Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về hiến, lấy, ghép, vận chuyển, bảo quản và chăm sóc sau ghép gan từ người hiến sống và từ người hiến chết não.
Cụ thể, tại Quyết định 1626 do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế ký (ban hành ngày 12/6) nêu rõ, ghép gan ngày càng trở nên phổ biến nhờ vào tiến bộ của y học hiện đại. Ghép gan từ người hiến sống có ưu điểm là nhanh chóng, giúp giảm thời gian chờ ghép.
Tuy nhiên, người hiến gan còn sống cần được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, đồng thời đảm bảo đủ chức năng gan ghép cho người nhận. Người hiến gan còn sống chỉ định với những trường hợp người sống khoẻ mạnh, tự nguyện hiến 1 phần gan; tiền sử không ghi nhận mắc các bệnh chuyển hoá, bệnh hệ thống, bệnh di truyền hay bẩm sinh; tuổi từ 18 trở lên.
Bộ Y tế cũng nêu rõ việc chống chỉ định hiến gan từ người cho sống đối với các bệnh suy giảm miễn dịch tiến triển; các bệnh ác tính (trừ ung thư da tế bào đáy; ung thư cổ tử cung in situ; một số u não tại chỗ); các bệnh truyền nhiễm như lao tiến triển, viêm gan siêu vi B, C tiến triển.
Theo Bộ Y tế, chỉ định ghép gan ngày càng mở rộng. Số lượng người bệnh chờ ghép gan ngày càng tăng lên. Sàng lọc và đánh giá người hiến là bước đầu tiên và đóng vai trò rất quan trọng để có được một mảnh ghép gan có chất lượng đảm bảo, giúp tối ưu kết quả sau ghép của người nhận. Nguồn gan hiến có thể từ người hiến chết não, chết tuần hoàn hoặc từ người hiến sống, trong đó lấy gan từ người hiến chết não là một kỹ thuật kinh điển đã được triển khai thường quy tại nhiều trung tâm trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trước khi được chẩn đoán chết não, người hiến có tiềm năng hiến gan sau chết não hay sau ngừng tim cần được hồi sức tốt, đảm bảo gan cũng như các tạng khác còn đủ chức năng và hạn chế thương tổn tối đa cho đến khi gan đuợc lấy và ghép cho người nhận. Người hiến gan cần đuợc đánh giá kỹ các chống chỉ định để không trở thành tác nhân truyền bệnh cho người nhận gan.
Do đó, Bộ Y tế chống chỉ định tuyệt đối với những người hiến gan chết não mắc các bệnh sau: Nhiễm khuẩn huyết đang tiến triển; nhiễm khuẩn, nhiễm độc có nguyên nhân hoặc không rõ nguyên nhân; đã phát hiện ung thư (trừ ung thư thần kinh nguyên phát); áp xe gan đang có biểu hiện nhiễm khuẩn; chấn thương gan nặng (từ độ 4 theo AAST trở lên); sơ gan Chil C; suy đa tạng.
Đến nay, Việt Nam có 9 bệnh viện thực hiện ghép gan và đã ghép cho hơn 500 ca, từ nguồn cho sống và chết não. Riêng Bệnh viện trung ương Quân đội 108 triển khai thành công hơn 200 ca, trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất toàn quốc, đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất, với tỷ lệ 97%. Các ghi nhận cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm đạt 75%, tương đương với các nước trên thế giới.