Xã hội

Những nhịp cầu nối tình đoàn kết - Bài cuối: Những cây cầu dân sinh, những cây cầu dân trí

Tú Uyên - Thanh Tiến 08/03/2024 07:05

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chằng chịt kênh rạch, nên những cây cầu được coi là công trình tạo động lực phát triển. Thời gian qua, được sự đầu tư của Nhà nước, nhiều cây cầu đã, đang và sẽ được xây dựng, giúp khu vực sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông để “cất cánh”. Trong nỗ lực ấy, có sự chung sức rất đáng tự hào của nhiều người, khi tự nguyện góp công, góp của xây lên những cây cầu vững chãi bắc ngang kênh, rạch.

anh-bai-chinh.jpg
Cầu Phước Viên 4 (ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) do MTTQ xã Thạch Trị phối hợp cùng chùa Tân Thọ (huyện Tân Hiệp) xây dựng. Ảnh: Tú Uyên.

Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, là 1 trong 13 tỉnh vùng ĐBSCL và cũng là tỉnh nhiều kênh rạch, sông ngòi nhất, với tổng chiều dài lên đến 7.000km. Cà Mau là xứ sông nước. Sông nước đã tạo nên hồn cốt bản sắc văn hoá của vùng đất này.

Biết bao đời qua, ở Cà Mau, chợ lớn, chợ nhỏ đều nằm ở những ngã sông giao nhau, từ đó mà tỏa đi. Xuồng lớn, xuồng nhỏ đậu gần kín cả mặt sông. Chiếc này chưa lui ra chiếc khác đã tới. Những tưởng cảnh mua bán trên sông từ những chiếc thuyền sẽ không bao giờ thay đổi, nhưng rồi từ khi những cây cầu được xây lên thì mọi việc đã khác.

anh-box.jpg

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, từ năm 2011, khi tham gia thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng cầu nông thôn, xóa cầu tạm, “cầu khỉ”, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, nhất là việc đảm bảo an toàn cho trẻ em đến trường.

Đặc biệt, năm 2016, các nội dung MTTQ tham gia xây dựng Nông thôn mới đã được cụ thể hóa vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Công tác tuyên truyền luôn được chú trọng để bà con nhân dân, nhất là người dân vùng nông thôn thấy được ý nghĩa của tiêu chí đường giao thông trong chương trình Nông thôn mới, từ đó người dân tự nguyện hiến đất làm đường và tích cực tham gia các phần việc, hạng mục, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, Mặt trận còn tuyên truyền, vận động người dân ở vùng đô thị, vùng thuận lợi, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khó khăn để có thêm nguồn lực thực hiện tiêu chí hạ tầng giao thông…

Từ hướng dẫn của Mặt trận Trung ương, từ những trăn trở, khát khao của bà con về những cây cầu vững chãi, MTTQ, các tổ chức tôn giáo và nhiều cá nhân đã tích cực tuyên truyền, vận động và kêu gọi các nhà hảo tâm, thuyết phục được tấm lòng nhân ái, sẻ chia của họ. Với sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân ở địa phương và sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương bạn, các tổ chức, cá nhân - những tấm lòng, tình cảm “tương trợ, chia sẻ”…những cây cầu bê tông đã được xây dựng, thay thế cho những cây cầu tạm bợ, “cầu khỉ”, xóa dần cảnh “ngăn sông cách đò”, rút ngắn khoảng cách đi lại cho bà con. Việc vận động nhân dân chung sức xây dựng cầu nông thôn ở địa phương nhận được sự đồng tình cao trong dân vì đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi sự đóng góp của người dân đều được minh bạch rõ ràng. Điều đó làm người dân hài lòng và an tâm đóng góp. Cứ như vậy, nguồn kinh phí huy động trong nhân dân để cùng ngân sách nhà nước làm cầu giao thông nông thôn ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở vùng ĐBSCL.

Bất cứ người dân nào xứ sông nước này cũng đều thừa nhận những cây cầu đã làm thay đổi cuộc sống. Hệ thống giao thông đường bộ phát triển, những cây cầu mọc lên giúp Cà Mau phát triển nhanh chóng. Những cây cầu được xây lên không chỉ nhân lên niềm vui cho mọi người, mọi nhà, mà còn mở ra nhiều cơ hội để địa phương phát triển, khi giao thương thuận lợi, xe tải vào tận xã, ấp để thu mua nông sản cho bà con.

Cà Mau nhờ sông nước, kênh rạch mà trở nên đắc địa. Thì cũng lại nhờ những cây cầu giao thông nông thôn mà cuộc sống dần phồn vinh. Cây cầu nối gần lại tình người hai bên bờ kênh cũng là những cây cầu để người dân bước tới tương lai.

