Dù đã lập đồng thời 4 quy hoạch tổng thể, trong đó quy hoạch điều chỉnh tầm nhìn đến năm 2060, nhưng TP HCM vẫn đang chịu nhiều áp lực do “đóng băng” quỹ đất. Phần lớn các “khu đất vàng” hoặc siêu dự án hạ tầng của thành phố vẫn đang chịu chung số phận quy hoạch “treo”, có nơi kéo dài hơn 20 năm chưa thể bàn giao đất, khiến thiệt hại và lãng phí lớn về tài nguyên.
Vừa “treo” vừa sai phạm
Ngay thời điểm đầu năm 2022, một “siêu dự án” tại trung tâm Quận 3, TP HCM đã bị “tuýt còi” do thi công kéo dài, chồng chất sai phạm về chuyển nhượng cổ phần và cho thuê đất. Tại thông báo kết luận (số 115/TB-TTTP-P6) của Thanh tra TP HCM vừa được ban hành, đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP HCM thu hồi phần diện tích 8.921m2 thuộc dự án “đất vàng” kể trên, đồng thời đề nghị chuyển cơ quan điều tra nếu chủ đầu tư không bàn giao khu đất dự án, không thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan.
Trước đó, kết quả thanh, kiểm tra của Thanh tra TP HCM phát hiện có tình trạng các cổ đông (chiếm 70% vốn điều lệ) của chủ đầu tư là Công ty CP TMDV Quảng trường Quốc tế có hành vi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH bất động sản Thiên Thanh để thu lợi.
Trong đó, phần của cổ đông là Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố (Saigon Co.op) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, thu về hơn 336 tỷ đồng; số cổ phần do Công ty May Sài Gòn chuyển nhượng thu về hơn 133 tỷ đồng và cổ đông cuối cùng là Công ty CP vận tải biển cũng thu về hơn 37 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng trái chủ trương của UBND TP HCM.
Riêng phần của chủ đầu tư là Công ty CP TMDV Quảng trường Quốc tế nhờ dùng mặt bằng khu đất dự án cho 9 đơn vị, cá nhân thuê đã thu được hơn 56 tỷ đồng cũng được xác định là vi phạm Luật Đất đai.
Hiện nay, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì trình UBND TP HCM thu hồi, xử lý khu đất gần 9.000m2 của dự án “treo” kể trên theo quy định pháp luật.
Ngoài dự án kể trên, từ đầu năm đến nay, Cục Thi hành án dân sự TP HCM phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giao cho UBND TP HCM một số tài sản đất đai có giá trị lớn nhưng quá trình xử lý kéo dài, bao gồm nhà đất tại số 15 Thi Sách và nhà đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực (Quận 1); đồng thời giao Bộ Công an tài sản nhà đất tại số 129 Pasteur (Phường 6, Quận 3) liên quan đến vụ sai phạm của Phan Văn Anh Vũ với giá trị ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, số lượng dự án, công trình “treo” chưa triển khai thực hiện từ trên 3 năm hầu hết là các công trình cải tạo, chỉnh trang nông thôn, công trình về hạ tầng đô thị, dự án giao thông, thủy lợi. Trong số rất nhiều các nguyên nhân khiến dự án “treo”, đa phần là do chậm triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án dù nằm trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, tổ chức bồi thường nhưng cũng bị “treo” ít nhất 3-5 năm để hoàn tất các thủ tục phức tạp, nhiêu khê.
Theo kỹ sư Trần Văn Phương - chuyên gia nghiên cứu hạ tầng đô thị, việc chậm xử lý và thu hồi dự án “treo” đã dẫn đến nhiều hệ lụy ngoài vấn đề lãng phí về tài nguyên đất đai. Đó là tình trạng dù thiếu đất sản xuất nhưng người nông dân vẫn không thể làm gì được khi đất đã bị thu hồi cho các dự án quy hoạch “treo”.
Cũng theo chuyên gia này, đã có không ít hộ nông dân tại các huyện vùng ven của TP HCM hiện không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp do dự án “treo”, dẫn đến không xin được chứng nhận về sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất, nhập khẩu.
Cần cơ chế quy hoạch đặc thù
Trên thực tế, việc tồn đọng các dự án “treo” kéo dài hàng chục năm đã tác động trực tiếp đến quy hoạch đô thị TP HCM.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình, hiện nay thành phố đã lập đồng thời 4 quy hoạch, bao gồm quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch cấp nước thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Cũng theo ông Bình, việc phải triển khai thực hiện nhiều quy hoạch cùng lúc dẫn đến thiếu đồng bộ, trong khi nhiều quy hoạch cũng không tương thích về nội dung và thời gian dẫn đến việc gặp khó khăn trong hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu của quy hoạch.
Do đó, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở các cấp độ quy hoạch. Kiến nghị này nhằm nâng cao khả năng tích hợp dữ liệu chung (big data) ở cấp quốc gia, từ đó cung cấp thông tin đồng bộ, bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch.
Để khắc phục các chồng chéo, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đã kiến nghị Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị, quy chuẩn quy hoạch mới và có quy định đặc thù cho thành phố.
Bởi vì, hiện tại do chưa có cơ chế đồng bộ, trong khi hướng dẫn của bộ, ngành liên quan cũng chưa đầy đủ dẫn đến UBND TP HCM gặp rất nhiều khó khăn để triển khai quy hoạch.
Các rối rắm, chồng chéo trong định hướng quy hoạch, đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Đối với một “siêu đô thị” như TP HCM, các quy hoạch “treo” càng khiến cho chính quyền thành phố gặp khó khăn trong quy hoạch chung và tầm nhìn dài hạn về quy hoạch hạ tầng đô thị.
Do đó, việc kiên quyết thu hồi những quy hoạch “treo”, những dự án đã quá thời hạn quy định mà không triển khai là nhiệm vụ trước mắt và thường xuyên để thành phố hồi phục và phát triển.
Cho đến nay, chỉ tính riêng các dự án không thuộc trường hợp có nghị quyết của HĐND TP HCM thông qua thu hồi đất có trong kế hoạch sử dụng đất thì UBND TP HCM đã thực hiện hủy bỏ tới hơn 100 dự án “treo” có giá trị lớn nhưng kéo dài thời gian thực hiện, gây ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư của thành phố, đồng thời gây lãng phí tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.