Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Vui là: 1/Có tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc hợp nguyện vọng hoặc điều làm cho mình hài lòng. Thí dụ: Vui cảnh gia đình đoàn tụ. Khi vui non nước cũng vui/ Khi buồn sáo thổi kèn đôi cũng buồn (ca dao). Làm vui lòng cha mẹ. Niềm vui nhân đôi. Chia vui.
2/Có tác dụng làm cho vui. Thí dụ: Tin vui. Vở kịch vui”. “Vui mừng là rất vui vì được như mong muốn (nói khái quát). Thí dụ: Vui mừng trước thắng lợi. Vui mừng gặp lại bạn cũ”. “Vui vẻ là có vẻ ngoài lộ rõ tâm trạng rất vui. Thí dụ: Nói cười vui vẻ. Buổi họp mặt vui vẻ. Vui vẻ nhận lời. “Chào mời vui vẻ, nói năng dịu dàng” (Nguyễn Du)”. “Vui tươi là vui vẻ phấn khởi. Thí dụ: Cuộc sống vui tươi. Không khí vui tươi, lành mạnh”.
Nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp, ông Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) đã có một cách đánh giá, cách khu trú, cách giới hạn niềm vui lại như sau: “Niềm vui đối với mỗi con người chẳng khác gì sử dụng muối và dấm khi ăn thịt. Người ta không thể bỏ muối đầy tay, người ta không thể uống dấm đầy cốc”.
Niềm vui lớn lao trong đời là làm được cái gì mà thiên hạ cho rằng ta không thể làm được.
Walter Bagehot
Như thế, ta xác định được rằng: Niềm vui là một gia vị thêm thắt vào một bữa ăn ngon có thịt cho thêm phần thú vị. Niềm vui chỉ là một khoảnh khắc, một tâm trạng nhất thời trong đời sống hàng ngày của mỗi con người. Nồng độ của niềm vui cũng rất có giới hạn. Tỷ lệ của niềm vui trong bữa tiệc cuộc đời cũng rất hạn chế.
Văn học dân gian cổ của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á nêu ra niềm vui có được trong bốn trường hợp sau: 1/Đang hạn hán, gặp mưa rào (niềm vui trong sản xuất nông nghiệp). 2/Ngàn dặm quê người, gặp cố tri (khi đi xa, sống xa quê gặp được người cùng quê). 3/Cô gái lấy chồng trong đêm tân hôn (niềm vui được thay đổi số phận). 4/Chàng trai biết tin mình thi đỗ (niềm vui được đỗ đạt có hy vọng lớn trong tương lai).
Ngay trong bốn niềm vui rất chính đáng ấy cũng mang tính nhất thời, vì chưa chắc đã kéo dài, chưa chắc đã đúng như hy vọng của mình, như tương lai mình tưởng tượng ra.
Đọc đến đây có người sẽ đặt câu hỏi: “Liệu có niềm vui nào bền vững, chắc chắn theo ta lâu dài không?” Nhiều triết gia đã mổ xẻ phân tích về niềm vui sẽ giúp ta có nhiều cách nhìn khác nhau về khái niệm “Niềm vui”.
Tác giả danh tiếng của Văn minh cổ đại Ả rập, ngài Mahommed Hafiz (1300 - 1388) đã từng mổ xẻ và đánh giá về “Niềm vui” rất thực tế, rất duy vật, rất biện chứng, mang đầy tính phản biện qua câu danh ngôn: “Không có niềm vui nào mà không có dấu vết của sự đắng cay”.
Để hiểu được câu nói này của Hafiz có đúng không và đúng đến đâu thì chắc chắn chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết được. Trong tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du cũng có câu: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, hoặc trong dân gian cũng truyền tụng nhau những ý tứ như: “Chỉ có người uống mới biết cốc nước nóng đến đâu”, hay “Anh có phải là tôi đâu mà anh biết được”. Thành ra, cái niềm vui bên ngoài mà ai cũng nhìn thấy đó ngờ đâu lại là một trường hợp “trong héo ngoài tươi” thì sao? Hoặc lại là một hiện tượng “Trong đom đóm, ngoài bó đuốc”, hay “Đẹp đẽ thì phô ra, xấu xa thì đậy lại” thì sao?
