảng 20 ngày lấy ra để cất rượu. Rượu ngô sau khi nấu ra không uống ngay mà để ít nhất 5-7 ngày cho bay hết hơi độc trong rượu. Lúc đó, rượu ngô thành phẩm trong như nước suối nhưng thơm nồng và khi uống có vị cay nồng nhưng rất dịu nhẹ.
Nếu có dịp lên Tuyên Quang, Hà Giang hay Bắc Cạn, vào các bản làng của người Mông, đừng quên thưởng thức các đặc sản từ ngô hay nhấm nháp chút rượu ngô với thắng cố để thấy phong vị ẩm thực nơi miền núi phía Bắc thật thú vị.