Cuộc đối thoại ngành thuế với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu vực phía Bắc, diễn ra vào chiều ngày 23/9 cho thấy những nỗ lực trong việc cải cách các thủ tục thuế mà cơ quan quản lý đang cố gắng thực hiện để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Mặc dù có nhiều cải cách nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn mong muốn ngành thuế đổi mới nhiều hơn.Ảnh: TL.
Doanh nghiệp nội: Mong cơ quan quản lý đồng hành
Trong một báo cáo từ Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, DN chung cảm nhận pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế được doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi mạnh mẽ và giảm thời gian thực hiện cho DN nhiều nhất.
Những cải cách mà ngành thuế đang làm là đúng hướng. Trên thực tế, việc cải cách các thủ tục đã giúp giảm được 420 giờ trong số 537 giờ nộp thuế. Với hơn 500.000 DN, việc cải tiến đã giúp tiết kiệm được hàng triệu giờ thực hiện thủ tục thuế.
Nhưng dù vậy, các DN vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự hài lòng. DN phản ánh gặp vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin về chính sách, pháp luật thuế. 2 nhóm thủ tục mà DN gặp vướng mắc nhiều nhất là đăng ký thuế và khai thuế.
Các DN cho rằng, phiền hà lớn nhất mà họ gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Ngoài ra, cũng có tình trạng cán bộ thuế yêu cầu cung cấp nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết hoặc thời gian giải quyết quá dài.
Một số DN cũng cho biết, họ phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế, nhiều nội dung thanh tra, kiểm tra thuế còn trùng lặp.
Ông Trương Đình Vấn - đại diện Công ty dệt may Châu Giang cho rằng, việc hàng trăm giờ nộp thuế là rất tốt, song với DN đó mới chỉ là những đánh giá về mặt thời gian. Ông Vấn cho rằng, cái chính là phải làm sao giảm căng thẳng cho DN.
Đơn giản và minh bạch thủ tục thuế - mong mỏi của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ngoại: Đề nghị tiếp tục cải cách thủ tục hành chính
Vậy, còn DN ngoại cảm nhận ra sao?
Tại cuộc đối thoại giữa Tổng cục Thuế và cộng đồng DN Hàn Quốc, nhiều vướng mắc và đề xuất của các DN Hàn Quốc liên quan đến quy định xuất nhập khẩu, thuế nhà thầu, phổ biến văn bản mới… đã được cơ quan thuế, hải quan giải đáp, tháo gỡ và ghi nhận sửa đổi những quy định còn bất cập.
Đại diện công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đề nghị hướng dẫn lãi suất đối với trường hợp ủy thác cho vay vốn bằng ngoại tệ giữa các DN trong cùng tập đoàn Samsung, làm cơ sở xác dịch liên kết tính thu nhập chịu thuế thu nhập DN.
Cùng đó, nhiều DN đề xuất, trường hợp xuất khẩu gián tiếp, cơ quan Hải quan thực hiện xử lý trên giấy tờ trước, kiểm tra sau một cách triệt để mà không cần phải gửi trực tiếp hồ sơ và mẫu vật để thanh tra kiểm tra như hiện nay thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Trả lời DN, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, quy định của Luật Hải quan 2014, thời gian trung bình từ khi đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan lô hàng xuất khẩu là 5 giờ 36 phút, giảm 5,5 giờ so với năm 2013 (11 giờ 6 phút). Như vậy, thời gian thông quan đối với các lô hàng xuất khẩu gián tiếp mà DN đề cập đã được cải thiện đáng kể.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ sau Hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc năm 2015, đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật về thuế, hải quan.
Mục tiêu của những thay đổi này nhằm hướng đến đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế.
Trong những năm qua, cơ quan thuế, hải quan đã chủ động, phối hợp với các lực lượng chức năng xác lập nhiều chuyên án; đấu tranh, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, có sự móc nối, tiếp tay, bao che của một số ít cán bộ, công chức thuế, hải quan.
Bộ Tài chính đề nghị DN, nếu thấy cơ quan thuế, hải quan thu các khoản ngoài quy định thì kịp thời phản ánh, nội dung phản ánh cần nêu rõ thời gian, địa điểm làm thủ tục hải quan, tên của cán bộ, công chức hải quan yêu cầu thu các khoản thu ngoài quy định về các số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Hải quan được công khai tại các địa điểm làm thủ tục hải quan hoặc được đăng tải công khai trên Báo Hải quan, website Hải quan để được xử lý kịp thời.
Thời gian tới, các thủ tục thuế, hải quan cũng tiếp tục được cải cách theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu. Riêng ngành hải quan đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho DN, phù hợp với sự phát triển của thương mại quốc tế.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới - ông Sebastien:
Việt Nam cần xây dựng kế hoạch dựa trên định hướng chiến lược gồm: ổn định tỷ lệ thu ngân sách trên GDP ở mức 24%; cân đối lại cơ cấu thu theo các nguồn trong nước và giảm thiểu rủi ro BEPS (xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài) trong các giao dịch quốc tế; xây dựng hệ thống thuế hiệu quả giúp giảm thiểu những sai lệch và một nền quản lý thuế hiện đại dựa trên sự tuân thủ tự nguyên và quản lý dựa trên rủi ro. Đồng thời tính đến các nhân tố tác động: Gắn kết các công cụ (chính sách, quản trị, quốc tế, địa phương); chính sách thuế và quản lý thuế là hai mặc của một đồng xu (những lựa chọn chính sách phải đối mặt với các hạn chế về hành chính và ngược lại).