Tác giả Jasper Heywood (1535 - 1596) lại nêu lên một quy luật rất lạ là: “Chạy theo niềm vui, nó sẽ bỏ đi. Bỏ nó mà đi, nó sẽ chạy theo”. Cách nhận xét này của Heywood cũng tương tự như khi nói về “Hạnh phúc”, đó là một cảm giác chủ quan và trừu tượng chẳng khác gì trò chơi đuổi bắt con bướm. Cứ để kệ thì bướm sẽ đậu ngay trước mặt bạn. Càng đuổi bắt nó, bướm càng bay cao bay xa hơn. Liệu những phân tích này có đúng không và đúng đến đâu xin tùy vào từng trình độ, từng hoàn cảnh cụ thể, từng tâm trạng cụ thể mà mỗi người có được. Hình như ở đây không có đúng hẳn, không có sai hẳn mà chỉ là tương đối như mọi sự việc vẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Lại tiếp tục phân tích về “Niềm vui”, ai ai cũng phải chú ý đến hai nguồn gốc của niềm vui. Nguồn gốc thứ nhất là những niềm vui do người khác ban phát cho, giúp đỡ cho, chiếu cố cho mà có được. Nguồn gốc thứ hai bền vững hơn nhiều, chắc chắn hơn nhiều, là những niềm vui do tự mình phấn đấu gian khổ, kiên trì nhẫn nại mà có được.
Triết gia danh tiếng J.Petit Senn đã từng nhận xét: “Chúng ta thường thất vọng vì những niềm vui do người khác ban cho, nhưng chẳng bao giờ chúng ta mất niềm tin vào những niềm vui do tự mình tạo nên”. Tác giả Senn đã đúng hoàn toàn nếu lấy những thí dụ gặp trong đời thường mà minh họa.
Ông X có cả học hàm học vị cao nên được bổ nhiệm một chức vụ cao. Chẳng may có đợt thanh tra của cấp trên, người ta đã phát hiện ra ông này đã sử dụng bằng cấp giả trong nhiều năm. Từ đó truy ra ông còn nhiều sai phạm gian dối khác nên ông X đã phải đi tù. Cái niềm vui được thăng cấp nhờ những tấm bằng giả mua bằng tiền mà ông X có được thật ngắn ngủi và sự gian dối này đã dẫn đến bi kịch sau cùng của ông.
Anh Long sau khi học hết phổ thông, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn anh đã cương quyết bám trụ ở lại quê nhà, tìm cách học tập các kỹ thuật mới để trồng trọt cây ăn quả. Cả gia đình anh và hàng chục bà con trong thôn xóm tham gia tổ hợp tác trồng vải với anh, vụ thu hoạch vừa qua doanh thu tới hàng trăm triệu đồng, cải thiện hẳn đời sống của từng gia đình. Mọi người phấn khởi, quyết tâm đầu tư thêm máy móc để chế biến vải tại chỗ và mở rộng phạm vi trồng trọt. Chắc chắn niềm vui trong những năm tới sẽ to hơn, vững vàng hơn và sẽ thúc đẩy phong trào sản xuất của vùng nông thôn đổi mới do chính bàn tay của người nông dân tạo ra, niềm vui này là chắc chắn và bền vững.
Phân tích về “Niềm vui”, các nhà triết học tiền bối còn dạy ta nhiều góc nhìn thú vị, nhân bản và thực tế.
Triết gia William Jones (1746 - 1794) đã có nhận xét rất nhân bản pha chút tâm linh: “Thông cảm với sự vất vả, khó nhọc mà con người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, nên Thượng đế đã ban cho họ niềm vui để an ủi và động viên”.
