Do thiếu vaccine nên trong năm 2022, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021.
Cụ thể, năm 2022, chỉ có 3/20 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ tiêm chủng chung toàn khu vực chỉ đạt 79,5% do thiếu vaccine trong Chương trình TCMR.
Tình trạng thiếu vaccine sau đó tiếp tục tái diễn và kéo dài cho đến nay. Quý I/2023, chỉ có 18 tỉnh, thành phố tiêm vét cho năm 2022 với 123.498 mũi tiêm. Con số này rất thấp so với số trẻ cần tiêm vét và không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực miền Nam.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng thiếu vaccine, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Giai đoạn từ năm 2023 trở về trước, Bộ Y tế được giao kinh phí để thực hiện mua vaccine tập trung trong Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, đối với các vaccine thuộc chương trình TCMR và được ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Y tế thì Bộ thực hiện mua sắm tập trung cho các địa phương.
Trong giai đoạn này, Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã kết thúc. Để có lộ trình chuyển đổi phù hợp từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển sang địa phương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Theo đó, Bộ Y tế vẫn được giao dự toán từ nguồn ngân sách trung ương để mua tập trung và cung ứng cho cả nước nên chưa xảy ra thiếu vaccine. Trong giai đoạn này, Bộ đã có các văn bản hướng dẫn các địa phương lập nhu cầu và bố trí ngân sách để mua vaccine.
Từ năm 2023 khi chuyển đổi chương trình mục tiêu y tế dân số trở về thành nhiệm vụ chi thường xuyên cho các địa phương, trong đó có bố trí ngân sách để mua vaccine. Theo đó thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và theo phân cấp bố trí ngân sách, các địa phương phải bố trí ngân sách đảm bảo để mua vaccine. Như vậy cơ chế mua sắm tập trung của Bộ Y tế khi không được giao ngân sách sẽ có vướng mắc.
Cũng theo ông Công, trên thực tế việc chuyển ngân sách để địa phương mua vaccine cũng có vướng mắc, trong đó chủ yếu tập trung vào những nội dung về điều phối vaccine, tham khảo giá và có thể khi mua sắm tại địa phương thì giá không thống nhất và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá.
Trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế đã có dự thảo Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất một số giải pháp để bảo đảm vaccine trong năm 2023. Cụ thể, đối với các loại vaccine sản xuất trong nước, Bộ Y tế đề nghị thực hiện theo hình thức đặt hàng với quy trình các địa phương đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế; thực hiện ủy quyền cho Bộ đặt hàng sau đó các địa phương thanh toán trực tiếp với nhà sản xuất. Đối với một số loại vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ thực hiện đấu thầu tập trung, các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương.
Đến thời điểm này, để chuẩn bị phương án giao cho Bộ Y tế thực hiện mua sắm tập trung, cấp phát vaccine cho các địa phương, Bộ đã tổng hợp nhu cầu vaccine từ tháng 4/2023 đến 6 tháng đầu năm 2024. Do quy trình này chưa có trong quy định về đặt hàng và giá đặt hàng, để đáp ứng tính chất cấp bách của tình hình hiện nay, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế đặt hàng đặc thù nêu trên. Để đảm bảo chính sách được ổn định lâu dài, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định pháp luật về giá và đặt hàng.