Và ở ĐBSCL, không chỉ Cà Mau, cùng những cây cầu do Nhà nước đầu tư xây dựng, rất nhiều cây cầu được dựng lên từ những tấm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân. Về Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang... đâu cũng gặp những cây cầu chở nặng tình cảm, yêu thương như thế.

Cũng như cả nước, chương trình xây dựng Nông thôn mới ở ĐBSCL bao gồm nhiều tiêu chí, nhưng xuất phát từ đặc điểm riêng có thì hệ thống giao thông nông thôn là vô cùng quan trọng. Trong đó, những cây cầu bắc ngang kênh rạch là điểm nổi bật.

Ngược dòng lịch sử, hệ thống kênh rạch chằng chịt và nguồn lúa gạo phong phú là hai yếu tố làm nên đặc trưng của ĐBSCL. Là miền sông nước nên ghe thuyền từng làm nên bản sắc Nam Bộ, đóng góp vô cùng quan trọng trong cuộc sống người dân. Và hôm nay những cây cầu giao thông nông thôn tiếp bước sứ mệnh lịch sử đó. Chương trình xoá cầu khỉ đã kết thúc nhưng phong trào xây cầu giao thông nông thôn ở ĐBSCL thì vẫn tiếp tục. Những đội thiện nguyện với sự đóng góp của người dân trong vùng đã xây dựng được hàng nghìn cây cầu vững chãi; góp phần hoàn chỉnh diện mạo giao thông ĐBSCL.

Bên cạnh những cây cầu dây văng hiện đại thì những cây cầu bê-tông do người dân góp công, góp của xây lên chính là biểu tượng cao đẹp ở một vùng mênh mông sông nước. Chính những cây cầu “hào hiệp” ấy đã góp phần kiến tạo động lực để phát triển bền vững.

Là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước nhưng thời gian qua do biến đổi khí hậu, cuộc sống của người dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL gặp khó khăn. Từ đó đã dẫn đến tình trạng vừa ly nông vừa ly hương, nhiều người bỏ ruộng vườn tìm tới thành phố mưu sinh. Nhưng rồi, cuộc sống đã đổi thay, người dân ĐBSCL đang được thụ hưởng thành tựu của công cuộc kiến thiết. Cơ hội phát triển đang mở ra.

anh-2-bai-chinh.jpg
MTTQ huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) đã vận động xã hội hóa xây dựng mới các cầu nông thôn theo hình thức Nhà nước, tôn giáo và nhân dân cùng làm. Ảnh: Thanh Tiến.

Phát huy nội lực, đó là một biểu hiện vô cùng sinh động ở vùng đất này. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Nghèo của nhưng không nghèo tình. Với sự hào hiệp vốn có, nhiều người đã chủ động cùng nhau góp công, góp của xây nên những cây cầu. Những cây cầu dân sinh thay đổi cuộc sống và gắn kết cộng đồng. Những cây cầu mọc lên thuận tiện cho việc đi lại, làm ăn của người dân và cũng rút ngắn quãng đường đến trường của học sinh. Vì thế, người dân còn gọi những cây cầu dân sinh là những cây cầu dân trí. Những đứa trẻ không còn phải tới trường bằng những chiếc xuồng hiểm nguy luôn rình rập. Các em đã bước những bước tự tin hướng tới tương lai trên con đường tri thức, vì các em đang đi trên những chiếc cầu chắc chắn do chính ông bà, cha mẹ, cô chú bác mình xây nên.

Còn nhớ, một ngày tháng 10/2023, trong lễ khánh thành cây cầu bắc qua kênh Đường Gỗ (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), nhiều người dân vui mừng chia sẻ: Ngày trước, đám trẻ đến trường phải đi đường vòng xa gần 2 cây số. Hàng hóa, trái cây cũng chỉ được vận chuyển bằng ghe tàu rất bất tiện. Nay có cầu rồi, bà con sẽ đi lại an toàn hơn, học sinh đến trường dễ dàng hơn, nhất là mùa mưa bão. Lũ trẻ không còn thiếu chữ nữa, mà sẽ được học lên cao, hạnh phúc hơn hẳn thế hệ trước. Từ đó xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và cho cả cộng đồng.

Những cây cầu dân sinh bằng bê-tông ở ĐBSCL có thể không kỳ vĩ, nhưng được xây dựng lên bằng những tấm lòng vàng, thì điều đó mang thật nhiều ý nghĩa. Và cảm động. Tất cả đã viết nên một hành trình đẹp, ấm áp yêu thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nhịp cầu nối tình đoàn kết - Bài cuối: Những cây cầu dân sinh, những cây cầu dân trí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO