Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được xem là giải pháp góp phần hạn chế việc người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, trong đó có “tín dụng đen”.
Nhu cầu tín dụng tiêu dùng giảm
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng bình quân giai đoạn từ 2010 đến nay luôn cao hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Ông Đoàn Thái Sơn - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không chỉ đáp ứng nhu cầu tài chính của người dân mà còn giúp hạn chế việc tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức như “tín dụng đen”, góp phần giảm thiểu các hệ lụy tiêu cực và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Song, ông Sơn cũng nhìn nhận, hoạt động tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Như năm 2023, tín dụng tiêu dùng chỉ tăng khoảng gần 11% so với năm trước - mức tăng khiêm tốn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2010-2020. Dư nợ trong các tháng đầu năm 2024 suy giảm so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng, tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của nhóm này.
Theo đại diện Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 3/2024, tốc độ tăng trưởng cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ đời sống giảm 1,32% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cho vay phục vụ đời sống nhích lên 4%, so với 3,8% cuối 2023.
Tăng cường các giải pháp
Nếu như trước đây, tội phạm “tín dụng đen” dán quảng cáo cho vay ở cột điện, các bức tường thì hiện nay đã biến tướng dưới dạng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, doanh nghiệp kinh doanh tài chính... Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, website, ứng dụng quản lý cầm đồ hoặc ứng dụng cho vay để quảng cáo, tiếp cận người vay. Đặc biệt gần đây đã phát hiện thủ đoạn các đối tượng thành lập doanh nghiệp gồm công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật rồi mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi sau đó gọi điện, nhắn tin đe dọa nhằm cưỡng đoạt tài sản.
Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như vậy, nhiều lo ngại cho rằng, “tín dụng đen” còn nhiều “đất” để phát triển, nhất là trước nhu cầu vay vốn cuối năm đang tăng cao. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã từng nhiều lần cảnh báo người vay về việc mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng, trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay cũng ở mức “cắt cổ”.
Lãi suất cho vay của “tín dụng đen” là lãi suất ngắn hạn, tính theo ngày. Các đối tượng sẽ cắt phí ngay khi giải ngân. Người vay 100 triệu đồng chỉ nhận được 70 triệu đồng, còn 30 triệu đồng sẽ bị bên vay cắt lãi trước. Do người cho vay không có tài sản thế chấp nên các đối tượng sẽ yêu cầu chụp Căn cước công dân, cho phép truy cập danh bạ, mạng xã hội… Khi đến hạn, nếu người vay không trả thì lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cộng gốc, tính lãi mới….
Để chặn “tín dụng đen”, theo ông Lê Hồng Phúc - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), cần sớm cho phép và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc kết nối khai thác dữ liệu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý và xác thực thông tin khách hàng khi ngân hàng cung ứng sản phẩm tín dụng và thanh toán.
Trong khi đó, để triển khai tín dụng tiêu dùng hiệu quả hơn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, bám sát với nhu cầu thị trường, đồng thời có thể phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp hiểu đúng về các kênh cung cấp tín dụng chính thức cũng như thấy được các hệ lụy, hậu quả của tín dụng đen.