Chính nhờ có cách nhìn rất lương thiện, rất nhân bản này của William Jones nên hàng trăm năm qua đã xuất hiện nhiều truyện cổ tích, nhiều đồng dao, đồng thoại kể lại những câu truyện về ông tiên, bà tiên đã dạy các cô bé, cậu bé, những người nghèo khổ biết chăm chỉ học tập, chăm chỉ làm ăn, hay giúp đỡ người yếu thế, người cô đơn và kết quả là họ đã gặp được những điều tốt, điều hay, có nhiều niềm vui trong tương lai, lúc cuối đời. Lòng tin vào cái thiện cái tốt đẹp chính là một động lực sống tốt cho mọi người.
Dù phương Đông hay phương Tây, các tác giả lớn cũng đã viết nhiều truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài được xuất bản và tái bản nhiều lần, được nhiều người mua vì các tác phẩm ấy đều kết thúc có hậu, cuối cùng ai cũng có niềm vui, ai cũng được sung sướng và hạnh phúc.
Triết gia Walter Bagehot (1826 - 1877) lại phát hiện ra cái lý do để một người có được niềm vui lớn lao nhất là khi anh ta làm được những việc mà ai ai cũng cho là anh ta không có khả năng, không đủ sức, không thể làm được. Walter Bagehot đã khẳng định: “Niềm vui lớn lao trong đời là làm được cái gì mà thiên hạ cho rằng ta không thể làm được”. Đây là một nhận xét triết học, tâm lý học đầy sức thuyết phục vì nó quá hợp lý, quá đúng. Nhận xét này đã đánh vào lòng tự trọng, tự ái của mỗi con người. Trong văn học phương Đông cổ người ta thường mô tả một kỹ năng rất hiệu quả là “khích tướng”. Trước khi ra trận người chỉ huy có nhiều cách động viên từng cá nhân, từng tập thể. Thí dụ: “Thế giặc rất mạnh hay ta rút lui đi rồi tính nước đánh trả sau?”, hoặc: “Các tướng bên ta liệu có ai địch nổi quân giặc không?”. Đây là nói chuyện thời cổ, phương pháp khích tướng này tỏ ra rất tốt, rất hiệu quả vì nó kích hoạt lòng tự ái, tự trọng của con người. Họ thề rằng dù phải hy sinh chứ không chịu thua, không chịu rút lui. Trong thế kỷ này là thời điểm khoa học kỹ thuật đã phát triển đến cao độ thì kỹ năng “khích tướng” có còn hiệu quả không? Xin nói ngay: Vẫn rất hiệu quả đấy.
Cá nhân nào cũng có điểm mạnh, nhưng cũng có điểm yếu, vì thế vẫn cần có những kỹ năng sống cho phù hợp. Một vài thí dụ:
Sắp bước vào kỳ thi hát đơn ca “Sao Mai” để tuyển các danh ca trong toàn quốc, có người khuyên Lan: “Thôi, đừng tham gia dự tuyển làm gì, khó lắm đấy”, có người lại “khích tướng” thêm: “Thôi, lên sân khấu mà thất bại thì chả bõ làm trò cười cho mọi người”. Nhưng Lan đã quyết tâm vượt qua mọi vòng thi sơ tuyển ở phía Nam và cô đã cùng 7 người được có tên trong đêm Chung kết quốc gia. Cuối cùng cô được xếp thứ hai trong dòng nhạc nhẹ. Niềm vui của Lan là niềm vui có thật mà trước đó mọi người không tin là cô đạt được.
Thi vào Đại học Y lần đầu Xuân thiếu 3 điểm. Anh quyết tâm ôn để sang năm thi lại. Năm sau anh thừa điểm trúng tuyển. Lúc nhận giấy gọi nhập học Xuân rất vui sướng vì anh đã làm được một việc mà mọi người cho là anh không thể làm được, tức là không thể thi đỗ vào trường Đại học Y được. Niềm vui của Xuân là một thí dụ về lòng quyết tâm phấn đấu mà mỗi con người đều có một tiềm năng, vấn đề là biết xác định, tập luyện gian khổ để có được kết quả như lòng mình mong muốn.