Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng (ước tăng trưởng 7,31%, cao nhất trong 9 năm qua). Với kết quả bước đầu như vậy dự báo đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt, vượt 12/12 chỉ tiêu đã đề ra.
Để bức tranh kinh tế có gam mầu sáng như vậy không thể không nhắc đến sự nỗ lực, chủ động trong điều hành từ Chính phủ, các các cấp các ngành- những vấn đề ấy đã được phân tích thấu đáo trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 2/10.
Thật vậy, bức tranh kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng sau rất nhiều nỗ lực. Xuất khẩu chúng ta đạt 194 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 8,2%, đầu tư xã hội đạt 34,3% tăng 10,3%, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm hơn 45% và tăng trưởng 16%.
Vậy thì vì lẽ gì kinh tế Việt Nam lại có bước tăng trưởng ấn tượng và tự hào trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng nhiều mặt, không thuận của tình hình thế giới, khu vực, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh như vậy? Đó trước hết là sự nỗ lực trong điều hành của các cấp, các ngành đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù vẫn giữ được xu hướng phát triển tích cực, nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức, trong đó có những nguy cơ, thách thức mới xuất hiện và chưa từng có tiền lệ. Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, như ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba… Với các địa phương, Chính phủ đã có hàng loạt hội nghị, cuộc làm việc với các địa phương, các vùng kinh tế để đánh giá tình hình, lắng nghe các góp ý, đề ra mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển cho các khu vực trong thời gian tới, tháo gỡ các điểm nghẽn…
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước, là minh chứng rõ nét cho nỗ lực vượt khó với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta.
Không chỉ lĩnh vực kinh tế, với những vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong xã hội cũng được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Đích thân người đứng đầu Chính phủ đã có sự chỉ đạo cụ thể đối với những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, thậm chí bức xúc như tiến độ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, khả năng thiếu điện trong những năm tới, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, những bất cập tại sân bay Nội Bài…nhờ vậy, những “điểm nghẽn” này đã dần được tháo gỡ.
Dù đạt được những kết quả như vậy nhưng chúng ta không thể chủ quan bởi còn rất nhiều rủi ro, thách thức, tồn tại. Về khách quan, đó là căng thẳng thương mại giữa các nước lớn phức tạp, khó lường; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của cả thế giới, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Về nội tại, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến, nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ, thể chế phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ chậm được ban hành…
Vậy cần làm gì để duy trì đà tăng trưởng như hiện nay? TS Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, đặc biệt các ngành đóng vai trò quan trọng trong quản lý, điều hành kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019. Trong đó tập trung thực hiện việc nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường các biện pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tận dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh, ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...
Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Nhờ vậy thế và lực của nền kinh tế đã khác trước, nhưng “thuyền to sóng lớn”, khiến xuất hiện thêm nhiều vấn đề nóng bỏng cần giải quyết.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm hành động, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm và quyết liệt hơn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, tiếp tục đổi mới, sáng tạo không ngừng để giải quyết các vấn đề đặt ra trên tinh thần “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giải quyết được thỏa đáng, kịp thời các vấn đề phát sinh hằng ngày hằng giờ trong cuộc sống, đồng thời bảo đảm các định hướng lớn phù hợp để nền kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.